Công chúng âm nhạc: Phao cứu sinh & lực cản (Bài 4)

04/09/2013 13:58 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Công chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của âm nhạc. Nhưng nếu số đông công chúng có thẩm mỹ âm nhạc không cao họ sẽ trở thành lực cản đối với sự phát triển âm nhạc và là phao cứu sinh cho những tư tưởng bảo thủ.

>>> Chuyên đề: Mổ xẻ & Khai thông phê bình âm nhạc

Do điều kiện khách quan, đại đa số công chúng âm nhạc Việt Nam hiện nay không được trang bị một cơ sở thẩm mỹ cần thiết cho thưởng thức và thẩm định nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.

Giá trị nghệ thuật & số đông công chúng

Một ca sĩ khi được nhận xét là hát chưa đạt đến trình độ nghệ thuật “thượng thừa”, chưa thể hiện hết “hồn vía” của một tác phẩm; hoặc dòng nhạc mà họ theo đuổi không được đánh giá cao trong việc khai phá, sáng tạo nhằm góp phần cho sự phát triển của âm nhạc, họ thường chống chế bằng cách cho rằng, điều họ đã làm và đang làm được đông đảo công chúng yêu mến, nghệ thuật là để phục vụ cho đông đảo công chúng, tất cả đều vô nghĩa nếu công chúng quay lưng…

Tuy nhiên, trong nghệ thuật, số đông công chúng không phải lúc nào cũng đại diện cho xu hướng nghệ thuật tiến bộ hoặc thể hiện một thẩm mỹ nghệ thuật cao.

Số đông công chúng không phải lúc nào cũng đại diện cho xu hướng nghệ thuật tiến bộ hoặc thể hiện thẩm mỹ nghệ thuật cao - Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Việt Cường.

Các buổi biểu diễn nhạc cổ điển hiện nay vẫn thưa thớt khán giả, nhưng không ai dám nói các tác phẩm của Mozart, Beethoven, Tchaikovsky… là dở cũng như không dám phủ nhận những tài năng âm nhạc như Đặng Thái Sơn hoặc các nghệ sĩ Việt Nam thành danh ở nước ngoài. Nói điều đó để thấy rằng số đông công chúng chưa phải là điều tiên quyết để thông qua đó mà đánh giá nghệ thuật.

Dựa vào số đông công chúng ít am hiểu âm nhạc và có thẩm mỹ chưa cao như hiện nay để phản kháng lại những lời phê bình đúng đắn, có thể nói, việc đó giống như một “phao cứu sinh” đầy ảo tưởng của nghệ sĩ khi họ không muốn chấp nhận một sự thật từ các nhà phê bình.

Khi công chúng trở thành lực cản

Đã có lúc số đông công chúng âm nhạc Việt Nam ào ạt yêu thích những ca khúc có giai điệu cũ mòn, ca từ “ngớ ngẩn”, có khi là ca từ gây sốc làm công luận dấy lên những lo ngại. Các CLB fan của các ca sĩ yêu các thần tượng của mình một cách mù quáng, họ yêu chỉ vì yêu và không ai được “chê” thần tượng của mình. Đó cũng là nguồn cơn của những cuộc “đấu khẩu” mang tính cực đoan trên một số diễn đàn fan hiện nay.

Nhiều người cho rằng sở dĩ Mozart, Beethoven… có những cải cách táo bạo, những sáng tạo đột phá bởi đối tượng công chúng của họ khá lý tưởng - giới quý tộc châu Âu.

Tầng lớp xã hội mà con gái phải học đàn piano, con trai phải học cưỡi ngựa bắn cung và tất cả đều được trang bị một nền tảng kiến thức và thực tiễn về các môn triết học, văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… khá đầy đủ tạo điều kiện để họ có khả năng thẩm định những sáng tạo mang tính tiến bộ, mang ý nghĩa nghệ thuật đích thực. Đối tượng công chúng đó là môi trường nuôi dưỡng những sáng tạo để nghệ thuật thăng hoa.

Còn công chúng âm nhạc Việt Nam thì như thế nào? GS Ca Lê Thuần và GS Tô Vũ đồng ý kiến cho rằng: hệ thống giáo dục âm nhạc đại trà cho học sinh phổ thông chúng ta trong thời gian qua chủ yếu dạy kiến thức âm nhạc thu gọn cho học sinh mà không dạy cho họ cách thức thưởng thức một tác phẩm âm nhạc.

Ngoài ra, đa số học sinh hiện nay chủ yếu trau dồi vi tính, ngoại ngữ hoặc các môn như toán, lý, hóa mà xem nhẹ văn học; còn kiến thức về hội họa, điêu khắc… là những thứ xa xỉ… Với những thế hệ công chúng nghệ thuật có “văn hóa nền” như thế,  ắt số đông của những nghệ sĩ cần tỉnh táo, bởi vì số đông này, khi lên tiếng để bảo vệ thần tượng của mình trước những lời nhận định, phê bình, vô hình trung họ trở thành lực cản cho một sinh hoạt phê bình lành mạnh.

Bài 5: Làm thế nào để có một nền phê bình “lành mạnh”?

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm