13/06/2013 06:36 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Hôm nay (13/6), nhà khảo cổ Nhật Bản Nishimura Masannari sẽ được an táng tại xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) - nơi mà người dân luôn nhớ tới ông qua việc góp công xây dựng một bảo tàng gốm sứ.
TS Masanari |
“Người nhà nói rằng Masanari yêu VN, làm việc tại VN và chết ở VN. Do vậy, cậu ấy hẳn sẽ hài lòng và được an ủi nếu biết điều này” - TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học trao đổi cùng TT&VH. Được biết, trong ngày 11/6, Viện Khảo cổ học đã làm các thủ tục cần thiết để trình Viện khoa học Xã hội VN ra quyết định trao tặng Kỷ niệm chương cho Masanari vì những đóng góp đặc biệt của ông đối với VN.
Trước đó, vào sáng 9/6, giới khảo cổ VN bàng hoàng khi nghe tin Masanari qua đời vì tai nạn giao thông tại Gia Lâm (Hà Nội). Tới VN lần đầu năm 1990, nhà khoa học Nhật Bản này đã có gần 24 năm gắn bó với Việt Nam, trên tư cách một chuyên gia thuộc chương trình phối hợp nghiên cứu khảo cổ giữa hai nước. Ông nói thạo tiếng Việt, am hiểu về văn hóa, lịch sử VN và được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phân tích địa tầng trong khảo cổ học.
Theo thống kê, Masanari đã có những đóng góp chuyên môn rất quan trọng tại các “điểm nóng” khai quật khảo cổ học vài chục năm qua, bao gồm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Chu Đậu (Hải Dương), Hội An, Trà Kiệu (Quảng Nam), thành nhà Mạc (Tuyên Quang) hay gần nhất là khu di tích Tràng An (Ninh Bình) trong năm 2012 khi làm hồ sơ xin UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới.
Đặc biệt, năm 1998, trong một chuyến điền dã tại di chỉ Luy Lâu (Bắc Ninh), Masarani sưu tầm được mảnh khuôn đúc trống đồng, có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên. Đây là mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất tới nay được tìm thấy tại VN và có vai trò cực kỳ quan trọng để khẳng định hệ thống trống đồng cổ hiện có tại VN được chính người Việt cổ đúc nên - chứ không phải như một số lý thuyết cho rằng đó chỉ là sản phẩm du nhập từ những nền văn hóa khác.
Riêng tại Kim Lan, bảo tàng trưng bày gốm sứ nơi được Masarani đứng ra kêu gọi tài trợ và thành lập vào 3/2012. Đây là vùng đất có di chỉ Hàm Rồng từng được khai quật khảo cổ nhiều lần và cung cấp những dấu tích quan trọng về sự cư trú của cư dân Việt cổ. Cùng với một số hiện vật từ những lần khai quật này, bảo tàng gốm sứ Kim Lan còn trưng bày khá nhiều mảnh gốm sứ cổ do nhân dân trong vùng hiến tặng từ những bộ sưu tập cá nhân, hoặc nhặt được sau những lần sông làm xói lở lớp đất phủ.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất