23/07/2018 19:16 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin, người đoạt Giải thưởng Changwon KC International Literary 2018 (Giải thưởng văn học quốc tế Hàn Quốc Changwon) là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều của Việt Nam.
"Đây là giải thưởng văn chương uy tín, được trao cho các nhà thơ nước ngoài rất khả ái, trong đó có những người từng là ứng cử viên giải Nobel, những "thi bá" của nước Mỹ hay những tác giả rất danh tiếng của Pháp và các nước khác" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa.
Từ giải Changwon đến "chiến lược" quảng bá văn học
* Vậy tiêu chí quan trọng nhất của giải thưởng này là gì, thưa ông?
- Qua danh sách đề cử, ta có thể thấy đây là giải thưởng rất nghiêm túc. Họ chọn lựa về mặt thơ ca, nhất là những người đóng góp cho sự đổi mới trong đời sống thơ ca của mỗi quốc gia.
Tiêu chí quan trọng nhất của giải theo như tôi tìm hiểu đó chính là tiêu chí về nghệ thuật. Những người “lọt vào mắt xanh” của giải phải có thơ đã được xuất bản, in ấn và giới thiệu trên toàn thế giới hoặc có những giải thưởng quốc tế, xuất hiện trong những liên hoan thơ đặc biệt.
Và giải thưởng này không phải giải dành cho các cây bút trẻ mà cho các tác giả có độ tuổi từ 55 tuổi đến ngoài 60 một chút, đã có một quá trình dài trong sáng tạo, hoạt động thi ca và độ tuổi này vẫn còn có thể sáng tạo thêm được nữa. Giải thưởng này vừa khẳng định một phần nào đó sự đóng góp của họ đối với thi ca của quốc gia đó hoặc trên dòng chảy thi ca nói chung của thế giới, đồng thời tạo cho họ thêm động lực để tiếp tục sáng tác.
* Giải thưởng tự tìm kiếm các đề cử, do Hội Nhà văn giới thiệu hay ông tự ứng cử?
- Theo tôi biết, thường do các nước tự đề cử hay các nhà thơ có tên tuổi, những người hoạt động văn hóa, thơ ca Hàn Quốc cũng như ở Việt Nam đề cử. Trường hợp của tôi thì đã được giới thiệu thơ ở Hàn Quốc vài ba lần, đã tham dự những hội thảo thơ, trình bày tham luận trước hội thảo thơ, liên hoan thơ lớn ở Hàn Quốc và tôi đã được các tạp chí của Hàn Quốc giới thiệu nhiều lần.
Ngoài ra, phần thơ của tôi in ở trên các tạp chí, tuyển tập trên thế giới rất nhiều, riêng ở Mỹ, tác phẩm của tôi đã in trên 30 tạp chí về văn chương của các tổ chức văn học, của các trường đại học lớn trên thể giới.
Tôi cũng gửi một cơ số thơ tiếng Anh và tiếng Việt cùng với hơn 20 bài thơ in trên tạp chí Hàn Quốc. Đồng thời, nó dựa trên những giải thưởng tôi đã đạt được trong và ngoài nước như giải thưởng Hội Nhà văn, giải thưởng Nhà nước về thơ ca, giải thưởng Hội dịch giả văn học Mỹ... Dựa trên mọi nguồn thông tin, mọi nguồn tư liệu và cuối cùng họ lựa chọn, họ bỏ phiếu rồi thông báo lại cho tôi.
* Được biết, tháng 9 tới ông sẽ sang Hàn Quốc nhận giải và "tầm sư học đạo" về cách quảng bá văn học của nước họ để "áp dụng" vào đời sống văn học nước nhà?
- Tôi đã từng là người đầu tiên giới thiệu thơ Hàn Quốc vào Việt Nam với 5 nhà thơ tiêu biểu của Hàn Quốc. Nhân dịp sang Hàn Quốc nhận giải tôi muốn tìm hiểu cách của họ trong việc truyền bá văn học ra thế giới. Lâu nay, các quỹ, các tập đoàn dành rất nhiều ngân sách cho văn học và chính phủ Hàn Quốc cũng rất ủng hộ việc đó. Điều này ở Việt Nam rất thiếu, các quỹ cá nhân thì không có, nhưng tôi vẫn hy vọng đến một lúc nào đó các Mạnh Thường Quân sẽ tạo nên một dự án cho văn học Việt Nam với những giải thưởng uy tín, khích lệ đội ngũ những người sáng tác trong nước cũng như tìm cách truyền bá những tác phẩm xuất sắc nhất của Văn học Việt Nam ra nước ngoài. Chuyến đi của tôi sẽ phải tìm hiểu thêm những điều đó, làm những gì mà ở trong nước chúng ta chưa làm được.
Nhiều cuốn sách của Việt Nam có thể tham gia giải Booker
* Tính từ cuối năm 2017 đến nay, ngoài ông còn có nhà thơ Mai Văn Phấn đoạt giải Cikada (Thụy Điển), nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư "ẵm" giải Literaturpreis 2018 (Đức). Điều đó cho thấy quốc tế luôn dành sự quan tâm về thi ca Việt Nam và nỗ lực thơ ca của các tác giả nước nhà vẫn được chú ý và ghi nhận! Ông có thấy thế không?
- Tôi cho rằng, văn học của chúng ta là một nền văn học có vị trí riêng trên bản đồ văn học thế giới. Nhưng có một điều là chúng ta chưa làm rõ nét được nó bởi vì việc truyền bá chưa được chú trọng.
Còn rất nhiều những nhà văn, nhà thơ khác rất đáng được nhận giải thưởng quốc tế như những tác giả kể trên hay các tác giả đã đoạt giải trước đó như Bảo Ninh, Lê Minh Khuê (giải văn xuôi của Hàn Quốc), Nguyễn Huy Thiệp đoạt giải của Italy... nếu chúng ta biết tự chọn dịch các tác phẩm của họ. Nhưng đây vẫn chỉ là việc dịch đơn lẻ, nghĩa là những người họ thấy cá nhân đó giá trị thì họ dịch nên việc quảng bá hay để các giải thưởng chú ý còn rất hạn chế.
Chúng ta có những cuốn sách có thể tham gia giải Booker hay những giải lớn khác nhưng chúng ta lại không có bản dịch. Hội Nhà văn Việt Nam có thành lập một trung tâm dịch thuật mà tôi làm giám đốc nhưng cho đến bây giờ vẫn hoạt động đơn lẻ bởi kinh phí không có. Trong quyết định thành lập trung tâm cũng như quyết định tôi làm giám đốc, tất cả đều tự thu, tự chi. Trong khi, làm chiến lược văn hóa thì không thể tự thu, tự chi được mà chỉ được Nhà nước đặt hàng giống như các nước khác.
* Sắp tới ông sẽ có thêm "những đứa con tinh thần" mới?
- Năm nay, tôi sẽ tập hợp để phát hành một tuyển tập trường ca và thơ dài đã được đăng nhỏ lẻ, rải rác qua từng năm. Thứ nữa là hiện tôi đang điều chỉnh, hoàn thiện 3 bản thảo thơ để xuất bản. Và dự định cuối cùng của tôi vẫn sẽ là... thi ca.
Cần đầu tư kinh phí cho dịch thuật Ba Lan có quỹ dịch thuật mỗi năm được "rót' nhiều triệu USD. Hàn Quốc cũng thế, họ có rất nhiều quỹ dịch thuật, quỹ văn hóa để trợ giúp cho những nhà văn Hàn Quốc dịch sách của họ ra nước ngoài. Tôi nghĩ chúng ta phải làm điều đó, bằng cách kiếm tìm những tập đoàn kinh tế mạnh trong nước cũng như từ Nhà nước để trình bày dự án dịch, chọn lựa những tác phẩm xuất sắc nhất, công bằng nhất để dịch trên một văn bản ngoại ngữ, từ đó, tạo nên chân dung văn học Việt Nam trên thế giới và sẽ có nhiều giải thưởng quan trọng hơn nữa được trao cho các nhà văn Việt Nam. |
“Quốc tế hóa” giải thơ làng Chùa Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Tôi khởi sự giải thơ làng Chùa là do những người nông dân của làng muốn kêu gọi tất cả người Việt khác sẽ viết về cố hương của mình, về quê hương, về bản quán, gia đình, dòng họ, tổ tiên... Hai lần trước chúng tôi đã trao giải “Thơ ca và nguồn cội” với rất đông người tham gia. Gọi là làng Chùa nhưng chúng tôi trao giải cho những nhà thơ, nhà văn xứng đáng, BGK đều là những tác giả, nhà nghiên cứu phê bình rất uy tín của văn học Việt Nam. Thực chất, để duy trì, nó phụ thuộc vào kinh phí, vì mỗi lần tổ chức, cá nhân tôi và bạn bè cùng bỏ tiền ra để làm việc đó. Lần thứ ba có thể chúng tôi sẽ tổ chức vào năm 2019, dự định sẽ mở rộng biên độ hơn, kêu gọi những người trên toàn thế giới tham gia. Hiện nay, tôi đã liên hệ, trao đổi với những nhà thơ lớn, trong đó có cả những người đoạt giải Pulitzer của Mỹ hay Chủ tịch Hội đồng thơ châu Âu... tham gia bằng những bài thơ viết về chính cội nguồn của họ. Đây sẽ là giải thưởng vô cùng quan trọng, và các nhà thơ ở các nước Mỹ Latin, châu Âu, Mỹ, Na Uy, các nước Châu Phi... đều rất hào hứng nhận lời tham gia”. |
Huy Thông (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất