20/05/2019 08:53 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh một số nội dung tại dự thảo Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó đáng chú ý là việc thay đổi đề xuất về giờ làm việc trong cả nước (so với công bố trước đó). Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp khai mạc ngày 20/5. Tuy nhiên, có thể thấy là đề xuất “nghỉ trưa 60 phút” vẫn được nêu trong phương án 1 (đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn).
Thời gian nghỉ trưa 60 phút là vừa đủ hay quá ngắn? Rất nhiều ý kiến tranh luận, nhiều người cho rằng, rút ngắn thời gian nghỉ trưa là để tăng năng suất lao động và phần lớn cán bộ nhà nước ở các quốc gia Đông Nam Á đều làm việc 8 giờ/ngày, 40-44 giờ/tuần với quãng nghỉ trưa 60 phút. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thói quen nghỉ trưa dài (khoảng 90 - 120 phút) đã trở thành tập quán rồi, để thay đổi tập quán, đó là điều rất khó khăn.
Nhân cuộc tranh luận này, tôi bỗng nhớ đến một bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc trên báo Thể thao & Văn hóa hơn chục năm trước. Trong bài báo ông phân tích rằng nếp sống công chức với thời gian nghỉ trưa khá dài, tầm 1,5 - 2 tiếng là từ thời Pháp thuộc. Thời đó, những ông Tây sang đây làm việc trong các công sở, không chịu được cái nóng nực buổi trưa của xứ sở nhiệt đới này, nên họ mặc quần soóc đi làm và xây dựng lề lối làm việc có thời gian nghỉ trưa đủ dài để “anh xe” đến đón về nhà cơm nước với vợ con.
Đến thời ta, tư duy làm việc ca sáng, chiều, nghỉ trưa 1,5 - 2 tiếng vẫn tiếp tục duy trì. Thời bao cấp khó khăn, hàng quán ít thì nhân viên công sở tranh thủ về nhà nấu cơm, ăn cơm với cả gia đình. Đến thời mở cửa, quán xá cơm bụi nhiều thì công chức, viên chức đa phần sáng đi làm, tối mới về, nhưng bữa trưa “không gia đình” vẫn là bữa chính. Họ dành rất nhiều thời gian cho bữa trưa nơi quán xá, rồi sau đó về công sở vạ vật ngủ nghỉ hoặc tranh thủ làm những việc này khác, tỉ như cái thói đã thành câu tếu táo của dân gian “trưa dắt phở đi ăn cơm, tối dắt cơm đi ăn phở”.
Nói về thói quen ăn uống “thật lực” buổi trưa, chắc mọi người còn nhớ phát biểu chấn động của ông Miura, cựu HLV người Nhật của Đội tuyển bóng đá Việt Nam cách đây mấy năm trên tờ J-Sport của Nhật Bản. Trong bài báo, ông Miura thực thà chia sẻ trải nghiệm của mình: “Bữa trưa ở Việt Nam cũng có cảm giác thư thả hơn so với cách người Nhật ăn cơm hộp, mua từ cửa hàng đồ ăn nhanh, rồi ăn trong khoảng 15-20 phút. Trong bữa trưa, tất cả mọi người đều uống bia. Uống bia thực sự đấy. Sau bữa trưa là thời gian ngủ trưa. Mọi người sẽ ngủ trưa khoảng một tiếng. Đây là thói quen từ bé. Về thói quen này, ở công ty cũng như thế…” Và ông Miura dẫn chứng ở “công ty” ông tại Việt Nam: “bắt đầu làm việc lúc 8h30, nhưng từ 8h30 đến 9h mọi người mới đến chỗ làm; từ 12-14h là thời gian nghỉ trưa và 16h30 kết thúc công việc”.
Với đề xuất nghỉ trưa chỉ 60 phút, thay vì 90 - 120 phút so với thời gian nghỉ trưa trung bình hiện nay, nếu trở thành hiện thực, chắc chắn sẽ tác động mạnh tới thói quen làm việc, thậm chí đến nếp sống của công chức, viên chức, người lao động ở những nơi được quy định và qua đó tác động phần nào đến nhịp sống của xã hội.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc rút ngắn thời gian nghỉ trưa có dẫn tới một văn hóa làm việc mang phong cách rất Tây, nơi mà thời gian nghỉ trưa của họ thường khá ngắn với bữa ăn nhanh? Có dẫn tới một tư duy làm việc “thông tầm” hay không? Từ “thông tầm”, nguyên nghĩa chỉ thời gian làm việc liền mạch thành một buổi, chứ không chia làm hai buổi. Tất nhiên, ở đây chúng ta dùng từ “thông tầm” với nghĩa: giảm thời gian giãn cách công việc giữa buổi sáng và buổi chiều để một ngày làm việc có tính liên tục cao hơn, đồng thời vẫn có nghỉ trưa, nhưng ngắn, khoảng 60 phút.
Sau hơn 10 năm, nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc tiếp tục trở lại với chủ đề này trong cuộc phỏng vấn của Thể thao & Văn hóa.
*Thưa ông, nề nếp công sở lâu nay đã khá quen thuộc với thời gian nghỉ trưa kéo dài. Nay mai, nếu rút xuống còn 60 phút thì cũng đã có nhiều ý kiến lo ngại. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Thực ra con người có một vấn đề hết sức quan trọng là thói quen. Do thói quen mà người ta tưởng rằng có những việc đương nhiên phải như thế và ít muốn thay đổi. Thế nên, việc xây dựng một chế độ làm việc hợp lý trước hết phải hết sức khoa học. Tức là phải rất sát với thực tế ở từng vùng miền địa lý (có liên quan tới vấn đề thời tiết) rồi từng ngành, nghề (mỗi nghề có đặc thù riêng).
Nói đến công sở thì chủ yếu là nói đến nhóm đối tượng làm hành chính công nhà nước thì quan trọng nhất trong việc xây dựng giờ giấc làm việc là phải lấy mục tiêu phục vụ người dân làm chuẩn, làm sao cho người dân được thuận lợi nhất. Bản thân mỗi công chức, viên chức hành chính cũng là công dân, ở chỗ này, họ phục vụ người dân thì ở chỗ khác, họ lại là công dân và được phục vụ (bởi các công chức, viên chức khác).
Nhìn vào đặc thù mỗi vùng miền, và mỗi mùa khác nhau, tôi cho rằng với thời gian lao động 8 giờ/ngày hiện nay, mọi người hoàn toàn có thể làm mang tính chất “thông tầm” được, chỉ nghỉ trưa khoảng 1 tiếng thôi, trừ một số hoàn cảnh đặc biệt. Làm “thông tầm” sẽ tạo ra nhiều thời gian hơn cho công chức, viên chức giải quyết những nhu cầu khác nằm ngoài công việc hành chính. Việc sắp xếp thời gian của mỗi công chức, viên chức cũng sẽ chủ động hơn.
Rút ngắn thời gian nghỉ trưa ở các cơ quan mang tính chất dịch vụ công sẽ mang lại lợi ích cho những người dân được hưởng dịch vụ. Đến giờ công chức nghỉ trưa, ta có thể chờ 1 tiếng để họ trở lại làm việc, chứ chờ 1,5 - 2 tiếng thì lâu quá. Tôi từng ở trong trường hợp chờ đợi mất thời gian như thế, mà có khi đến giờ, các vị ấy vẫn chưa quay lại hoặc quay lại nhưng còn… ngái ngủ.
* Có người cho rằng, nhiều người Phương Tây còn không có thói quen nghỉ trưa, hoặc chỉ nghỉ giải lao buổi trưa rất ngắn, tầm 30 phút để ăn nhanh, rồi trở lại công việc. Ông có nghĩ rằng vẫn có thể rút thời gian nghỉ trưa xuống dưới 60 phút?
- Tôi cho rằng nghỉ trưa 60 phút là vừa. Rút ngắn nữa thì còn phụ thuộc vào việc thay đổi thói quen (phải dần dần) hơn nữa phải căn cứ vào thể trạng con người Việt Nam, rồi điều kiện khí hậu ở ta khắc nghiệt, chứ không được thuận lợi như ở nhiều nước. Tóm lại, phải có những tính toán hợp lý.
*Như ông từng nói, thói quen nghỉ trưa khoảng 1,5 - 2 giờ mới có từ thời Pháp thuộc?
- Theo tôi từ thời Pháp thuộc khi xuất hiện tầng lớp công chức, viên chức thuộc địa thì mới có quy định ra giờ giấc làm việc và nghỉ trưa như thế. Còn tập quán xưa người nông dân Việt Nam thì dường như không hề có giấc ngủ trưa, họ chỉ nghỉ ngơi buổi trưa để tránh thời tiết khắc nghiệt.
* Người Pháp thời đó ở chính quốc có “nghỉ trưa” dài như thế không?
- Tôi nghĩ là không. Ở Việt Nam, họ phải thích ứng với khí hậu nhiệt đới. Thêm nữa, dẫu sao thời đó, khi sang đây, họ cũng nghĩ họ là… quan cai trị, chứ không phải là công chức phục vụ nhân dân, nên họ chẳng việc gì phải làm việc “thông tầm”. Sự thật là có rất nhiều thói quen sinh hoạt của người Pháp chỉ sinh ra ở thuộc địa. Thói uống cà phê phin chẳng hạn. Uống cà phê phin thì phải có thời gian, không bị câu thúc bởi công việc. Ở thuộc địa họ mới có thể rảnh rang ngồi nhâm nhi cà phê như thế, chứ ở chính quốc thì chưa chắc.
* Tuy nhiên, nếu đề xuất nghỉ trưa 60 phút thành hiện thực, thì nhiều người sẽ rất nuối tiếc cho… những “giấc mơ trưa” khá thoải ở các công sở hiện nay…
- Việc làm thông tầm, chỉ nghỉ 1 tiếng, ban đầu có thể gây khó chịu với những ai quen ngủ trưa dài, nhưng rồi sẽ quen thôi. Mọi người phải tự tạo thói quen thư giãn kiểu công sở trong những phút nghỉ trưa quý báu, chẳng hạn: thiền 5-10 phút, ngủ sâu 10-20 phút... Đó thuộc về kỹ năng sống của con người, phải biết sắp xếp thời gian để ngủ, nghỉ như thế nào cho khoa học, hợp lý.
* Xin cảm ơn ông!
Đề xuất giờ làm việc thay đổi vào phút chót Sau gần 20 ngày công bố tờ trình dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012, vừa qua, Bộ LĐ,TB&XH đã điều chỉnh lại nội dung đề xuất về giờ làm việc, trong đó đáng chú ý là việc thay đổi đề xuất về giờ làm việc trong cả nước. Cụ thể, phương án 1 tại tờ trình dự thảo đã được sửa lại như sau: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành địa phương, văn bản quy định chi tiết dự kiến quy định thời gian làm việc thống nhất đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa Hè và mùa Đông theo điều kiện địa lý. PV |
Nguyễn Mỹ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất