Nhà thơ Ngô Liêm Khoan: Làm thơ như luyện võ

16/03/2014 13:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Đang làm Trưởng Ban biên tập một nhà xuất bản lớn, Ngô Liêm Khoan bỏ về quê ở Quy Nhơn, Bình Định “ngồi thiền” dưới gốc cây xoài trong vườn nhà. Để rồi ba năm sau, anh cho ra mắt tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương (NXB Trẻ) khiến làng văn Sài Gòn trầm trồ vì một người vừa luyện võ công đạt thành.

Những tấm ván trên cầu Hiền Lương gồm 36 bài chia thành ba phần: Tầm biển, Là chúng ta Suy tôn Tất Đạt Đa. Ngô Liêm Khoan sinh năm Đinh Tỵ (1977), đây là tập thơ thứ hai, sau Trở mình trên máng xối (2007).

Hình thức cũng là nội dung

Trong thời buổi thơ chỉ in từ 500 - 1.000 cuốn để “biếu trọn” cho bạn bè, thì Ngô Liêm Khoan in Những tấm ván trên cầu Hiền Lương dày (100 trang) đến 3.400 bản. Tại sao là 3.400 bản mà không phải là con số khác? Và tập thơ còn có nhiều con số, theo tác giả ghi ở trang 100 là: “Xin độc giả tự chú thích từng thông tin (con số - PV) trên”.

Ngô Liêm Khoan giải thích về trang 100 của mình: “Con số 3.400 bản in tượng trưng cho ngày 30/4. Giá bìa 75 ngàn đồng tượng trưng cho năm 1975 thống nhất đất nước. Khổ sách 12 cm x 22 cm tượng trưng cho ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Cầu Hiền Lương chia đôi đất nước vào năm 1954, theo nhà văn Nguyễn Tuân: có 450 tấm ván ở bờ Bắc và 444 tấm ở bờ Nam. Do vậy, 2 bìa gấp có độ rộng 4,50 cm và 4,44 cm. Sách chỉ in 100 trang tượng trưng cho huyền sử mẹ Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở ra 100 con tạo nên dân tộc Bách Việt chúng ta”.

Nhà thơ Ngô Liêm Khoan

Ngô Liêm Khoan hiện là ủy viên Ban Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn TP.HCM. Nhưng hơn hết, anh từng là cán bộ biên tập sách cấp cao của một nhà xuất bản. Do vậy, từ hình thức đến nội dung, tập thơ được chính anh đầu tư khá hoàn chỉnh nếu xét từ lỗi chính tả đến bố cục.

Ngô Liêm Khoan cho biết: “Riêng trình bày cuốn sách và ý tưởng vẽ bìa, mình mất ba tháng để tập thơ như ý tưởng của mình. Bởi, hình thức cũng chính là một phần không thể tách rời của nội dung. Tôi đã làm tập thơ này như người luyện võ vậy”.

Họa sĩ, nhà văn Vũ Đình Giang (tác giả Kẻ lạ nhìn tôi từ phía sau) và Ngô Liêm Khoan cùng thực hiện bìa tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương. Cả bìa 1 và bìa 4 đều thể hiện đầy đủ hình bản đồ Việt Nam và những quần đảo quan trọng, được cách điệu bằng chữ viết của nhà thơ, nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước.

Lịch sử từ góc nhìn người trẻ

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, người trực tiếp biên tập Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, cho biết chỉ “biên tập” tập thơ này một lỗi… chính tả. Bởi theo Phạm Sỹ Sáu, đây là tập thơ rất hay của Ngô Liêm Khoan, tác giả cẩn trọng đến từng lỗi chính tả.


Bìa tập thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương

Nhà thơ Bùi Chí Vinh sau khi đọc xong Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, cho rằng: “Đây là tập thơ hoàn chỉnh từ bố cục đến nội dung. Tập thơ tạo ra những cao trào và khoảng lặng, khiến người đọc một lần rồi muốn đọc nhiều lần nữa. Ví dụ như bài Vài dòng cho cừu Dolly là một trong những cao trào của tập thơ”.

Chú cừu Dolly hay cuộc chiến ở Afghasnistan... đã trở thành lịch sử và đều vào thơ Ngô Liêm Khoan. Lịch sử được thơ Ngô Liêm Khoan vẫn ghi nhận đủ đầy.

Với bài thơ Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, Ngô Liêm Khoan viết: “Những tấm ván trên cầu Hiền Lương/ Chúng có hay không câu chuyện của riêng mình/ Chúng có phân biệt được sắc cờ/ Giữa hai giới tuyến/ Hay chúng chỉ là gỗ thôi/ Làm phận lát cầu/ Và gánh trên mình thương tích...”, với dòng đề từ: “Hơn ba mươi năm cỏ mấy bận ngút xanh/ Chỉ ngại lòng người chưa bén rễ”.

Cầu Hiền Lương mãi nối hai bờ vĩ tuyến 17 và mãi mãi chúng ta cùng một giống giòng do mẹ Âu Cơ sinh ra.

... Lên chùa mượn một quả chuông

Lật ngược làm nồi nấu thịt

Rồi quỳ dâng lên cúng dường

Lòng thành khói hương nghi ngút:


- Thịt này con nấu nồi chuông

Không đem nồi da nấu thịt

Lửa vui thịt cũng không buồn

Sao mắt Phật mờ hơi nước...

(Trích Phục nguyên - Những tấm ván trên cầu Hiền Lương)

Trần Hoàng Nhân
Thể thao& Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm