22/11/2015 08:52 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo đã qua đời tại Pháp (20/11), một tổn thất lớn đối với nền khí nhạc bác học Việt Nam. Cuộc đời của ông là hành trình “tiên phong” tiêu biểu của người nghệ sĩ sáng tạo. Ông đã đạt những thành quả được cả thế giới ghi nhận…
Thành công với việc kết hợp Đông - Tây
Có thể nói hơn 50 năm sống với âm nhạc và sáng tác, Nguyễn Thiện Đạo không “hoạt động nghề nghiệp” âm nhạc mà là một nghệ sĩ sáng tạo luôn đi đầu khám phá những điều mới mẻ. Có lẽ đó là điểm đặc biệt nhất khi nói đến ông.
Ông bước vào con đường âm nhạc tại một môi trường được xem là rất cởi mở vào giữa thế kỷ 20 - kinh đô ánh sáng Paris. Thời điểm mà Paris được xem là “thủ đô văn hóa” của thế giới và nơi đây đang có trào lưu cách tân mạnh mẽ trong âm nhạc được gọi là Chủ nghĩa tiên phong (Avantgardisme) với những trường phái âm nhạc như: musique seriel (nhạc chuỗi), musique concrete (nhạc cụ thể), musique electronique (nhạc điện tử), musique minimal (nhạc tối giản)…
Hấp thụ tư tưởng và kỹ thuật của các trường phái âm nhạc đó, Nguyễn Thiện Đạo đã chắt lọc và chọn cho mình một hướng đi riêng biệt.
Tuy nhiên, cũng như nhiều tài năng nghệ thuật khác, âm nhạc của Nguyễn Thiện Đạo không thể tách rời hồn cốt văn hóa, truyền thống của dân tộc. Phương châm sáng tác của ông như một triết lý: “Dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”. Ông đã dùng phong cách, kỹ thuật được xem là tiên tiến nhất của âm nhạc Tây Âu để nói lên tiếng nói của âm nhạc Việt Nam. Ông được xem là nhà soạn nhạc rất thành công khi kết hợp 2 yếu tố âm nhạc Đông - Tây.
Rất nhiều tác phẩm của ông với phương pháp, kỹ thuật sáng tác của Chủ nghĩa tiên phong, nhưng đề cập đến những chủ đề của Việt Nam với những tác phẩm như: Phù Đổng, Trương Chi, Thành đồng tổ quốc, Hồn thiêng sông núi…
Đặc biệt, đa số tác phẩm của ông là sự kết hợp nhạc cụ hoặc dàn nhạc dân tộc Việt Nam với dàn nhạc giao hưởng. Trong đó ông đã khai thác những âm sắc mới, những thủ pháp biểu hiện mới của nhạc cụ dân tộc, nâng nhạc cụ dân tộc lên một tầm cao mới, giúp nó có thể sánh vai biểu diễn cùng các nhạc cụ phương Tây - ít lắm là trong các tác phẩm của ông.
Tiêu biểu nhất có thể kể đến chùm 6 tác phẩm “khói” ông viết cho nhạc cụ dân tộc và dàn nhạc giao hưởng: Khói Trương Chi (đàn bầu); Khói sóng (đàn tranh); Khói nguyệt (đàn nguyệt); Khói hát (đàn nhị); Khói khói (sáo và tiêu); Khói (đàn tì bà).
Có thể nói Nguyễn Thiện Đạo là nhà soạn nhạc đương đại tiêu biểu và đạt nhiều thành tựu của giới nhạc sĩ sáng tác khí nhạc bác học của Việt Nam được thế giới ghi nhận.
Nghịch lý của “nhạc sĩ bị giời đày”
Thành danh ở nước ngoài, ông được ghi danh vào từ điển Le Petit Larousse (1982), Le Petit Robert (1995) và được vinh danh là “Nhạc sĩ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Đông - Tây vô cùng độc đáo”.
Năm 1977, ông về Hà Nội biểu diễn tác phẩm Phù Đổng đã vang danh trước đó ở nước ngoài. Có thể nói đây là buổi biểu diễn đầu tiên của ông, đánh dấu cho hành trình trở về Việt Nam. Những năm tiếp theo, ông đi đi - về về để sáng tác và biểu diễn những tác phẩm của mình. Hợp tác với các đơn vị như Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam…
Có thể kể một số tác phẩm đã biểu diễn như: Hòa tấu 95 (biểu diễn năm 1995), Khai nhạc (1997), Sóng hồn (2000), Sóng Trương Chi (2004), Hồn thiêng sông núi (2005)… Đặc biệt, trong 3 sự kiện lớn diễn ra trong thời gian qua, ông đều có tác phẩm biểu diễn: Tác phẩm Rồng bay khai mạc (biểu diễn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2000); Khai giác (Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc VESAK, năm 2008) và Hồn thiêng sông núi (chào mừng 40 năm đất nước thống nhất, năm 2015).
Sự trở về của Nguyễn Thiện Đạo thể hiện sự gắn bó với quê hương xứ sở của một tài năng âm nhạc, nơi đã từng là nguồn mạch giúp ông có những xúc cảm âm nhạc để sáng tác những tác phẩm trong suốt cuộc đời của mình và dù ở nơi đâu, lúc nào âm nhạc của ông vẫn là tiếng nói của âm nhạc Việt Nam.
Âm nhạc của Nguyễn Thiện Đạo cũng đã góp một luồng gió mới vào lĩnh vực sáng tác khí nhạc ở Việt Nam. Bên cạnh sáng tác và biểu diễn, ông còn có nhiều buổi nói chuyện chuyên đề tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, tổ chức những khóa học giới thiệu phương pháp sáng tác đương đại của thế giới, xem tác phẩm và góp ý cho các học viên… Ông còn dành một khoản ngân phí để trao học bổng cho một số học sinh, sinh viên sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia trong nhiều năm nay…
Tuy ông có khá nhiều gắn bó với Việt Nam, đã mua một căn nhà tại Hà Nội, nhưng rất tiếc, giây phút lìa đời ông lại ở rất xa những người yêu âm nhạc Việt Nam.
Điều đáng nói hơn, có lẽ tác phẩm cuối cuộc đời của một nhà soạn nhạc tài danh lại là một “tác phẩm văn học”, trong đó không có nốt nhạc nào.
Đó là “truyện” Sống lửa, một cuốn sách về đề tài người Chăm - nguồn gốc của chính ông - với lối viết phóng túng, phong cách rất “âm nhạc đương đại” và được đánh giá là “mang tính điện ảnh cao qua nhiều màu sắc, thể loại như: tình cảm, triết lý, huyền bí, kinh dị, hành động, viễn tưởng…”. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 4/2015, nó đã theo chân ông về Pháp như một bút tích cuối cùng của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo.
Như một nghịch lý của “nhạc sĩ bị giời đày”, khi âm nhạc của ông kết thúc thì ngôn từ lại lên tiếng…
Tên ông là Thiên Đạo hay Thiện Đạo? Các nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Quang Long, Giáng Son và Mai Tuyết Hoa đều từng được cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo giải thích về tên thật. Khi sang Pháp chữ Thiên và chữ Thiện thực ra đều không viết có dấu, mà họ của ông là họ "Nguyễn Thiện" cho nên cuối cùng ông chấp nhận lấy tên là Nguyễn Thiện Đạo. Thể thao & Văn hóa thống nhất dùng tên Nguyễn Thiện Đạo mà mọi người vẫn gọi ông, như trong các bài báo trước đây từng viết về ông. An Như |
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất