Ông Dương Trung Quốc: 'Người dân sờ chùa Đồng Yên Tử là chuyện thường'

09/02/2014 18:02 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Yên Tử là chốn non thiêng, nơi tích tụ nguyên khí Việt. Nên niềm tin của người dân vào chốn này rất mãnh liệt. Bởi vậy, việc người dân sờ chùa Đồng ngày khai hội Yên Tử là chuyện thường. Vấn đề của chúng ta không phải là chỉ trích mà cần tạo ra những phương thức để người dân thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà không ảnh hưởng đến di tích.”

Đó là ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc trong cuộc trao đổi với Thể Thao & Văn Hóa tại lễ khai hội Yên tử sáng nay (9/2).

Theo ghi nhận của Thể thao& Văn hóa, từ 0 giờ sáng ngày khai hội, từng đoàn khách thập phương đã ùn ùn hành hương lên chùa Đồng cầu may. Tới 5 giờ sáng, trên đỉnh non thiêng đã chật cứng người. Sương mù, hương khói khiến bầu không khí đặc quánh. Song bất chấp giá lạnh và kiệt sức vì hành hương, hàng trăm người đều cố chen chân, chạm tay vào chùa Đồng. Một vài người khác còn dùng tiền mài lên ngôi chùa.

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa tại lễ khai mạc dưới chân núi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay: “Yên Tử là chốn non thiêng, nơi tích tụ nguyên khí Việt. Nên niềm tin của người dân vào chốn này rất mãnh liệt. Bởi vậy, việc người dân sờ chùa Đồng ngày khai hội Yên Tử là chuyện thường. Vấn đề của chúng ta không phải là chỉ trích mà cần tạo ra những phương thức để người dân thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà không ảnh hưởng đến di tích”.

Còn về việc người dân dùng tiền mài thân chùa, ông Dương Trung Quốc thừa nhận đây là hình ảnh “không thể chấp nhận được”. “Bên cạnh việc tìm cách giải quyết nhu cầu tâm linh của người dân, các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ. Đồng thời, truyền thông cũng cần lên tiếng trước cách ứng xử phản cảm trên để tạo sức ép từ đám đông, tác động và nhận thức từ đó dần dần thay đổi hành vi của cộng đồng”- Ông Quốc nói.

Hình ảnh phản cảm, dùng tiền mài thân chùa

Ông Dương Trung Quốc cũng lý giải, việc sờ tay vào những nơi linh thiêng để cầu an, cầu phước không chỉ có ở Việt Nam mà là phong tục ở nhiều nơi trên thế giới. Và bài toán hóc búa đặt ra lúc này cho các cơ quan quản lý là nếu cố giữ  di tích vật thể là chùa Đồng thì giá trị tâm linh, “hồn” của di sản sẽ không còn. Bởi nếu cấm người dân sờ vì sợ mòn chùa, việc thực hành tín ngưỡng sẽ không được diễn ra đầy đủ.

Theo ghi nhận, ngoài sự vụ xoa chùa, lấy tiền mài chùa, hội xuân Yên Tử năm nay được tổ chức tốt. Hàng quán bán hàng rong không xuất hiện tràn lan. Đặc biệt, dù có 30 vạn khách tới hành hương trong 9 ngày đầu xuân (tăng 20% so với năm ngoái) nhưng vệ sinh môi trường vẫn được đảm bảo tại đất Phật.

Cũng trong ngày khai hội, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Yên Tử cũng cho hay: Tới đây, nhà chùa sẽ cho phục dựng am Ngọa Vân Đông Triều nức tiếng sử sách, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Sự kiện sẽ này hướng tới năm kỷ niệm 710 năm Phật Hoàng nhập Niết Bàn trong 5 năm tới.

Trong ngày khai hội, Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa khánh thành cũng được trao Bằng Vinh danh kỷ lục quốc gia cho bức tượng đồng đúc nguyên khối lớn nhất Việt Nam.

Theo thông tin từ BTC, năm ngoái, lễ hội Yên Tử thu hút 2.1 triệu du khách. Dự kiến trong năm nay, số lượng khách “về nơi vua hóa Phật” là 3 triệu lượt người.    

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm