02/03/2014 07:35 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh nói, "người nào có tinh thần bát phố, tự nhiên chờ cái đến/ thanh thản tiễn cái đi", thì dù có tuổi thất thập, khuôn mặt đầy nếp nhăn, thần thái vẫn như con trẻ. Tôi đoán ông đang tả chính mình.
Bát phố, viết hoa hoặc không, trong sách vừa là danh từ, động từ, tính từ. Như tên một nhân vật, lại chỉ hành động cụ thể (đi dạo phố không mục đích), còn tính từ là nói lên tinh thần, thái độ sống đầy chất Thiền của một con người. Sống mà không tính toan mục đích, sống mà “tâm nhàn như mây trôi” (thơ Nguyễn Bảo Sinh). Có lẽ vì thế mà ông muốn “xiển dương” (cổ súy, mở rộng) tinh thần ấy?
Đến bây giờ, sống và viết mang chất thiền theo lối Nguyễn Bảo Sinh, dù rằng vẫn đậm chất dân gian và không nổi tiếng trên văn đàn, nhưng vẫn là được coi trọng và có ảnh hưởng đến bất cứ ai sống gần ông.
Cầm bút viết cũng như đi bát phố
Bát Phố, ở đây Nguyễn Bảo Sinh viết hoa để chỉ một con người riêng lẻ, không ai khác chính là ông. Xưa kia bát phố là phần hồn của người Hà Nội, về sau phai mờ, mất hút vào xa thẳm rồi lại tái sinh và hòa nhập với cuộc sống hiện đại (trích trang 9). Hà Nội ngày nay ồn ã quá, những người bát phố lẫn vào đâu trong phố phường tấp nập?
Nguyễn Bảo Sinh viết Bát phố, một cuốn văn xuôi, lại còn đem in hẳn hoi, nhiều người biết ông cười hoài nghi, bởi họ cho là ông vốn gắn cả đời với thơ lục bát dân gian rồi. Chữ “dân gian” ở đây lại còn theo nghĩa hơi hạ thấp, nghĩa là kiểu sáng tác không bao giờ in ấn, không bao giờ ra sách, chỉ để đọc linh tinh cho vui.
Mục đích ban đầu của tác giả đúng là thế thật. Có thể nói không hề sáo rỗng, cuốn sách viết tựa như hơi thở, đã thở ra là không hề níu lại được. Cũng không ai sửa sang một hơi thở để nó trọn vẹn hơn. Chính vì thế, Bát phố đầy ngẫu hứng, không hề trau chuốt.
Nếu như tản văn vốn là thể loại văn học ngẫu hứng nhất, không hạn chế hình thức nhất, thì Bát phố mang đậm cái thần của tản văn, dù khi viết, tác giả rõ ràng không định gắn tác phẩm vào một thể loại nào.
“Tinh thần bát phố” ở mỗi người
Bởi vậy, có lẽ chỉ một cuốn sách như Bát phố mới có sự kiện ra mắt lạ lùng đến thế. Là một đêm nhạc thì đúng hơn. Tối 15/2, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ danh tiếng của Việt Nam đã đến nhà Nguyễn Bảo Sinh và hát trên sân khấu chật hẹp, bên bờ hồ nước nơi nhà thơ đặt mấy bức tượng Phật và tượng của chính ông.
Đêm nhạc do nhạc sĩ Phú Quang tổ chức với lời giải thích đơn giản, ông đọc Bát phố và cuốn sách đồng điệu với âm nhạc của chính mình. Đồng điệu ra sao, không ai giải thích. Đây cũng là buổi ra mắt sách mà không mấy khi có người nhắc đến quyển sách. Tất cả các ca sĩ đều hát rất say mê, dù có người còn chẳng quen biết gì gia chủ, mà dường như cũng không có cát xê gì.
Nguyễn Bảo Sinh gọi đó là “tinh thần bát phố”, tinh thần hội ngộ không vì mục đích gì. Đến cả cái mục đích “giới thiệu sách” dù được công bố chính thức thì lại hầu như chẳng ai màng đến. Nhưng cuốn sách vẫn cứ có người mua, người đọc. Có những nghệ sĩ tìm gặp lại tác giả sau buổi ra mắt để bày tỏ suy nghĩ của họ về cuốn sách.
Nhiều người có thể cho rằng, thời giờ đâu mà bát phố giữa dòng đời xuôi ngược, bao người vộn vã sống gấp? Nhưng bát phố trong sách Nguyễn Bảo Sinh vẫn bát phố ngay giữa thời buổi chiến tranh bom rơi đạn nổ.
Người bát phố không đổ lỗi cho hoàn cảnh, chỉ sợ đánh mất bình yên trong tâm hồn. Điều đó phụ thuộc vào chính bản thân mình. Tâm hồn mà không biết tự tìm đến bình yên, sợ rằng kể cả theo Nguyễn Trãi lên Côn Sơn nghe suối chảy cũng không có được.
Trích đoạn cuốn sách, trang 20:
“Kẻ Bát Phố đi mà không định về đâu. Nhiều khi đạp xe, bỗng tránh đường ông xích lô, thế là anh ta cứ theo đường tránh mà đi. Bát Phố như mây trắng lơ lửng phiêu bồng trên đường phố:
Ta đến trong từng mỗi bước đi
Chẳng mơ chỗ đến để làm chi
Dòng thời gian chảy đâu đâu bến
Vũ trụ này chỗ đến là đi”.
Mi Ly
Thể thao& Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất