23/12/2014 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Rất nhiều những góc nhìn, những cảm nhận được HLV Toshiya Miura nêu lên trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Jsport được thethaovanhoa.vn lược trích lại. Dù chỉ là cảm nhận của một người mới chỉ sống và làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam chừng nửa năm (tính đến thời điểm tháng 10/2014), nhưng phần lớn đều đúng.
Thực tế, HLV Toshiya Miura không phải người Nhật Bản đầu tiên làm việc trong môi trường bóng đá Việt Nam. Trước ông, BTC V-League đã có 2 chuyên gia ngoại quốc là người Nhật Bản, Tanaka Koji và Kazuyoshi Tanabe, trong đó ông Tanaka chính là Trưởng BTC V-League 2014, còn ông Tanabe sau một thời gian sang Việt Nam làm cố vấn đã phải trở về Nhật vì bệnh nan y và qua đời không lâu sau đó.
Song, có lẽ ở hoàn cảnh tế nhị hơn HLV Miura, nên cả ông Tanaka lẫn ông Tanabe đều rất ít khi đưa ra quan điểm, dù họ thừa hiểu bản chất giải VĐQG của nền bóng đá "vùng trũng".
Kể từ khi VPF đứng ra tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, người trong cuộc vẫn tự hào về chất lượng chuyên môn của V-League được nâng lên đáng kể, thông qua số lượng các bàn thắng được cải thiện và chỉ số khán giả tìm đến các sân bóng. Đấy là kết luận khá hài hước, thậm chí là thiếu cơ sở, chiếu theo góc nhìn của ông Miura.
Đại ý câu nói của HLV Toshiya Miura rằng các cầu thủ rất lười di chuyển và không tích cực tham gia phòng ngự, khi triển khai tấn công cũng chậm do quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân. Việc thiếu tích cực tham gia phòng ngự, thêm sai sót, là lý do dẫn đến tỷ lệ các bàn thua cao hơn (đồng nghĩa với số lượng các bàn thắng/trận đấu cũng cao hơn).
Trong lịch sử hơn chục năm tuổi đời của V-League, phần lớn các đội bóng Việt Nam đều sử dụng cặp tiền đạo là 2 cầu thủ người nước ngoài. Các tiền đạo nội vì không cạnh tranh được vị trí, nên thường xuyên phải đá lùi hoặc lệnh biên. Các ĐTQG Việt Nam phải trải qua thời gian dài khủng hoảng trung phong cắm cũng vì lý do này.
Tức là tỷ lệ các bàn thắng/thua/trận đấu được cộng hưởng bằng 2 lý do: Chân sút ngoại và hàng phòng ngự nội địa. Ngoài ra, sự phân cấp ngày một trở nên lớn hơn giữa đẳng cấp và năng lực chinh phục giữa các đội bóng cũng được xem là một nguyên nhân. Ví dụ, B.Bình Dương đối đầu với HV.An Giang hay Đồng Nai chẳng hạn, khó có thể mang đến một trận cầu chất lượng.
Chúng tôi đã đem các câu hỏi đến với các cầu thủ, nhiều người trong số đó từng là học trò của Toshiya Miura trên ĐTQG, và họ cũng đồng ý với quan điểm của ông thầy. “Chúng ta khó thể nâng cấp chất lượng cầu thủ trong ngày một ngày hai, nhưng có thể cải thiện được. Ông Miura đến Việt Nam và đang làm công việc đó trên ĐTQG”, Phước Tứ nói.
Rất nhiều khác biệt và cả ưu việt mà HLV Toshiya Miura đã tạo ra, trên bình diện ĐTQG, trong đó phải kể đến tính kỷ luật được xiết chặt, ý thức tuân thủ chiến thuật, khát vọng chơi bóng và thể lực được cải thiện đáng kể. Đó là những điều kiện cần để chúng ta có một đội bóng tốt về khâu tổ chức, còn muốn đạt đến đẳng cấp khác, cần một thế hệ cầu thủ khác.
“Nền bóng đá đang rất kỳ vọng vào lứa cầu thủ U19 với nòng cốt là từ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG. Họ được ăn tập bài bản, với giáo trình tiên tiến và thực tế, sản phẩm đầu ra đã cho thấy nhiều sự khác biệt so với truyền thống. Chúng ta đề cao họ, nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận phần còn lại”, thủ môn Dương Hồng Sơn, Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008 và là Quả bóng vàng Việt Nam năm 2008, chia sẻ.
Theo cựu thủ môn ĐTQG này, thứ bóng-đá-tử-tế mà lứa U19 Học viện HA.GL Arsenal JMG được cho là đang theo đuổi nghe khá buồn cười, thậm chí là mơ hồ. Dương Hồng Sơn nói tiếp: “Thế nào là một cầu thủ tử tế và thế nào là thứ bóng đá tử tế? Bóng đá là cuộc chơi thiên về sức mạnh, va chạm, mỗi trận bóng là một trận chiến đấy”.
Ít nhiều cũng có những cảm nhận tốt đẹp về lứa cầu thủ U19 của Học viện HA.GL Arsenal JMG nói riêng và thế hệ cầu thủ trẻ Việt Nam nói chung, nhưng HLV Miura cho rằng vẫn khó có thể so với thế hệ 84-85 của Công Vinh, Vũ Phong, Tấn Tài, Phước Tứ…, những nhà vô địch AFF Cup 2008. Kỳ vọng vào sự ổn định phong độ và tài năng trong 10 năm với lứa U19 cũng ít có cơ sở.
Chúng ta đã thống nhất với nhau nhiều lần rằng sức mạnh tiềm năng và sự phát triển bền vững của một nền bóng đá không thể chỉ dựa trên nền tảng hơn chục cầu thủ trẻ. HLV Toshiya Miura đã đưa ra những nhận xét khách quan, trung thực và những người làm bóng đá nên tham khảo một cách nghiêm túc, bởi muốn biết trình độ của mình như thế nào và đang ở đâu cũng chẳng phải là chuyện đơn giản!
0 Trước khi nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Toshiya Miura chưa từng huấn luyện bất cứ một ĐTQG nào. Hồ sơ của HLV Miura cho thấy ông chỉ làm việc với các CLB ở J-League 1 và J-League 2. 1 HLV Toshiya Miura là HLV người nước ngoài mang quốc tịch châu Á đầu tiên của đội tuyển Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Các HLV ngoại tiền nhiệm của đội tuyển Việt Nam đều mang quốc tịch châu Âu hoặc Nam Mỹ. 400 VFF cho biết khi còn thi đấu, HLV Toshiya Miura là một trong những cầu thủ Nhật Bản thi đấu nhiều trận nhất ở J-League với số lượng trận đấu lên tới con số 400. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất