Thiết kế áo dài tân thời, một design mới trở thành truyền thống

03/11/2014 16:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một design thành công nhất thời Pháp thuộc là chiếc áo dài tân thời, theo nhiều tài liệu và sự công nhận của xã hội, thì họa sĩ Cát Tường và họa sĩ Lê Phổ là hai người đã cải tiến một kiểu mẫu cũ thành một thời trang mới.

Và từ đó đến nay, chiếc áo dài tân thời, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trở thành thời trang truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

1. Thời kỳ phong kiến và cho đến tận những năm 1930, phụ nữ Việt Nam khi ra đường, đi dự lễ hội vẫn mặc chiếc áo dài truyền thống hai thân, bốn thân (tứ thân) và năm thân (ngũ thân), mỗi chiếc áo dài xa xưa này có chút đặc điểm khác nhau, nhưng nhìn chung che kín thân thể phụ nữ để biểu hiện vẻ kín đáo và đoan trang của họ.

Chiếc áo dài hai thân, tức gồm một thân nguyên phía trước, và một thân nguyên phía sau, cài cổ kín, như thường thấy ở các bà các cô lên chùa đi chợ trong thế kỷ 20. Chiếc áo dài tứ thân, như kiểu các cô quan họ mặc, may từ bốn thân rời, khi mặc yếm phía trong, họ mặc thêm áo cánh ra ngoài, rồi khoác áo dài tứ thân, hai vạt trước vắt chéo vào nhau trước bụng.


Cô Nguyễn Thị Hậu, người phụ nữ đầu tiên mặc áo dài Lemur Cát Tường (Tư liệu Phong Hóa)

 Về áo ngũ thân, tài liệu áo dài Việt Nam qua các thời kỳ của Thùy Mai và Dung Nguyên viết: Cho đến đầu thế kỷ 20, phần đông áo dài phụ nữ thành thị đều may theo thể năm thân, hay năm tà. Mỗi thân áo trước và sau đều có hai tà, khâu lại với nhau dọc theo sống áo. Thêm vào đó là tà thứ năm ở bên phải, trong thân trước. Tay áo may nối phía dưới khuỷu tay vì các loại vải ngày xưa chỉ dệt được rộng nhất là 40 cm. Cổ, tay và thân trên áo thường ôm sát người, rồi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu và không chít eo. Gấu áo may võng, vạt rất rộng, trung bình là 80 cm. Cổ áo chỉ cao khoảng 2 - 3 cm (Theo website Văn hóa Nghệ An, 28/1/2011).

Nhìn sang Trung Quốc, thì trang phục phụ nữ cũng bắt đầu có những thay đổi lớn lao. Đầu thế kỷ 20, đặc biệt sự ra đời của áo dài Thượng Hải, mà người Việt Nam thường gọi là áo sườn xám, đây là cách gọi theo tiếng Quảng Đông của từ “Trường sam” còn gọi là “Kỳ trang”. Cách gọi này còn có các biến âm Xường sám, Xưởng sám. Đây là “loại trang phục mà các thiếu nữ thời Mãn Thanh bắt buộc phải mặc, vạt áo không xẻ, ống tay dài từ 3 phân đến 1 thước (đơn vị đo cổ Trung Quốc). Thân áo thêu chỉ. Sau đó có thay đổi chút ít và thiếu nữ dân tộc Hán bắt đầu mặc phổ biến hơn” (Wikipedia).

Người mẫu áo dài Lemur, thập niên 1930 - 1940, mặc áo dài tân thời do Cát Tường thiết kế

Chiếc áo dài Thượng Hải mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh, cắt và chiết ly nở ngực và nở mông, đồng thời xẻ hai sườn khá cao, độ dài dưới đầu gối một chút, nhằm gợi mở thân thể nở nang và thắt eo của người phụ nữ, thay vì che kín mít như trước. Khí hậu Trung Quốc lạnh, nên áo sườn xám thường được may bằng lụa lót vài lớp hoặc bằng vải dày khác với áo dài Việt Nam chỉ là một lớp lụa mỏng, sự gợi cảm cơ thể phụ nữ còn nhiều hơn.

2. Là một họa sĩ nên ông Le Mur Cát Tường nhạy cảm với thẩm mỹ thời đại, cách thức design áo dài tân thời của ông cũng xuất phát từ ý tưởng quần áo không phải để che đậy, mà để tôn vẻ đẹp cơ thể của con người. Lúc đó, phụ nữ phương Tây đi giày cao gót, ngực ưỡn nở về phía trước, mông nở về phía sau, đây chính là điểm tựa của áo dài tân thời.

Từ chiếc áo dài năm thân, Cát Tường cắt áo dài tân thời có cổ hình trái tim, (và đôi khi có cổ bẻ) để mở rộng khoang ngực, hai vai hơi cong lên, gọi là tay bồng, làm cho vai phụ nữ có vẻ nở ngang ra chứ không xuôi, vì phần lớn đàn ông thích phụ nữ vai xuôi hơn vai thẳng, tay áo thì nối vào vai và khuy thì đính dọc trên vai và sườn phải. Mặc áo dài Cát Tường thì phải bận quần xa tanh trắng, đi giày cao gót, đeo thêm cái ví da xinh đẹp của phụ nữ, hoặc có thể cầm thêm chiếc ô.


Thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài tân thời, do Lê Phổ thiết kế, ký họa bút sắt 1940 của Tô Ngọc Vân (Theo sưu tập Tiravanich theeranont)

Người ta cho rằng cửa hiệu của Cát Tường ở phố Hàng Da, thịnh hành vào những năm 1930 - 1939. Theo báo Phong Hóa đương thời thì cô Nguyễn Thị Hậu là người đầu tiên mặc chiếc áo dài tân thời, sau đó năm 1938, cô Hòa Vân mặc chiếc áo dài tân thời may cho mùa Thu. Áo dài tân thời của Cát Tường ban đầu bị phê phán dữ dội là lố lăng, dị hợm, khiêu dâm, nhưng lại được nhiều phụ nữ ủng hộ. Áo dài tân thời của Cát Tường được cho rằng chỉ tồn tại đến năm 1943, rồi không được ưa chuộng nữa.

Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến chiếc áo dài tân thời của Cát Tường đang bị kêu là lai căng. Ông nâng cổ áo lên cao, dần thành áo có cổ viền để bớt sự khoe ngực, chiếc áo bó sát thân trên, mở hai vạt dưới, kết quả dẫn tới chiếc áo dài có tính truyền thống và hiện đại hơn và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Tất nhiên, để đi đến chuẩn mực của áo dài như hiện nay cũng mất thêm hai mươi năm nữa, nhưng ý tưởng của hai họa sĩ trên là một sáng tạo, cho đến nay vẫn được coi là thiết kế mang tính dân tộc mà mới mẻ trở thành một mốt của phụ nữ Việt Nam, đến mức áo dài là khái niệm không cần dịch ra tiếng Anh nữa.


Thiếu nữ Hà Nội mặc áo dài truyền thống và nón thúng rộng vành. Ảnh P.Deulefils (Tư liệu ảnh NXB Thế giới)

3. Design có năm ngành: kiến trúc, nội thất, ứng dụng, thời trang và đồ họa, thì cả năm ngành đều có những thay đổi lớn lao ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, người Việt Nam không phải người sáng tạo, phần lớn các design mới do người Pháp đem đến và được ứng dụng lại, trừ trường hợp chiếc áo dài tân thời nói trên.

Bên cạnh đó thì toàn bộ quần áo người Việt có sự thay đổi sâu sắc, ngay cả những loại nội y tưởng là không có gì quan trọng nhưng quả thực trong truyền thống là hãn hữu. Về cái quần đùi đàn ông chẳng hạn, hầu hết đàn ông Việt cuối thế kỷ 19 đầu 20 vẫn đóng khố. Chúng tôi đã thấy những chiếc quần đùi ống dài gần đầu gối bằng lụa vàng trong phục trang thời Nguyễn, nhưng lại có vẻ không phổ biến ra ngoài.

Nội y của phụ nữ, nhất là áo nịt ngực thì cũng do người phương Tây đem qua và dần được phụ nữ Việt Nam chấp nhận, thay vì thả lỏng và mặc yếm như xưa. Nhưng cái yếm vẫn có giá trị riêng của nó, khi người ta thấy nó chẳng phải chỉ là che đậy mà thực ra rất gợi cảm.

Áo dài lụa mỏng đôi khi làm người ta thấy rõ cả áo trong người phụ nữ và cũng tạo ra sự tranh luận về chất liệu của áo dài, có nên may dày lớp và thêm hoa văn vào không. Nhưng cái đó chẳng phải do đàn ông quyết định, mà vẻ đẹp của người phụ nữ sẽ dẫn dắt thời trang đến đâu.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm