Ngày xửa, ngày xưa, thời 30 năm trước!

23/08/2012 06:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, cũng là vị Tổng biên tập đầu tiên của báo TT&VH. Dù đã ở tuổi ngoại “bát tuần” nhưng cả con người lẫn giọng văn của ông đều giữ nguyên được vẻ hóm hỉnh, tự nhiên như không, nhưng chỉ cần vài ý tứ “lẩy ra” thôi đã nêu bật được vấn đề. Mà đây là một vấn đề tưởng chừng như rất khô khan: quá trình ra đời và phát triển một tờ báo. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Đỗ Phượng.

Có làm phép thử mới biết sự thay đổi đến chóng mặt của thời gian. Một sinh viên vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền về thử việc. Đúng lúc đang băn khoăn về lời đề nghị chân thành của Tổng biên tập báo TT&VH về một bài viết nhân 30 năm của tờ báo. Chuyện trò với cô bé về nỗi lo lắng của mình, cô bé nhanh nhảu: “Đêm nay cháu sẽ viết”. Và đúng là sáng hôm sau đọc lướt bài Những mốc son làm nên một thương hiệu của cô bé. Giật mình với thế hệ @. Chỉ cần tra cứu trên mạng với một ý tưởng, một tâm hồn nhanh nhạy, cô sinh viên trẻ đã có một bài viết. Khá chính xác, không phạm quy, chỉ với gần 2.000 từ đã viết nên một bức tranh toàn cảnh lịch sử 30 năm phát triển của tờ báo.

Thật đáng trân trọng những trang mạng (đương nhiên là những trang mạng đứng đắn) đã cho người ta những thông tin có giá trị từ tư liệu lịch sử đến những diễn biến mới nhất chỉ qua vài cái nhấn trên con chuột điện tử.

Vậy mà nói chuyện 30 năm trước, vâng, chỉ cần 30 năm với lớp người của thời “nhấn chuột” hôm nay khác nào kể chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa”.


Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, cũng là vị Tổng biên tập đầu tiên của báo TT&VH.

***

“Ngày xửa, ngày xưa…”, từ Tin nhanh Espana ‘82 đến khi Văn hóa Thể thao Quốc tế được hoạt động hợp pháp, tức là báo có giấy phép vào đúng ngày 30 Tết Âm lịch, năm 1984, mất gần 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, cả 3 tờ tuần báo của TTXVN đều không có giấy phép ra báo. Vậy mà số lượng phát hành và số lợi nhuận thu được không nhỏ. Không chỉ phát hành trong nước, mà còn phát hành ra trên một chục nước, phần lớn là Liên Xô và Đông Âu, nơi có cả nhiều chục ngàn lao động Việt Nam và qua đó tới nhiều nhóm người Việt ở phương Tây. Thế là không chỉ thu tiền Việt mà số thu ngoại tệ không nhỏ, có cả ngoại tệ mạnh. Và họ lại biến số ngoại tệ đó thành những thiết bị và vật liệu quý hiếm trong nước không có.

Phải ghi công không nhỏ cho họ khi tại Hội nghị toàn quốc của ngành TTXVN họp năm 1983 ở Đà Nẵng, Phó tổng giám đốc Hoàng Tư Trai chính thức công bố “Về cơ bản, TTXVN đã thực hiện hạch toán kinh tế toàn phần, chỉ còn tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, phóng viên Phân xã nước ngoài và Vụ Tổ chức cán bộ nhận lương công chức nhà nước”.

Không biết rõ những điều này thì không lý giải được việc sau khi chuyển Báo ảnh Việt Nam về TTXVN, Chính phủ ra quyết định chuyển nhà xuất bản Ngoại văn từ Bộ Ngoại giao về TTXVN, giao cho TTXVN độc quyền nhập giấy cao cấp bằng ngoại tệ mạnh; và lần đầu tiên ở nước ta, Chính phủ có văn bản quyết định cho phép thành lập nhà in TTXVN tại TP.Hồ Chí Minh. Và trên tất cả, một năm trước Đại hội VI, Ban Bí thư có nghị quyết thành lập Thông tấn xã Báo chí (không thuộc Chính phủ) bao gồm các tờ báo đối ngoại, nhà xuất bản đối ngoại và kênh truyền hình thông tấn.

Những chuyện tày đình đó ở Thông tấn xã lại bắt đầu từ “chuyện nhỏ” Espana ‘82. Một là, muốn làm Espana ‘82 thì trước hết phải có tiền mua giấy giá cao ngoài thị trường. Xí nghiệp ảnh 3, nhà in TTX cùng xưởng giấy Hai Luận phải tận lực hỗ trợ và cũng từ đó cả 3 đơn vị có bước phát triển mới. Và, để có 3 tờ tuần báo thì xưởng in giấy Hai Luận phải đủ nguồn giấy pơ-luya cung cấp cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đổi lại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cung cấp lượng giấy in ngoài kế hoạch cho TTXVN.

Hai là, từ Espana ‘82 bộc lộ sức mạnh tổng hợp của toàn ngành TTX, không chỉ ở các Ban biên tập tin thế giới, Ban thư ký biên tập, phóng viên nước ngoài, các Phân xã trong nước (đừng quên các Phân xã trong nước và nước ngoài còn là địa chỉ phát hành, quảng cáo quan trọng), Cục Kỹ thuật và Phòng phát hành và cả những người thường trực, bảo vệ.

Điều quan trọng là Espana ‘82 chính là dấu mốc khởi đầu cho định hướng mới đa dạng hóa, mở rộng lượng thông tin và trực tiếp thông tin cho cán bộ, nhân dân của TTXVN.

***

Đúng có chuyện chỉ riêng việc xuất bản Espana ‘82, người lãnh đạo TTX lúc đó phải ba lần trực tiếp giải trình với đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tổ chức của Đảng.

Nhưng lại cũng có chuyện khác là trước khi xuất bản 3 tờ tuần báo, lãnh đạo TTXVN trực tiếp báo cáo và xin ý kiến Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Đảng giao cho các anh phụ trách thông tin. Cán bộ và nhân dân có nhu cầu thông tin mới, các anh có trách nhiệm phải đáp ứng đúng đắn và đầy đủ cho cán bộ và nhân dân. Tại sao việc gì cũng xin ý kiến Ban Bí thư?”. Vậy là:

1. Sau chiến tranh, nhu cầu thông tin của cán bộ và nhân dân cả nước có những đòi hỏi mới: thể thao (trước hết là bóng đá) và văn hóa lại là món ăn tinh thần không thể thiếu mà cũng là đòi hỏi trong điều kiện vết thương chiến tranh chưa lành, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn.

2. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nhu cầu thông tin của quần chúng. Có hai ví dụ là bằng chứng sinh động cho việc này. Đúng 30 Tết Âm lịch 1984, một đoàn cán bộ do đồng chí Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương xuống làm việc với lãnh đạo TTXVN về 3 tờ báo. Có ba cán bộ cấp Vụ, Cục phát biểu có bài viết sẵn mang những nhận xét khá tiêu cực về 3 tờ báo. TT&VH là đối tượng bị phê phán nặng nề nhất, soi rọi đến từng tấm ảnh, từng bài viết.  May mà lãnh đạo TTXVN chưa kịp trả lời thì đồng chí Phó trưởng ban tuyên huấn đã kết luận: “Tôi muốn để các đồng chí nói hết ý kiến của các Cục, Vụ, nhưng không cần thiết các đồng chí TTXVN trả lời. Ban Bí thư đã giao cho tôi trách nhiệm truyền đạt ý kiến của Ban Bí thư”:

a/ Đa dạng hóa thông tin, mở rộng lượng thông tin đáp ứng nhu cầu của cán bộ và nhân dân mà TTX thực hiện mấy năm qua đã được cấp cao nhất của Đảng chấp thuận (nguyên văn là “bật đèn xanh”) bởi vậy không có vấn đề ý thức tổ chức kỷ luật ở đây.

b/ Cả 3 tờ báo đều được cán bộ và nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng. Giá bán không được bao cấp mà lượng phát hành ngày càng lớn. Định hướng thông tin chính trị và văn hóa của 3 tờ báo là đúng đắn. Vì những quy chế và nếp suy nghĩ cũ nên một số cán bộ không đồng tình cũng là điều dễ hiểu. TTXVN có thể rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

c/ Trong tuần tới, cơ quan nhà nước cần cấp giấy phép chính thức cho 3 tờ báo theo tinh thần chỉ đạo trên đây của Ban Bí thư.

Ví dụ thứ hai là Mexico 1986, lãnh đạo TTXVN quyết định không ra tờ Tin nhanh Mexico để tránh những dư luận phiền phức. Hai ngày trước khai mạc Mexico, cũng đồng chí Phó trưởng ban Tuyên huấn xuống làm việc về 3 tờ báo năm 1984 lại trực tiếp gặp lãnh đạo TTX. Lúc này ông đã là Ủy viên Bộ Chính trị, có trọng trách lớn. Ông hỏi: “Tại sao các anh chủ trương không làm Tin nhanh Mexico?”. Lãnh đạo TTXVN: “Thưa anh, muốn làm tin nhanh lại phải xin phép, nhiều thủ tục lắm”. Nhà lãnh đạo nhắc cán bộ cùng đi: “Ngày mai đưa giấy phép cho họ”. Và ông tỏ ra không vui nói với lãnh đạo TTXVN: “Các anh phải bảo đảm làm tốt Tin nhanh Mexico. Đó là nhu cầu của quần chúng và cũng là quyết định của Đảng”.

3. Không chỉ vì nhu cầu thông tin của quần chúng và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, điều cũng rất quan trọng là thời đó kỹ thuật thông tin chưa bùng nổ. TTXVN lại khá mạnh về vô tuyến điện báo tự động và vô tuyến thu phát ảnh. Bởi vậy, dẫu không ai quy định về độc quyền thông tin nhưng ở nước ta TTXVN mới có nguồn tin, ảnh quốc tế và cho đến Mexico ‘86 càng không cơ quan truyền thông nào có nguồn tin, ảnh kịp thời bằng TTXVN. Kể cả Italia ‘90 cũng vậy.

Nhớ lại chuyện xưa càng lo cho anh chị em làm TT&VH hôm nay. Thời đại thông tin bùng nổ mà lại phải thông tin chính xác, đúng định hướng. Mỗi bước tiến của thế hệ hôm nay khó gấp trăm lần thời chúng tôi, chỉ có riêng mình độc quyền làm mưa, làm gió. Thật lòng đánh giá cao và biết ơn các bạn.

4. Một thế mạnh không thể coi nhẹ chính là toàn ngành TTX là một tập thể chiến đấu, đoàn kết nhất trí vì sự nghiệp chung. Không có đội quân đó thì sao có thể chỉ hai ngày trước Mexico ‘86, Tin nhanh Mexico phát hành đúng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; mà cũng chỉ có hai ngày, Nguyễn Duy Cương (sau này là Phó tổng giám đốc) có thể từ Lahabana có mặt tại Mexico chuyển về Hà Nội những dòng tin nóng bỏng ngay ngày khai mạc.

***

Ấy đấy, ngẫu hứng chuyện “ngày xửa, ngày xưa” thế tất dẫn tới “dây cà ra dây muốn”. Đành phải ngừng lại bằng lời cầu chúc chân thành cho tuổi 30 “nhi lập” của TT&VH, trong muôn vàn khó khăn của thời cạnh tranh thông tin, vẫn tiếp tục vươn lên, vượt xa thế hệ đầu tiên của tờ báo.

Đỗ Phượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm