Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

24/07/2018 15:52 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - 70 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam.

Đây là khẳng định của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trước thềm lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp (25/7/1948-25/7/2018).

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu. Ảnh: Quang Quyết -TTXVN

* Trên chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có nhiều dấu mốc quan trọng, ông có thể chia sẻ những dấu mốc đáng nhớ nhất với công chúng yêu văn học nghệ thuật?

- Năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng và công bố Đề cương Văn hóa Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề cách mạng dân tộc. Bản đề cương còn có ý nghĩa như bản cương lĩnh về xây dựng văn hóa mới. Cũng trong năm này, Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác vận động tri thức của Đảng.

Trong những ngày độc lập đầu tiên, để thích hợp với tình hình mới, Hội Văn hóa cứu quốc được mở rộng, đổi tên thành Hội Văn hóa Việt Nam và tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Ngay tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tháng 7/1948, Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai được tổ chức nhằm xốc lại đội ngũ văn hóa, coi đó là một binh chủng đặc biệt trong chiến tranh. Sau đó, Hội nghị văn nghệ toàn quốc được triệu tập và họp tại làng Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ từ ngày 25-27/7/1948.  Hội nghị đã thảo luận, thông qua chính cương, điều lệ, bầu cơ quan lãnh đạo mới, do Nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng thư ký. Hội nghị cũng quyết định thành lập Đoàn Âm nhạc Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam  cùng với Đoàn Kiến trúc sư đã được thanh lập từ trước đặt cơ sở cho sự ra đời của các hội chuyên ngành về sau này. Với các quyết định lịch sử, Hội nghị được xem như đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Trước hội nghị, tạp chí Văn nghệ do nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn đã ra số đầu tiên, có tiếng vang lớn trong nước. Sau hội nghị, Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm giám đốc ra đời, hoạt động hiệu quả.

Từ đó đến nay, Hội Văn nghệ Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc với 3 lần đổi tên qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1995) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1995 đến nay).

* Đi qua 70 năm, thành tựu mà văn học nghệ thuật nước nhà đã đạt được là gì, thưa ông?

- 70 năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau vững bước trên con đường cách mạng, sống và sáng tạo ở mũi nhọn cuộc chiến đấu của nhân dân. Một đội ngũ được tôi luyện qua gian khổ, ác liệt của chiến tranh, trực tiếp tham gia những chuyển động xã hội chưa từng có, bằng lao động nghệ thuật công phu và bền bỉ đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đã có biết bao tác phẩm kết tinh đẹp đẽ cuộc sống lớn lao của đất nước trong tất cả các loại hình nghệ thuật, trở thành kho lưu giữ tinh thần vô giá về một trong những thời đại vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc, thời đại Hồ Chí Minh. Đó là những tác phẩm phản ánh chân thực, xúc động tầm vóc vĩ đại, sức mạnh vô địch của nhân dân quyết đạp bằng mọi trở lực để đạt được khát vọng độc lập, tự do. Đó là những tác phẩm đề cao giá trị con người với những tấm gương yêu nước thương nhà vừa bình thường vừa phi thường, vừa giản dị vừa cao cả, vừa hiền hậu, đằm thắm vừa kiên cường, bất khuất. Đó là những tác phẩm đem đến nhiều triết lý nghệ thuật sâu sắc, giúp con người nhận ra ý nghĩa của cuộc sống để sống có ý nghĩa hơn.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngoài các hội chuyên ngành truyền thống về văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, hội họa, Liên hiệp đã có thêm các hội chuyên ngành mới về nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ở mỗi chuyên ngành đều xuất hiện những tên tuổi, tác phẩm sáng giá.

70 năm qua, văn học nghệ thuật Việt Nam đã dành được nhiều giải thưởng danh giá trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quốc tế, trong đó có cả các giải thưởng lớn mà ngay cả các  nước phát triển cũng khó có thể có được. Văn học nghệ thuật đã góp phần giúp người dân thế giới hiểu rõ về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; xây dựng nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới.

Chúng ta tự hào về những cột mốc văn hóa với biết bao hào khí, đánh dấu cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc trong 70 năm qua. Càng tự hào hơn bởi văn học nghệ thuật đã, đang và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam.

Ghi nhận những những đóng góp của văn học nghệ thuật trong 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 367 văn nghệ sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú cho 1.000 văn nghệ sĩ. Có 284 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. 5 hội chuyên ngành được tặng Huân chương Sao vàng, nhiều hội được tặng Huân chương Độc lập. Riêng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

Chú thích ảnh
Ngài SALMAUY, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Quốc vụ khanh văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập phát biểu, trao tượng nhà thơ cổ Ai Cập cho Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 năm 2015. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

* Nhìn lại những thành tựu đó, theo ông chúng ta có thể rút ra bài học lớn gì để tiếp tục phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà?

- Trong 70 năm hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, văn học nghệ thuật nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Từ những thành tựu đó, nhiều bài học lớn đã được đúc kết. Tiêu biểu như các bài học: Văn học nghệ thuật luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc; văn học nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ; tôn trọng tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ; mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại; coi vấn đề phát hiện tài năng trẻ là một vấn đề trọng yếu để phát triển đội ngũ.

* Những năm gần đây, trước những biến đổi của đời sống, văn học nghệ thuật đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đâu là thách thức ảnh huởng nhất đến sự phát triển của văn học nghệ thuật, thưa ông?

- Sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước mở ra một chân trời rộng lớn đón nhận mọi khát vọng, nghị lực, cống hiến. Trong khi đó bối cảnh quốc tế và trong nước cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới, thậm chí có những vấn đề như muốn thách thức sự sáng suốt, tỉnh táo của các văn nghệ sĩ. Nhưng tuyệt đại bộ phận những người làm văn học nghệ thuật từng trải qua chiến tranh, tham gia xây dựng đất nước trong hòa bình có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để xem xét, phân tích, lý giải các vấn đề, kiên định niềm tin với con đường, sự nghiệp đã chọn.

Văn nghệ sĩ đã tận dụng những năng lượng, thời cơ do sự nghiệp đổi mới đem lại để mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác làm cho đời sống văn học nghệ thuật trở nên sống động, nhiều sinh khí mới, đa dạng, phong phú như chính cuộc sống. Tuy vậy, công chúng yêu văn học nghệ thuật vẫn còn đang chờ đợi, đòi hỏi ở văn học nghệ thuật trên nhiều vấn đề trong đó vấn đề bức xúc nhất là xây dựng con người. Nhiệm vụ xây dựng con người hiện nay với văn học nghệ thuật mang thêm nhiều nội dung mới, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

* Là người chèo lái “con thuyền văn học nghệ thuật nước nhà”, xin ông cho biết Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần làm gì để giúp văn học nghệ thuật vượt qua khó khăn, thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tạo?

- Phát huy thành tựu, truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; kiên quyết khắc phục tình trạng chất lượng không tương xứng với số lượng; khắc phục tình trạng thương mại hóa, phê phán những sản phẩm thấp kém làm lệch lạc thị hiếu công chúng, nhất là đối với lớp trẻ. Bên cạnh đó, Liên hiệp cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa trong các khâu hoạt động, đặc biệt là kết nạp hội viên và xét tặng các giải thưởng; kiên quyết không hạ chuẩn đề đổi lấy phong trào mà phải lấy các giá trị đích thực để định hướng phong trào. Liên hiệp và các tổ chức thành viên cần tìm nhiều biện pháp giúp đỡ hội viên không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn, có tầm nhìn xa rộng, không ngừng nâng cao tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm là giải pháp tốt nhất hướng tới những mùa vụ bội thu mới của văn học nghệ thuật, góp phần nhiều nhất vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người và sự phát triển bền vững của đất nước.

Cùng với Liên hiệp, các tổ chức hội thành viên, mỗi văn nghệ sĩ cũng cần nỗ lực vì sự phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật. Mỗi văn nghệ sĩ nên bắt đầu một tác phẩm bằng cảm hứng sáng tạo từ thực tế cuộc sống. Đi vào đời sống, văn nghệ sĩ tìm thấy lời giải cho nhiều vấn đề luật pháp và đạo đức. Đi vào đời sống cũng giúp văn nghệ sĩ tìm thấy những phát hiện nghệ thuật mà không một thư phòng nào có được; đồng thời trả lời được các câu hỏi: Làm thế nào đề phơi bày, lên án, truy lùng đến tận cùng mọi cái xấu, cái ác mà không làm cho công chúng nghệ thuật mất phương hướng? Làm thế nào để tái hiện những con người, những tấm gương cao đẹp, những triết lý nhìn thấy được làm cho hàng triệu người xúc động mà công chúng không cảm thấy giáo điều, sao chép giản đơn? Làm thế nào đề văn học nghệ thuật có thể tạo ra thời hoàng kim mới, tỏa sáng và cộng hưởng đẹp đẽ với công chúng?...

Xin chân thành cảm ơn ông!

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm