06/04/2022 18:49 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bộ phim Bóng đè (biên kịch: Lê Văn Kiệt - Hạnh Ngộ, đạo diễn: Lê Văn Kiệt) đang chiếu, dù nhận nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đã thu về gần 35 tỷ đồng.
Phim này cũng từng gây nhiều sự chú ý, tranh luận trong giới nghệ sĩ và công chúng. Người ta nhắc nhiều đến các vai chính, đạo diễn nhưng dường như tạm bỏ quên… biên kịch Hạnh Ngộ. Không chỉ vậy, có ý kiến còn cho rằng cái kết của kịch bản phim chưa thật thỏa mãn.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có buổi trò chuyện với biên kịch Hạnh Ngộ (tức nhà thơ Ngô Thị Hạnh) về hành trình chấp bút viết kịch bản đầy gian nan này và lý do vì sao ê-kíp quyết định chọn một cái kết an toàn cho phim.
* Xin được hỏi ngay, phim “Bóng đè” đã có doanh thu khả quan, nhưng có ý kiến cho rằng kịch bản bị đuối ở phần kết, chị nghĩ gì về nhận xét này?
- Để nói về điều này, tôi xin được kể chi tiết một chút. Sau thành công đặc biệt với Hai Phượng, Lê Văn Kiệt muốn thực hiện một phim kinh dị. Thực ra anh đã từng làm hai phim kinh dị ở Việt Nam, nhưng vì nhiều nguyên nhân, anh đều chưa thật sự hài lòng. Anh muốn tiếp tục để thử sức mình. Anh đã tìm kiếm nhiều biên kịch ở Việt Nam để cùng đồng hành nhưng chưa chọn được ai. Dù Bóng đè là ý tưởng của anh, nhưng vì sống ở Mỹ, nên anh muốn có một biên kịch “thuần Việt”.
Sau khi được một người bạn trong nghề giới thiệu, tìm hiểu một vài phim tôi đã biên kịch trước đó như Bán chồng, Sống gượng, nhất là phim Ám ảnh, cùng thể loại phim anh đang làm, anh đã chọn tôi cùng đồng hành.
Anh muốn một kịch bản kinh dị khiến người xem sợ hãi nhưng phải thể hiện được nét văn hóa đặc trưng trong gia đình Việt, lắng đọng tình thương yêu. Tôi làm việc trực tiếp với Lê Văn Kiệt một thời gian rồi anh bay về Mỹ, kể từ đó, chúng tôi trao đổi qua thư từ… Khi nào anh ấy cần trao đổi là gọi cho tôi, bất kể giờ giấc. Khi kịch bản gần hoàn thiện, anh trở lại Việt Nam, cùng nhau thảo luận và tiếp tục chỉnh sửa.
Với tôi, đây là một kịch bản đầy thách thức. Tôi đã từng viết kịch bản kinh dị Ám ảnh nên tôi biết được rằng làm phim kinh dị ở Việt Nam là điều rất khó khăn. Bạn phải làm sao để phim được thông qua, vừa thỏa mãn được mong muốn của khán giả.
Với Bóng đè, tôi và đạo diễn Lê Văn Kiệt đã viết đi viết lại 4 lần, bản bây giờ các bạn xem trên màn ảnh rộng là phiên bản thứ 5. Chừng đó công đoạn lấy mất của chúng tôi gần một năm tròn. Chúng tôi đã từng có rất nhiều cái kết khác nhau, dù cái kết mọi người thấy trên phim bản thân tôi cũng không hài lòng cho lắm. Nhưng chúng tôi chọn giải pháp an toàn, vì nếu cái kết u ám quá, hoặc tươi sáng quá, đều đặt bộ phim vào tình thế khó xử. Đến giờ có vẻ như chưa có bộ phim kinh dị Việt Nam nào làm hài lòng khán giả ở mức độ cao, bởi vì, người làm phim chúng tôi có những khó khăn không thể giãi bày.
* Chị là một nhà thơ đã có nhiều bài được bạn đọc yêu thích, theo chị có phải một nhà văn hoặc nhà thơ giỏi thì sẽ dễ trở thành một nhà biên kịch giỏi không?
- Tôi không nghĩ nhà văn giỏi sẽ đương nhiên trở thành một biên kịch hay, vì khi viết văn, chúng tôi viết bằng con chữ, còn khi viết kịch bản, chúng tôi viết bằng hình ảnh (ngôn ngữ hình ảnh phải đậm đặc để đạo diễn có thể quay thành phim).
Trong giới văn chương, tôi yêu kính nhà văn Trang Thế Hy, nên đọc ông rất nhiều. Trong tác phẩm của ông, nhân vật là dù anh lao động, ông chủ, hoặc cô làm thuê, khi họ trò chuyện, tôi thấy đó là lời tâm sự của nhà văn, mang dấu ấn của nhà văn chứ không mang nét đặc trưng nghề nghiệp của nhân vật. Văn chương cho phép điều đó, nên tôi yêu thích những trang thoại đó.
Phim ảnh thì khác hoàn toàn, nếu một vai diễn là ông xe ôm mà nói ngôn ngữ của một nhà giáo dục, khán giả sẽ thấy gượng, giả và không thực tế. Một nhà biên kịch phải đặt vào miệng nhân vật của mình đúng ngôn ngữ của họ, quan trọng là phải đúng những gì đang diễn ra trong thời điểm họ sống. Để thuần thục điều đó, chúng tôi phải luyện tập liên tục và học hỏi rất nhiều.
* Vậy thì lý do nào khiến chị dấn thân vào con đường biên kịch mà như chị nói là rất gian nan?
- Tôi là người thích giao thiệp rộng, thích đông vui, thích học hỏi và thích làm mới mình. Một lần, nhận được lời khuyên của một người anh, khuyên tôi hãy thử học nghề biên kịch. Tôi tìm hiểu nghề này qua nhiều người, rồi may mắn được nhà thơ Vũ Trọng Quang giới thiệu gặp gỡ đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Không ngờ, anh Vinh Sơn đã rất hoan hỉ khuyến khích tôi thử sức. Tôi đã thực hành tự viết kịch bản và liền sau đó tham gia lớp học biên kịch do thầy Sâm Thương phụ trách.
Sau đó, tôi bắt tay vào nghề và cũng có lúc bị sốc. Cũng có lúc tác phẩm của tôi đã bị góp ý một cách nặng nề, đến mức bị tổn thương. Nếu bạn là nhà văn thì không ai đối xử với bạn như thế, nhưng đã là biên kịch, việc bị nhận xét và mổ xẻ đến mức như “bóp nghẹt” là có thật. Cũng có thể lúc đó tôi viết chưa tốt, tôi cố gắng tìm ra lỗi của mình hơn là cảm thấy tức giận, nên dần dà, tôi đã vượt qua được cảm giác khi bị chê, bị bắt sửa chữa lại rất nhiều lần.
Tôi nhận ra rằng, muốn làm nghề chuyên nghiệp, thì biên kịch là phải biết thu nhỏ cái tôi của mình lại, biết vượt qua nút thắt cổ chai, sau đó nụ hoa sẽ bung cánh. Nếu không làm được điều này, chắc chắn sẽ bỏ nghề.
Là một nhà thơ, tôi có thể bay bổng trong thế giới của mình, tôi cũng phải đọc sách để xác tín điều mình viết là đúng, nhưng tôi là người quyết định hình hài đứa con tinh thần của mình. Nhưng là một biên kịch, tôi phải mở lòng mình ra để học hỏi nhiều thứ, vì có quá nhiều số phận nhân vật, quá nhiều tình huống xảy ra trong câu chuyện, cần nghiên cứu, học tập. Tôi phải tìm hiểu thật kỹ từ tài liệu và tham khảo ý kiến của các chuyên gia để bớt chủ quan và phù hợp với thực tế. Khi phim phát hành, nhận được phản hồi từ khán giả, tôi lại học hỏi thêm được những điều hay, mới, để phát triển công việc tiếp theo của mình. Từ phim Ám ảnh (2015) đến Bóng đè, với tôi, là cả một hành trình dài.
* Cảm ơn chị!
“Muốn đi xa, đừng đi một mình” Hạnh Ngộ (bút danh trước đây Ngô Thị Hạnh) đã xuất bản 4 tập truyện ngắn và 5 tập thơ, mới nhất là tập thơ Lặng soi. Với tư cách biên kịch phim điện ảnh, chị đã viết Ám ảnh (2015), Găng tay đỏ (2016), Bóng đè (viết chung với đạo diễn Lê Văn Kiệt, 2022)… Đồng sáng lập nhóm biên kịch Nắng Sài Gòn từ năm 2008. Tổ chức và tham gia viết nhóm được gần 20 bộ phim truyện truyền hình nhiều tập, trong đó có những phim được yêu thích như Tóc rối, Gia đình số đỏ, Độc thân tuổi 30, Thề không gục ngã, Nhà trọ bốn cô chiêu, Bán chồng, Sống gượng… Nhóm biên kịch này sắp có phim nhiều tập Nơi ngọn gió dừng chân phát trên THVL1, chuẩn bị hoàn thiện kịch bản Xóm ve chai cho VFC bấm máy. Hiện nay, loạt phim hoạt hình Kho tàng cổ tích 3D do nhóm viết kịch bản vẫn được phát sóng đều đặn trên THVL1, đã được gần 200 tập, mỗi tập 7 phút… |
Nguyễn Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất