Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Thơ hay không thể vội vàng"

31/07/2024 14:51 GMT+7 | Văn hoá

Nguyễn Vĩnh Tiến là kiến trúc sư, nhưng được công chúng biết đến nhiều nhất ở vai trò nhạc sĩ. Nhưng thật ra Nguyễn Vĩnh Tiến đến với thơ ca trước tất cả; tháng 6 vừa qua anh cho ra mắt tập thơ Hỗn độn và khu vườn.

Bài thơ theo thể lục bát Cái roi tre mà Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác vào khoảng năm 1993 đã được đưa vào sách Ngữ văn 9, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

Trong những tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Tiến, người thưởng thức dễ thấy được hơi thở đương đại trên nền những chất liệu cũ quen thuộc đến mức tưởng chừng như không thể làm mới như âm nhạc dân gian hoặc thể thơ lục bát. Nguyễn Vĩnh Tiến thích làm mới chính anh như một thử thách nghệ thuật thú vị. Khán giả theo dõi anh sẽ thấy, thơ và nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến hiện tại khác hơn giai đoạn đầu và vì vậy anh luôn đem đến cho công chúng những bất ngờ.

Phổ nhạc thơ lục bát như một sự thử thách

* Hẳn là anh có nhiều cảm xúc và kỷ niệm riêng tư khi sáng tác bài thơ "Cái roi tre"?

- Bài thơ Cái roi tre được viết để tưởng niệm ông nội tôi. Câu chuyện về một cậu bé đã nghỉ học để về thăm ông ốm, mặc dù, cậu bé ấy phải nhận đòn roi của người cha. Lúc bấy giờ "nỗi đau tinh thần" đã lớn hơn "nỗi đau thể xác". Sự việc ông mất, khiến cho người cha cũng quăng luôn cái roi tre lên trời, vì sau đó sẽ không còn có chuyện cậu bé nghỉ học nữa.

Bài thơ này đã được giải Nhất cuộc thi thơ Tuổi hoa do báo Hoa học trò và tạp chí Tuổi xanh đồng tổ chức năm 1994.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Thơ hay không thể vội vàng" - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến

* Có phải vì vậy mà anh chọn phổ nhạc bài thơ này?

- Tôi phổ nhạc bài thơ này như một sự thử thách. Lúc bấy giờ thì bài hát Bà tôi đã trở nên phổ biến, tôi nhớ đến ông nội, nên có ý tưởng phổ nhạc thành ca khúc về ông.

Nhưng việc phổ thơ lục bát không hề dễ dàng và dễ bị vần điệu và luật bằng trắc của thể thơ này cuốn đi. Do đó, tôi đã phải ngắt khổ chữ và viết thêm ở phần điệp khúc để bài hát được bay bổng và tình cảm hơn. Bài hát này đã được NSND Hoàng Thanh Bình trình diễn khá thành công và ngày nay cũng trở nên dần phổ biến.

* Không chỉ "Cái roi tre", anh còn có nhiều bài hát khác về gia đình, về họ hàng. Dường như ai cũng yêu thương những người trong gia đình, nhưng không phải ai cũng thích quan sát và "khắc cốt ghi tâm" những cảm xúc của ta về họ. Điều gì khiến anh quan tâm và viết về họ?

- Tính tôi thích làm tuyển tập. Khi viết gì cũng hay bị thôi thúc làm theo bộ. Ví dụ khi viết xong bài Tháng 1 thì tôi viết luôn một bộ 12 tháng.

Việc viết về chủ đề gia đình, họ hàng cũng vậy. Mặc dù không dễ dàng gì, nhưng qua nhiều năm thì tuyển tập các bài hát về chủ đề gia đình cũng đã được hoàn thành. Có lẽ từ trong sâu xa, ngoài tư duy theo kiểu hệ thống đó, còn là một cảm giác về một sự công bằng của các chủ đề.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Thơ hay không thể vội vàng" - Ảnh 2.

* Về thơ, anh làm lục bát rất nhiều và phổ nhạc chúng. Vì anh mê lục bát đến "phát cuồng", hay anh tự thử thách mình như vừa nói ở trên?

- Tôi là nhà thơ tự do. Nhưng cũng có duyên nhiều với thơ lục bát. Đây là thể thơ truyền thống rất độc đáo của Việt Nam. Rất nhiều bài hát dân ca cũng được hình thành từ thơ lục bát. Chính hơi hướng đó đã cho tôi nhận thấy có một sự thân thuộc và đồng cảm với những giai điệu được phổ từ thơ lục bát, nhưng chính đó cũng là một thách thức khi muốn đổi mới, muốn giai điệu được hay hơn. Làm sao có thể sải cánh bay trong một cái lồng?

Vì vậy, muốn hay, mình lại thỉnh thoảng phải "bẻ nan lồng" để bay ra bên ngoài. Thủ pháp là: Vẫn tôn trọng bài thơ, ý thơ, nhưng khi phổ nhạc thì nên dung hòa giữa chuyển động của giai điệu và kết cấu, ý nghĩa chung của bài thơ.

"Ám ảnh bởi sự trôi đi của thời gian"

* Đọc thơ và nghe nhạc của anh thấy rất rõ lẽ vô thường như "Bà tôi", "Em chỉ yêu anh một quãng thôi"...Mọi thứ đều trôi qua và không ít lần anh cô quạnh nhìn dòng trôi ấy. Dĩ nhiên cuộc sống là thế và vì thế nó đẹp. Cảm giác như anh thích đắm mình trong ấy?

- Không phải là "thích" đâu, mà là "bị". Ám ảnh bởi sự trôi đi của thời gian. Mọi điều yêu dấu đều dần mất đi, rồi được thay thế bởi những cái mới. Không thể ngược bến thời gian, nhưng cũng không thể cứ mãi hoài cổ, tôi như một chiếc thuyền dùng dằng trên dòng sông ấy.

Cảm nhận về chính "cái đẹp" của hiện tại, thậm chí từng hơi hít vào thở ra, mùa màng, màu sắc, quan sát cả những cảm quan của người khác nữa để dần dần hình thành một phức cảm của cá nhân. Đôi khi "đắm" trong phức cảm ấy.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Thơ hay không thể vội vàng" - Ảnh 3.

Bài thơ “Cái roi tre” trong “Ngữ văn 9”, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

* Không ít lần khán giả thấy cái chết trong âm nhạc của anh, nghe anh kể về những năm bị trầm cảm... Anh nghĩ gì về sự chết và có sợ nó không?

- Có lẽ đó là một tầng sâu của trầm cảm. Từ bé, tôi đã luôn biết nó tồn tại trong tâm hồn. Luôn cảm thấy buồn và cô quạnh. Rồi các thập niên cứ thế kéo mình đi. Nhưng dấu vết của những trầm cảm ẩn đó vẫn như vệt sên bò trong các tác phẩm. Đó là một cái gì đó rất lê thê, nặng nề. Nhưng không phải là bi quan, mà như một lẽ tất yếu. Mình có một tâm hồn như vậy thì đành chịu, đành sống chung thôi. Còn về những băn khoăn sinh tử có hơi hướng triết học cũng thu hút sự tìm hiểu của tôi và rồi tôi cũng nhận ra rằng vạn vật đều như vậy. Kể cả số phận của một thiên hà cũng có sinh diệt...

* Nhiều người nói rằng, vì cuộc sống luôn thay đổi nên chúng ta phải chấp nhận những buồn vui xảy đến với mình, nhưng có lẽ tận hưởng chúng thì thú vị hơn là chấp nhận nhỉ?

- Đúng vậy đấy. Hiện tại cực kỳ thú vị, nhưng hiện tại cũng cực kỳ khó nắm bắt. Trong hỗn loạn của hiện tại thì theo tôi nên tu tâm dưỡng tính trước, sau đó mới cảm nhận được. Tâm loạn thì hiện tại cũng sẽ loạn và làm mất đi rất nhiều năng lượng vô ích.

* Vậy thì những lúc vui anh ở đâu và thường làm gì?

- Thường là ở bên cạnh bạn bè thân. Khi ấy, tôi hay trêu đùa hài hước và "sự vui" này thường trong bối cảnh an toàn. Tất nhiên là không nên quá vui với người lạ.

"Tôi may mắn thôi, vì lĩnh vực nào thì cũng có rất nhiều người giỏi hơn mình. Thôi thì cứ thanh thản như kẻ bộ hành khuất trong dòng người" - Nguyễn Vĩnh Tiến.

"Tôi may mắn thôi"

* Do duyên nghiệp, hoặc khuynh hướng tâm lý và môi trường sống, tùy góc nhìn, mà một người thích cái này ghét cái kia, quan tâm điều này thay vì điều khác. Không biết câu nói này có đúng với anh không, mà lại thấy anh khá đa dạng, quan tâm cả kiến trúc, âm nhạc và văn chương?

- Tôi lại thấy có sự tổng hòa và sự liên quan của các lĩnh vực tưởng chừng như khác nhau, chứ không phải mọi thứ đều hoàn toàn đứng riêng biệt. Mọi thứ đều có một cái gì đó là ước số chung lớn nhất, thậm chí, có cả mẫu số chung đấy.

Tôi hướng tới sự công bằng trong cách nhìn nhận vạn vật. Ví dụ như khi có nhiều người viết về hoa bằng lăng, hoa phượng… thì tôi sẽ viết về hoa rau muống, hoa cà… vì chúng có vẻ đẹp riêng.

Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Thơ hay không thể vội vàng" - Ảnh 5.

Tập thơ “Hỗn độn và khu vườn” mới phát hành hồi tháng 6/2024

* Rõ ràng là lĩnh vực nào anh cũng có ít nhiều thành tựu, nên gọi anh là kiến trúc sư, nhạc sĩ hoặc nhà thơ đều được. Anh nghĩ mình may mắn hay vì anh biết rất rõ ở mỗi lĩnh vực mình nên đi cách nào thì dễ thành công nhất?

- Tôi may mắn thôi, vì lĩnh vực nào thì cũng có rất nhiều người giỏi hơn mình. Thôi thì cứ thanh thản như kẻ bộ hành khuất trong dòng người. 

* Nghe nói anh đang có ý định làm bộ thẻ thơ với 365 bài thơ lục bát. Anh có thể nói rõ hơn về dự định này và nó đã đi đến đâu rồi?

- 365 là số ngày trong một năm. Tôi cũng định sẽ tập hợp một bộ thẻ thơ như vậy để chọn ra những sáng tác và trích đoạn lục bát hay nhất mình từng sáng tác, để sau đó, mỗi ngày, mình lại rút một thẻ thơ chiêm nghiệm và dự báo. Tôi đang tập hợp, cũng không vội vàng lắm, thơ hay không thể vội vàng.

* Ngoài ra, những dự án khác mà anh đang ấp ủ là gì?

- Tôi sẽ có một album với 12 ca khúc mang tên Cuốn phim, ca sĩ Thanh Lam hát, Trần Đức Minh sản xuất. Trong album này có những bài hát đã quen thuộc với khán giả như Cắt tiền duyên, Kiều ca, còn lại là hoàn toàn mới. Tôi cũng hy vọng album này sẽ là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của mình.

* Cảm ơn anh vì đã chia sẻ!

Vài nét về Nguyễn Vĩnh Tiến


Nguyễn Vĩnh Tiến sinh năm 1974 tại Phú Thọ.


Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, học cao học và làm nghiên cứu sinh tại Pháp. Hiện anh vẫn hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc.


Đã giới thiệu rất nhiều tác phẩm truyện ngắn, thơ và nhạc.


Các giải thưởngvăn học: Giải thưởng thơ hay báo Văn nghệ TP.HCM năm 1993 với tác phẩm Những ngón tay của tôi; giải thưởng truyện ngắn và thơ báo Hoa học trònăm 1994 với các phẩm Một cánh chuồn chuồn, Bốn con chào mào; giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ trẻnăm 1997 với tác phẩmSự ra đời của buổi tối...


Các giải thưởngâm nhạc: Giải Ca khúc của tháng tại chương trình Bài hát Việt năm 2005 với ca khúc Bà tôi; giải Nhất dòng nhạc dân gian đương đại năm 2005 tại Bài hát Việt với ca khúc Giọt sương bay lên; giải Sáng tạo tại Bài hát Việt năm 2011 với ca khúc Mẹ tôi và những thị xã vắng...

Lâm Hạnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm