Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không thể mưu cầu cái gì khác trên cái đẹp

05/08/2014 08:22 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một cuộc thi sắc đẹp “chui” bị phát hiện, sau đó người tổ chức bị phạt ở mức nặng nhất và tất cả danh hiệu đều không được công nhận. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa thể kết thúc câu chuyện ì xèo xung quanh người đẹp và các cuộc thi sắc đẹp.

* Thưa nhà thơ Dương Kỳ Anh, là người khởi xướng và tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988, trực tiếp ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi sắc đẹp ở trong và ngoài nước, bản thân ông nghĩ sao khi hay tin ở Hà Nội có một cuộc thi sắc đẹp “chui”?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nhà thơ Dương Kỳ Anh

- Quá liều lĩnh! Tôi nghĩ, một người bình thường không ai làm việc như thế. Có thể họ nghĩ rằng cuộc thi mang lại cái gì đó, như danh tiếng, tiền bạc chăng? Đó là một suy nghĩ nguy hiểm. Đó không phải mục tiêu tôn vinh cái đẹp. Không bao giờ có cuộc thi sắc đẹp nào thành công vì những mục tiêu như thế. Những cuộc thi tôn vinh sắc đẹp thì chỉ nên duy nhất vì mục đích ấy thôi, nếu vì mục đích khác chắc chắn sẽ nảy sinh ra chuyện không hay.

Thực tế, báo Tiền Phong khởi xướng tổ chức thi người đẹp từ năm 1988 cũng chỉ vì mong muốn tôn vinh cái đẹp. Tổ chức thi hoa hậu để quảng bá thương hiệu của báo Tiền Phong không phải là mục đích chính vì báo còn có nhiều sự kiện quảng bá khác. Mà đổi lại bản thân những người tổ chức không nhận gì ngoài sự mệt mỏi cả. Tôi nghĩ, không thể mưu cầu cái gì khác trên cái đẹp.

* Lùm xùm ở các cuộc thi sắc đẹp ngày càng nhiều. Những vụ việc như hoa hậu giả mạo giấy chứng nhận độc thân, hoa hậu trả vương miện, thi sắc đẹp chui… khiến dư luận ngỡ ngàng không chỉ vì năng lực của những nhà tổ chức thi sắc đẹp mà còn bởi nhân cách, cách ứng xử thiếu văn hóa. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

- Đó là biểu hiện của xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống chung của toàn xã hội. Như những gì báo chí đã phản ánh, tôi rất lo lắng. Trong lúc đạo đức xã hội đang xuống cấp như vậy, các nhà quản lý văn hóa cần nghiêm hơn nữa với các đơn vị tổ chức thi sắc đẹp. Nghiêm từ khâu quản lý, đến người tổ chức cuộc thi, người chấm thi…

Một cuộc thi sắc đẹp không phép vừa diễn ra ở Hà Nội mà cơ quan quản lý không biết thì lạ thật. Để có đêm chung kết, chắc chắn họ phải quảng bá, phải kêu gọi thí sinh tham gia… chứ không thể từ trên trời rơi xuống được. Thế mà cơ quan quản lý chỉ biết sau khi… đọc báo?

* Nếu ở vai trò cơ quan quản lý, ông sẽ làm gì?

- Phải ngăn chặn từ đầu để những vụ việc như vậy không xảy ra. Cơ quan quản lý phải theo dõi, chứ đừng đợi như sự đã rồi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh.


Dải băng danh hiệu và cúp của một cuộc thi sắc đẹp bị ném vào xe rác

* Theo ông, hình thức xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với cá nhân người tổ chức cuộc thi Nữ hoàng Sắc đẹp Việt Nam đã đủ “nặng”?

- Đó là quy định của Chính phủ, tôi nghĩ, cơ quan quản lý văn hóa không khác được. Nhưng mất tiền là một chuyện, cái mất lớn hơn là mất uy tín.

* Thực tế, có không ít “ông bầu”, người đẹp tự “đánh bóng” bản thân bằng những scandal hoặc dùng danh hiệu để nâng giá “bán thân” như nhiều cô hoa khôi ở hội chợ hoặc các “hoa hậu ao làng” vẫn làm. Thậm chí, có cô sẵn sàng ra nước ngoài “thi chui”, về nước chịu phạt để có cái danh hiệu…

- Đúng, có cách đánh bóng tên tuổi như vậy. Nhưng tôi nghĩ, với nhận thức xã hội hiện nay, cách làm PR đó chỉ có tác dụng ngược. Bạn thấy đấy, những cô hoa khôi dùng danh hiệu để “bán thân” rồi cũng bị bắt, bị đi cải tạo… Cái kết cũng không thể tốt đẹp được.

* Theo ông, làm thế nào để có những cuộc thi sắc đẹp đúng nghĩa nhất?

Người làm việc nhiều, có thể sẽ sai nhiều, làm ít chắc chắn sẽ sai ít và không làm gì thì chẳng sai bao giờ. Chọn cách nào thì các người đẹp khi đã được tôn vinh cũng nên đóng góp cho xã hội. Đó cũng là đạo lý của người Việt.
- Trước tiên, mục đích phải thực sự là tôn vinh cái đẹp. Hai là lựa chọn cơ quan tổ chức có kinh nghiệm, cơ quan văn hóa và có năng lực tổ chức. Cơ quan tổ chức lại phải chọn Ban giám khảo thực sự công tâm, có con mắt tinh đời, có uy tín xã hội. Có người có tâm nhưng không tinh đời cũng không chọn được đâu. Trước kia, báo Tiền Phong từng mời NSND Trà Giang, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… ngồi ghế giám khảo. Họ là những người có nhân cách, đức độ thì chắc chắn họ sẽ có cái nhìn đẹp, nhân văn về con người.

* Một thực tế là chúng ta tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp để tôn vinh nhưng các người đẹp, sau khi nhận danh hiệu, nhiều cô gây ra điều tiếng không hay, thậm chí còn bị yêu cầu tước danh hiệu, nhưng lại cũng có hoa hậu để “giữ gìn hình ảnh” mà hầu như không xuất hiện trước công luận hoặc rất ít đóng góp cho xã hội.

- Tôi biết có những hoa hậu làm từ thiện, tham gia hoạt động xã hội nhưng không muốn công khai. Như Hoa hậu Hoàng Thiên Nga hoạt động từ thiện nhiều, giúp đỡ các mẹ Việt Nam anh hùng… nhưng không cho ai biết cả. Hoa hậu Việt Nam năm 2012 Đặng Thu Thảo cũng hoạt động âm thầm. Tôi nói với Thảo cần để báo chí đưa tin thì cô ấy nói, làm từ thiện xuất phát từ tâm, nếu để báo chí đưa tin mất hết ý nghĩa. Tôi có phân tích, việc đưa tin không phải cho mình mà để người khác làm theo, nhưng Thảo khẳng định quan điểm sống của cô ấy là như thế. Hoàng Thiên Nga cũng từng nói với tôi: Làm việc thiện mà cho người khác biết thì không còn là lương thiện nữa. Dạng thứ hai là dạng hoạt động bề nổi như Mai Phương Thúy, đi đâu cũng có báo chí, truyền thông đưa tin rộng rãi…

Tôi nghĩ rằng, người làm việc nhiều, có thể sẽ sai nhiều, làm ít chắc chắn sẽ sai ít và không làm gì thì chẳng sai bao giờ. Chọn cách nào thì các người đẹp khi đã được tôn vinh hoa hậu, hoa khôi, nữ hoàng cũng nên đóng góp cho xã hội. Đó cũng là đạo lý của người Việt.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm