05/12/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Quê gốc ở Hà Tĩnh, nhưng nhà thơ Lê Huy Quang đã có hơn 50 năm gắn bó với Thủ đô. Và trong dịp ra mắt tập thơ mới Ký ức Hà Nội (NXB Hội Nhà văn) ra mắt cuối tuần qua, bạn văn đánh giá: “chính Hà Nội đã hun đúc nên Lê Huy Quang của ngày hôm nay”.
NSND Lê Huy Quang sinh năm 1944, là người đa tài. Ông làm thơ, vẽ tranh và thiết kế sân khấu. Ở lĩnh vực nghệ thuật nào thì ông cũng nổi tiếng. Một phần lý do nằm ở quan điểm nhất quán của ông trong việc sáng tác là “phải khác” (tên một tập thơ của ông tập hợp 108 bài thơ được sáng tác trong vòng 40 năm, từ 1968 - 2008).
“Dựng lại phẩm chất Hà Nội”
Muốn làm khác thì Lê Huy Quang sửa chữa bản thảo tỉ mỉ và không xuất bản nếu chưa hoàn toàn ưng ý.
Quá trình chuẩn bị cho tập thơ Ký ức Hà Nội là một ví dụ. Ông sáng tác các bài thơ về Hà Nội trong 20 năm. Năm 2015, bản thảo được gửi lên cho ban biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tuy nhiên ông vẫn chưa hoàn toàn ưng ý với sản phẩm. Suốt bốn năm từ 2015 - 2019 ông dành để sửa bản thảo. Cuối tháng 11, tập thơ chính thức ra mắt.
Cuốn sách nhỏ khoảng 60 trang gồm 39 bài thơ ngắn được đánh số thứ tự từ I đến XXXIX. Khúc dài nhất là hai trang. Và 39 bài này này được sắp xếp để tạo thành một liên khúc. Lê Huy Quang giải thích rằng liên khúc Ký ức Hà Nội giống như con đường gốm sứ ven đê sông Hồng. Nghĩa là các bài thơ không tạo thành một câu chuyện lớn mà được viết độc lập, sau đó chắp nối với nhau.
Kết quả của quá trình làm việc cẩn thận này đã được các đồng nghiệp ghi nhận. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, thơ Lê Huy Quang không phải là thơ kể chuyện mà là “thơ làm chữ”. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn nhận xét, thơ Lê Huy Quang ngắn và chọn lọc. “Ta đọc thơ Lê Huy Quang thì cảm thấy dịu dàng, da diết và dằn vặt. Với tập thơ Ký ức Hà Nội, ông đã dựng lại phẩm chất Hà Nội qua một con phố cụ thể, một sự kiện cụ thể” - nhà thơ nói.
Thực vậy, chất liệu nghệ thuật của Lê Huy Quang không phải những ý tưởng mơ hồ, mà là hiện thực sống động. Ông là chứng nhân của thời Hà Nội chống Mỹ. Từ đó ông viết hai bài thơ được đánh số II và III, lần lượt là Tưởng niệm I- An Dương 1972 và Tưởng niệm II- Khâm Thiên 1973. Ông viết về Hà Nội trong cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972: “rất nhiều hố bom/rất nhiều nhà ngói mới/rất nhiều cây non trồng/rất nhiều em gái bế con/rất nhiều chon von quán trọ”.
Từng làm báo, Lê Huy Quang chia sẻ công việc này làm cho ông tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh, với tư cách của một công dân. Bằng việc dựng lại phẩm chất Hà Nội qua những sự kiện cụ thể, Lê Huy Quang đã “đem cái đẹp đã mất trở lại, tức là giúp ta trở về nhân tính” như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Chứng nhân của một thời
Nhạc sĩ, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thụy Kha kể lại: Trong một cuộc rượu, nhạc sĩ Văn Cao hỏi ông đã gặp Chu Hoạch, Lê Huy Quang và Tường Vân chưa? Lúc bấy giờ, Lê Huy Quang chưa xuất bản thơ, cũng chưa nổi tiếng nhưng được các bậc đàn anh đánh giá cao. Mãi đến năm 1988, khi đã 44 tuổi lần đầu tiên ông công bố thơ. Đó là một bài tưởng niệm người bạn vong niên, danh họa Bùi Xuân Phái mới qua đời, đăng trên tuần báo Văn nghệ.
Lê Huy Quang sống ở Hà Nội trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1965 - 1975. Lúc đó, nhà thơ mới ngoài 20 tuổi. Chính ở đây, ông đã được kết bạn với những nghệ sĩ lớn như Bùi Xuân Phái, Văn Cao,…
Trong tiểu luận Thơ Lê Huy Quang, được đặt làm lời nói đầu cho tập thơ Ký ức Hà Nội, nhà thơ Anh Chi kể lại chi tiết sinh hoạt của văn nghệ sĩ thời bấy giờ. “Ngoài công việc vẽ tranh cổ động ở Sở Thông tin, Lê Huy Quang hay tới quán trà Phúc Châu, quán bà Thu - chỗ phố Tạ Hiện gặp phố Lương Ngọc Quyến - nơi các nhà thơ, nghệ sĩ của Hà Nội như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoài Anh, Nguyễn Mỹ, Lương Vĩnh, Tạ Vũ, Trúc Cương, Ngọc Thụ, Chu Hoạch… thường tụ bạ. Họ chuyện trò với nhau những điều mới nhất trong đời sống văn nghệ, về xu hướng mới nghệ thuật nói chung và nhất là những cái đẹp mới trong ngôn ngữ thơ ca nói riêng”.
Nhớ lại quãng thời gian đó, Lê Huy Quang nói: “Khi tôi ngoài 20 tuổi thì may mắn là tôi đã được gần gụi với nhiều nhà thơ đàn anh rất tuyệt vời. Các anh ấy lúc đó chỉ mới trên 30 gần 40 tuổi. Tôi cũng được ở gần họa sĩ Bùi Xuân Phái, tôi là người bạn vong niên của ông. Tôi đã học được ở những bậc đàn anh ấy rất nhiều điều, học được về sự từng trải của cuộc sống, nhưng đặc biệt lòng đam mê nghệ thuật. Và có một điều như thế này, tôi nhận thấy các anh không bao giờ bi quan chán nản với cuộc sống cả, mặc dù như chúng ta biết, cuộc sống ngày đó đâu có dễ dàng gì với các anh…”.
Những năm 1960 - 1970 ở Hà Nội, dù cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra với rất nhiều gian khổ, Lê Huy Quang vẫn coi rằng đó là quãng đời đẹp nhất của mình. Ngày hôm nay nhìn lại ông luôn “cảm ơn Hà Nội đã tạo nên tôi”. Xét vậy, Ký ức Hà Nội của Lê Huy Quang chính là ký ức về một Hà Nội của những con người rất đẹp.
Nguyễn Thành
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất