17/04/2017 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong vòng 2 thập niên trở lại đây, chữ “hội nhập” được sử dụng trên mọi mặt trận, và đến nay, nó xâm lấn cả những lĩnh vực từng thiếu thốn niềm tin về sự hội nhập, như thời trang.
Thời trang Việt không chỉ là… áo dài
Đã có một giai đoạn, khi nhắc đến thời trang Việt, tự động sẽ quy về chiếc áo dài. Thật thú vị khi cả nghìn năm văn hiến gói trong một tà áo, nhưng nếu như để nói áo dài là tất cả thời trang Việt thì hơi tội nghiệp cho những người làm thời trang Việt. Rõ ràng, trong vòng một thập niên trở lại đây, ngành công nghiệp thời trang Việt đã phát triển vượt bậc, với những cái tên được công chúng biết đến nhiều hơn như Công Trí, Chung Thanh Phong, Lê Thanh Hòa…
Và một điểm mốc đáng nhớ là khi Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam - Vietnam International Fashion Week (VIFW) - ra đời 3 năm trước, nó chính thức đánh dấu Việt Nam có một sự kiện thời trang tầm cỡ được tổ chức thường niên. Trải qua 3 mùa tổ chức, ở mùa thứ 4, VIFW đã có một bước phát triển lớn hơn khi chính thức có tuần lễ thời trang Thu Đông được tổ chức tại Hà Nội, cùng với Xuân Hè trước đó tại TP.HCM. VIFW chính thức tiêu chuẩn hóa bản thân theo tiêu chuẩn của thế giới về một tuần lễ thời trang mang tính dự đoán xu hướng theo mùa.
Một mẫu thiết kế sẽ xuất hiện tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2017
Năm nay, VIFW Xuân Hè 2017 còn cho thấy một cố gắng mới trong việc mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác quốc tế. VIFW có sự tham gia lần đầu tiên của các nhà thiết kế đến từ Bồ Đào Nha (Joao Rolo), Đức (Tata Christiane), Australia (Betty Trần - Taste Of Australia Showcase) và Israel (Israeli Fashion By Shenkar Design School). Chính họ, ở một mức độ nào đó, cho thấy sự lan tỏa của VIFW đã nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Cũng chính sự xuất hiện của họ là cơ hội để các nhà thiết kế Việt Nam được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm làm nghề. Nói một cách “màu mè” thì “Việt Nam đã được đánh dấu trên bản đồ thời trang thế giới”. Có vẻ hơi màu mè thật, nhưng ở một nghĩa nào đó, sự thực là vậy khi năm nay mở màn là XUAN Thu Nguyen - người sáng lập thương hiệu XUAN, nhà thiết kế người Hà Lan gốc Việt - thành viên Hiệp hội thời trang cao cấp Haute Couture Pháp.
Hãy văn minh từ chuyện… đúng giờ
VIFW đúng là ngày hội của tất cả các thương hiệu thời thượng nhất trong thế giới thương mại, điều mà tưởng chừng như không quá liên quan nhưng lại rất mật thiết. Trong thế giới của sự xa hoa đó, hình ảnh những chiếc xe Lexus sáng loáng, những mẫu điện thoại Samsung sắc lẹm, hoặc những bộ sưu tập PNJ đầy mê hoặc được phô diễn, được trưng bày hòng mang đến những giá trị sống đẳng cấp nhất có thể. Tất nhiên, đó là niềm mơ ước của số đông, về một cuộc sống đầy giá trị vật chất.
Thế nhưng, một đặc điểm cố hữu của người Việt, trong đó có chính những người nổi tiếng khi tham dự một sự kiện, đó là vấn đề giờ giấc. Còn nhớ, những phàn nàn về chuyện bắt đầu trễ của sự kiện VIFW mới đây đến từ chuyện… giờ giấc của ngôi sao. Nhà thiết kế muốn có những ngôi sao hạng A xuất hiện trên hàng ghế đầu để hôm sau hình ảnh bộ sưu tập của họ nổi bật trên các trang báo đi kèm các hình ảnh ngôi sao đó.
Thế nhưng, chuyện ngôi sao hạng A hạng B xuất hiện trễ tại một sự kiện là chuyện… bình thường ở ta. Và khi họ chưa xuất hiện thì chương trình chưa bắt đầu, dẫu cho hàng trăm khách khác đã ngồi chờ đợi. Dẫu rằng, hai chữ chuyên nghiệp được nói ra rả hằng ngày, xuất hiện trong hầu hết các bài phỏng vấn về tinh thần làm việc của các ngôi sao liên quan đến thời trang, nhưng biểu hiện thì có vẻ không đúng cho lắm.
Mọi cố gắng về tổ chức, về hội nhập, về tạo xu hướng, định hướng lối sống văn minh thành thị đã bớt “lấp lánh” vì điều đơn giản nhất như sự đúng giờ chưa thực hiện được. Câu chuyện đúng giờ nếu cải thiện được, có lẽ mọi chuyện sẽ “toàn bích” hơn, và dấu ấn hội nhập cũng bớt bị “ê mặt”.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất