Nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn: Hơn 20 năm ngắm Sài Gòn từ không trung

14/12/2016 06:25 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn từng có điều kiện tháp tùng những chuyến bay quân đội bay đi Côn Đảo và nhiều lần bay trên bầu trời TP.HCM, anh đã có nhiều tác phẩm ảnh chụp từ không trung. Hiện nay, anh đang hoàn thành cuốn sách Không ảnh Sài Gòn và chuẩn bị triển lãm bộ ảnh chụp Sài Gòn từ không trung tại Đường sách TP.HCM.

Nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về bộ ảnh này.

* Anh chụp Sài Gòn trong bao nhiêu lâu và theo anh Sài Gòn ngày nay đã thay đổi như thế nào?

- Khoảng tháng 4/1994, tôi có tháp tùng một chiến đấu cơ bay ngang không phận Sài Gòn. Lúc đó, tôi quan sát và có cảm nhận xác thực. Sài Gòn gần 300 năm hình thành và phát triển và tôi có ngay suy nghĩ tại sao mình không ghi lại hình ảnh Sài Gòn từ không trung?

Khi đó, vùng ven đô Sài Gòn còn trống trải, dân cư thưa thớt, đất đai phì nhiều, lộ giới ít chằng chịt hơn bây giờ rất nhiều. Vùng ven Nhà Bè toàn cỏ dại, cây bần, cây mắm, cây dừa nước và một thảm thực vật hoang sơ. Khi trực thăng hạ thấp độ cao, có thể nhìn thấy rõ trên các bãi sình ven sông những con cá thòi lòi và những con còng đang bò ngổn ngang.


Nhà báo - nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn thường chụp hình Sài Gòn từ máy bay trực thăng

* Thay đổi cụ thể ra sao, thưa anh?

- Sài Gòn và vùng phụ cận có tốc độ phát triển rất nhanh, đó là chuyến bay vào năm 1996, theo quan sát của tôi từ trực thăng. Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức phát triển với tốc độ chóng mặt.

Những khoảng trống của vài năm về trước mà tôi nhìn thấy đã được lấp đầy bởi các khu dân cư, khu công nghiệp… đông đúc, sôi động. Nhìn từ không trung qua các chuyến bay, ngoại ô Sài Gòn từng bước được xây dựng với các tòa nhà cao tầng, mở mang lộ giới, những vùng đất mà cách đó vài năm còn hoang sơ…

* Như vậy, Sài Gòn đã mở đầu cho loạt ảnh chụp từ không trung của anh?

- Không ảnh Sài Gòn nằm trong bộ tác phẩm Việt Nam nhìn từ không trung tôi thực hiện hơn 20 năm nay. Việt Nam nhìn từ không trung tôi chia làm nhiều phần, trong đó có Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam, Không ảnh Sài Gòn… Tôi đang trong thời gian hoàn thành cuốn sách Không ảnh Sài Gòn, dự kiến sẽ triển lãm bộ ảnh tại Đường sách TP.HCM. Trước đó, bộ ảnh này đã được triển lãm nhân dịp 40 năm thống nhất đất nước. Lần triển lãm tới, bộ ảnh sẽ được bổ sung nhiều tác phẩm mới.

Thực ra vào năm 1995, ý tưởng chụp bộ ảnh Việt Nam từ không trung bắt đầu từ chuyến bay ra Côn Đảo, khi đó còn là đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chụp tác phẩm từ không trung về Côn Đảo.


Nhà tù Chí Hòa trước 1975 xây hình bát quái, nay thuộc Q.10, TP.HCM. (Ảnh: Giản Thanh Sơn)

Năm 1994, khi bay ngang Sài Gòn chỉ mới gợi lên ý tưởng chứ chưa bắt tay thực hiện. Năm 1995, khi bay trở lại không phận Sài Gòn, tôi mới chính thức chụp ảnh, bắt đầu từ vùng Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè…

Khoảng 3 năm sau, tôi được tháp tùng những chuyến bay huấn luyện đặc biệt vào trung tâm Sài Gòn, từ đó mới có điều kiện ghi lại cảnh phố xá nhộn nhịp của các đại lộ chính, như: Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… Khi đó, các tuyến phố này nhìn từ không trung còn thấy trống trải bởi những đại lộ thẳng tấp, bây giờ thì bị nhà cao tầng choáng hết tầm nhìn.

* Năm 2015, anh triển lãm Sài Gòn nhìn từ không trung kết hợp với Quỹ “Hiểu về trái tim” bán tác phẩm để gây quỹ giúp cho trẻ em nghèo bị bệnh tim. Lần triển lãm sắp tới, anh cũng sẽ làm việc thiện tâm như thế?

- Năm 2015 tôi triển lãm 40 bức ảnh, gần như tất cả tác phẩm được các doanh nhân, nghệ sĩ mua hết, giá thấp nhất khoảng 30 triệu/tác phẩm. Tất cả số tiền này đều sung vào Quỹ “Hiểu về trái tim” để giúp cho các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim bẩm sinh. Lần triển lãm tới đây, tôi sẽ chọn ra 1-2 tác phẩm có dấu ấn để bán đấu giá, trích ra một phần dành tặng học sinh nghèo ở vùng quê.

* Những tác phẩm sẽ được đấu giá sắp tới, anh chọn những tác phẩm như thế nào?

- Đó sẽ là những tác phẩm chụp về những công trình mang dấu ấn lịch sử của Sài Gòn. Tùy điều kiện trong triển lãm, những tác phẩm này có thể sẽ là những công trình quen thuộc như: Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa, Dinh Thống Nhất, Đường hầm Thủ Thiêm, Cảng Sài Gòn… được chụp với một góc nhìn khác biệt.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn sinh năm 1957 tại Cần Giuộc, Long An. Ông từng làm báo Long An, Người lao động, Công an TP.HCM, vừa viết và chụp hình mảng ngoại giao. Thời gian làm báo, Giản Thanh Sơn từng tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong các chuyến công du đối ngoại.

Ông đã có các triển lãm và in sách về Chân dung chính khách, Việt Nam nhìn từ không trung…

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm