Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: "Thích sáng tác cho thiếu nhi, bởi yêu nghề dạy học"

24/07/2024 17:52 GMT+7 | Văn hoá

Sáng tác 15 tập thơ thiếu nhi trong tổng số 18 tập thơ đã xuất bản, có nhiều tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, nhưng hầu như những đồng nghiệp của nhà thơ Nguyễn Văn Thắng không biết anh làm thơ.

Tác giả của Mây đen và mây trắng (Tiếng Việt 1, tập 1, bộ Cánh diều); Chơi bán hàng (Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Cánh diều)… chia sẻ về tình yêu với văn chương - khoảng trời riêng trong cuộc sống của anh. 

Âm thầm viết, cố gắng và lặng lẽ tự vượt mình

* Trong số 18 tập thơ thì có tới 15 tập thơ thiếu nhi. Tôi tự hỏi, với công việc bộn bề của một cán bộ, anh lấy cảm hứng ở đâu để sáng tác cho các cháu nhiều như vậy?

- Nhà báo hỏi, tôi bỗng giật mình. Vậy mà đã vụt qua gần 25 năm tôi gắn bó với hệ thống trường Đảng, từ trường Đảng của tỉnh đến trường Đảng trung ương. Tôi luôn tự hào về những mái trường mà tôi đã và đang công tác, nên ở đâu, trên cương vị nào, cũng cống hiến hết mình.

Thú thật, ở nơi tôi công tác hiện nay, rất ít người biết tôi có tham gia viết văn, viết báo, vì mấy chục năm qua, tôi chưa một lần đọc thơ trước cơ quan, hoặc trước bất cứ một lớp học chính trị nào. Tôi tâm niệm sáng tác văn chương không phải để đánh bóng tên tuổi, để khoe khoang hoặc lên mặt với đời, nên âm thầm viết, cố gắng và lặng lẽ tự vượt mình, viết hay thì quý, viết dở là do mình khả năng còn hạn chế, ai khen hoặc chê đều trân trọng, chưa hề tự ái với ai cả.

Năm 1992, tôi được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh đoàn Nam Hà, một năm sau đó cấp trên gợi ý đi làm công tác đoàn chuyên trách, tôi bỏ dạy môn ngữ văn THPT để làm anh phụ trách đội, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách Đội tỉnh Nam Hà, năm 1997 về tỉnh Hà Nam làm Chủ tịch Hội đồng phụ trách Đội của tỉnh Hà Nam. Gần chục năm được hát ca, nhảy múa cùng các em thiếu nhi, tôi có thêm vốn sống để viết cho các em. Và đến tận bây giờ, gần 25 năm bù đầu với giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn giáo trình, các loại tài liệu khác về lý luận chính trị, tôi vẫn có thể khui vốn liếng cũ và gom nhặt, chắt chiu ít vốn liếng mới để dùng, chứ không có bí quyết nào cả.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: "Thích sáng tác cho thiếu nhi, bởi yêu nghề dạy học" - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng

* Trước khi hoạt động Đoàn, anh đã viết cho thiếu nhi chứ?

- Tôi yêu thích sáng tác cho thiếu nhi, bởi yêu nghề dạy học. Từ khi còn học cấp 2, thầy cô giáo là thần tượng của tôi. Sau này tôi đã chọn đúng nghề mình yêu thích.

Năm 1978, tôi có bài thơ đầu tiên được in trên báo Thiếu niên tiền phong và xuất hiện đều đều trên tờ báo tôi yêu mến đó. Nhà báo Lê Trân, Tổng biên tập và nhà văn Phong Thu có lần hỏi tôi: "Cháu có muốn về làm việc tại tòa soạn báo không?". Nhà văn Phong Thu đã có lần đi tàu từ Hà Nội về thăm tôi tại cái làng heo hút của huyện Bình Lục, vẫn có nhã ý động viên tôi về làm báoĐội. Tôi vui và hãnh diện lắm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt nên tôi quyết định gác lại giấc mơ Thủ đô, trở về quê dạy học, thực hiện nghĩa vụ của người con trưởng.

Ngày đó công việc của người thầy giáo trong sáng đến không ngờ, vô tư và hồn nhiên lắm, ai cũng nghèo. Đồng nghiệp của tôi sáng sớm vác dậm đi bắt cua bắt cá dọc máng Điện Biên rồi mới về lên lớp giảng bài. Tôi trẻ nhất trường, thường xuyên làm nhiệm vụ nhận bơ bò gạo, củ su hào để nấu ăn bữa trưa cho một số thầy cô giáo ở xa nhà.

Nhiều khi đi cả buổi sáng lên cửa hàng thực phẩm chợ Chủ mua 3 lạng thịt theo chế độ của mình và dĩ nhiên không ít lần còn phải mua hộ các cô giáo vướng con nhỏ không đi xếp hàng cả buổi chỉ để mua 5 lạng thịt.

Những bài thơ tôi viết cho thiếu nhi từ thời kỳ đó đăng rải rác trên báo Đội, báo Phụ nữ Việt Nam, tạp chí, báo Văn nghệ Hà Nam Ninh, báoNam Hà… đến mãi về sau này mới in thành sách. Ngày đó, nhà nước bỏ tiền in sách, nhuận bút tôi từng trích ra mua được máy tuốt lúa, xe đạp thồ để góp vào giải phóng sức lao động.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: "Thích sáng tác cho thiếu nhi, bởi yêu nghề dạy học" - Ảnh 2.

Tác phẩm "Chơi bán hàng" trong "Tiếng Việt 2", tập 1, bộ Cánh diều

* Là ủy viên Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, anh thấy thơ có còn nhiều ý nghĩa với tuổi thơ đương thời? Những người viết cho thiếu nhi có cần thay đổi gì để thơ đến được với thiếu nhi?

- Tôi có dịp đến với nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở của các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Yên Bái…có trường gần 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số, vô cùng bất ngờ và cảm động là các em rất quý sách, yêu thơ. Được tặng sách là mê mải đọc, ngồi giữa nắng sân trường hàng giờ chỉ để nghe thơ. Sách cho thiếu nhi vùng cao còn thiếu lắm.

Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) từng tặng cho một trường học ở Yên Bái 1.000 cuốn sách, các bạn nhỏ vùng cao thích lắm, tung tăng đọc sách khắp sân trường! Tôi cứ mong muốn mỗi trường học ở Thủ đô và các thành phố lớn quyên góp sách cũ tặng cho một trường vùng cao thì ý nghĩa vô cùng.

Từ câu chuyện tặng sách, tôi liên tưởng đến thơ viết cho các em. Hãy viết lên tiếng nói đồng điệu của trẻ thơ, đừng cố tình làm màu làm mè, vin vào sự "cách tân" thuần túy ngôn ngữ đến mức bố mẹ các em cũng không hiểu được, nói gì đến các em!

* Được biết anh có 4 tác phẩm được chọn giảng dạy trong các bộ sách tiểu học hiện nay. Xin anh chia sẻ về tác phẩm anh ưng ý nhất trong số 4 tác phẩm này?

- Nhà văn nào có tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa cũng đều lấy làm vinh dự lắm. Tôi thích truyện Mây đen và mây trắng (Tiếng Việt1, tập 1, bộ Cánh diều). Nó vốn là một bài thơ in trong tập thơ Hoa cỏ (NXB Hà Nội,2002, đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam).

Tôi có 4 năm (từ lớp 4 đến lớp 7) chăn vịt ngoài đồng. Cậu bé còm cõi như tôi lúc đó cũng chớm hiểu thế nào là sự tương phản của mây đen và mây trắng. Sau này, liên tưởng về những gì còn lại trong ký ức, muốn gửi gắm bài học về đánh giá con người, tôi viết lại bài thơ thành truyện và in ở báo Nhi đồng. Những người biên soạn bộ sách Cánh diều lấy truyện này trên báo Nhi đồng để in vào sách giáo khoa.

"Hãy viết lên tiếng nói đồng điệu của trẻ thơ, đừng cố tình làm màu làm mè, vin vào sự "cách tân" thuần túy ngôn ngữ đến mức bố mẹ các em cũng không hiểu được, nói gì đến các em"! - nhà thơ Nguyễn Văn Thắng.

Tôi vẫn là ông nhà quê chính hiệu

* "Những câu thơ hái trong vườn", tập thơ thiếu nhi mới nhất của anh, chỉ nghe tên là gợi nhiều đến người bạn lớn của thiếu nhi - thiên nhiên. Đây cũng là đề tài được thể hiện nhiều trong thơ, văn Nguyễn Văn Thắng. Tuy vậy, thực tế, nhiều em bé lớn lên trong các đô thị không có cơ hội làm bạn cùng hoa lá, cây cỏ, thiên nhiên… Anh nghĩ sao về điều này?

- Đó là một thực tế đáng lo ngại. Cái khô khan, ngột ngạt, nhiều khi vô hồn của phố phường tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của các em thiếu nhi. Những ánh mắt không còn được thấy một chú chuồn chuồn kim, những đôi tai không còn được nghe một tiếng ve sầu…tâm hồn các em dễ xa dần với thiên nhiên, không còn biết cái vườn thiên nhiên vô cùng đáng yêu và quý báu ấy. Tôi muốn để các em được sống với cái vườn tuổi thơ, cái vườn đầy thơ để hái.

Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: "Thích sáng tác cho thiếu nhi, bởi yêu nghề dạy học" - Ảnh 4.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất học Hà Nam, nhưng phần lớn cuộc đời gắn với Hà Nội. Có vẻ quê hương vẫn là vùng đất trong tim khi trong thơ anh, ấn tượng về quê vẫn đậm nét?

- Không hẳn là như vậy, bởi đến nay, phần lớn cuộc đời tôi vẫn gắn bó với cái làng quê nhỏ bé tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, cái làng quê nghèo đói khi xưa, nằm cạnh Quốc lộ 21B và đường sắt Bắc Nam, nên trong chiến tranh, bom đạn Mỹ cày đi xới lại. Cánh đồng trước nhà tôi chi chít hố bom.

19 năm qua về định cư tại Hà Nội, tháng nào tôi cũng "phi" về quê vài ngày, ăn gạo quê, rau vườn nhà; nói cho đúng là làm người nhà quê nó sướng và tự nhiên làm sao, chứ làm người thành phố tôi cứ phải gồng lên mà sống, nhiều lúc chẳng phải là mình nữa. Tóm lại, đến giờ dù cũng có hàng chục năm "mũ cao áo dài", tôi vẫn là ông nhà quê chính hiệu.

* Tác phẩm mà anh đang ấp ủ viết là gì?

- Sau này,khinghỉ hưu, tôi sẽ viết truyện dài cho thiếu nhi. Giờ thì ăn, ngủ với giáo trình lý luận chính trị, nợ nần đề tài khoa học, bị giục giã suốt ngày, văn chương chỉ đithoáng qua.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Vài nét về nhà thơ Nguyễn Văn Thắng

Sinh năm 1961 tại Bình Lục, tỉnh Hà Nam, là tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học; nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn; nguyên Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị; hiện là giảng viên cao cấp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích trong công tác.

Đã xuất bản 15 tập thơ viết cho thiếu nhi.3 lần được giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Khuyến của UNND tỉnh Hà Nam Ninh, UBND tỉnh Hà Nam. 1 lần được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh lần thứ nhất của báo Tiền phong và một số giải thưởng văn học, báo chí khác.

Một số tác phẩm trong sách giáo khoa đang sử dụng: Mây đen và mây trắng (Tiếng Việt 1, tập 1, bộ Cánh diều; Chơi bán hàng (Tiếng Việt 2, tập 1, bộ Cánh diều). Một số tác phẩm từng nhiều năm trong sách giáo khoa: Cháu nghe câu chuyện của bà (Tiếng Việt 4, tập 1; Bài tập Tiếng Việt 3 nâng cao, tập 1); Chú bê con (Bài tập phát triển năng lực môn Tiếng Việt 1, tập 1)…

Võ Thu Hương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm