Nhà thơ Phan Vũ: 'Ta còn em, ta còn em… Hà Nội'

29/08/2018 11:22 GMT+7 | Video Văn hóa

Chú thích ảnh

  (lienminhbng.org) - Tập thơ Ta còn em của nhà thơ Phan Vũ được xem là có nhiều câu thơ “chạm vào tim ta, làm ứa ra những giọt hồng nóng hổi thương yêu lối xưa phố cũ”. Tập thơ giành giải hạng mục Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội 2018.

Trải qua nhiều biến cố trong đời, nhưng nhà thơ Phan Vũ vẫn sống tốt, có lẽ là vì tinh thần lạc quan và nhờ được mọi người yêu và thương. Tuy tuổi tác và sức khỏe không còn như trước, nhưng cách đây ít lâu Phan Vũ tâm sự rằng mình vẫn sẽ tiếp tục vẽ và làm thơ. Bài thơ viết gần đây nhất có tên Chuyện kể về một KC được hoàn thành ngày 25/6/2018, với nhịp thơ nhanh, chắc khỏe. Phan Vũ cũng ước mơ rằng trước khi nhắm mắt xuôi tay thì được trở lại Hà Nội một lần, ngồi vỉa hè ngâm nga câu: “Ta còn em, ta còn em… Hà Nội”.

Từ kịch bản “Hà Nội phố”

Rất ít người còn nhớ nguồn cơn của bài thơ Em ơi, Hà Nội phố đến từ kịch bản phim điện ảnh Hà Nội phố Phan Vũ viết cuối thập niên 1960. Đây là một kịch bản mà ông rất tâm huyết, sửa đi sửa lại nhiều lần, với nhân vật chính là một kiến trúc sư tên Hải, suốt ngày lang thang với cây đàn ghi-ta, hát và đọc thơ, cùng ước mơ tái thiết một Hà Nội tươi đẹp, yên bình sau chiến tranh.

Phan Vũ cũng vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng, yên bình mà ngày nay đã là “mộng bình thường”, nhưng lúc ấy còn xa vời, vì B52 đang dội bom Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phan Vũ (giữa), bà Nguyễn Thế Thanh (trái) và TS Nguyễn Thị Hậu trong buổi ra mắt tập thơ "Ta còn em" tại Cà phê thứ Bảy, TP.HCM hôm 14/6/2018

Bài hát mà anh chàng kiến trúc sư Hải thường hát trong kịch bản này có điệp từ “em ơi, Hà Nội phố”. Phan Vũ ôm ấp nhiều năm để thực hiện phim này, nhưng bất thành, thế là ông dần dần tách những câu thơ ra khỏi bài hát trong kịch bản. Rồi dần dần hình thành nên bài thơ Em ơi, Hà Nội phố từ giữa năm 1972. Cách phổ biến bài thơ này là đọc ở các quán nước, quán bia hơi, từ 5-6 khổ, bài thơ cứ dài ra dài ra, rồi chỉnh sửa, thêm bớt, nên có nhiều dị bản. Đến bản in trong cuốn Ta còn em (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn, 4/2018) thì có 443 câu thơ, chia thành 24 khổ, như một trường ca. Đây là bài thơ mà mọi người mới chỉ biết đến qua 21 câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trong bài hát cùng tên.

Trong bối cảnh bom rơi đạn lạc, thành phố tan hoang, bài thơ như lời cảm khái về một Hà Nội văn hiến trong lòng người, nơi chẳng có gì tàn phá đi được. Điệp từ “ta còn em” như là lời khẳng định về điều đó. “Và tình yêu hơn mọi tình yêu, nỗi đau hơn mọi nỗi đau, niềm day dứt hơn mọi day dứt, bài thơ chạm vào tim ta, làm ứa ra những giọt hồng nóng hổi thương yêu lối xưa phố cũ. Những mảnh Hà Nội của Phan Vũ như kim cương nhiều màu sắc, long lanh mà sắc bén, cứa vào ký ức người từng sống ở Hà Nội, như tôi, vỡ òa. Không nhiều người có thể chung thủy được với một ký ức như thế, như Phan Vũ, người đàn ông lãng du qua hai thế kỷ” - TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.

Khi được hỏi điều gì khiến Phan Vũ có chỗ đứng riêng trong số những tác giả sáng tác về Hà Nội? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Vì ngôn từ, nhạc điệu của tác phẩm đọc lên rất gợi, nó vừa cho ta thấy hình sắc, âm thanh, lại gợi ra một hồn khác. Trước khi Phan Vũ viết bài thơ này đã có những bài thơ khác về Hà Nội. Nhưng tác phẩm này tạo được độ quyến rũ, mê dụ, để người ta cảm thấy, à hóa ra lâu nay mình chưa hiểu Hà Nội mấy, nó giúp ta phát hiện ra Hà Nội, giúp ta cảm nhận vẻ đẹp Hà Nội, và thấy vẻ đẹp ấy đang phôi pha đi”.

Phần 2 của tập thơ Ta còn em giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của Phan Vũ nhưng chưa “có duyên" được bạn đọc biết đến rộng rãi, xoay quanh 3 chủ đề: Tình yêu, thế sự, những bức chân dung tự họa bằng thơ.

Chú thích ảnh
Bìa tập thơ “Ta còn em”

Viết thơ “Em ơi Hà Nội phố” lên tranh

Cuối tháng 7/2018, Phan Vũ bày triển lãm cá nhân Em ơi, Hà Nội phố tại phòng tranh Bình Minh (TP.HCM), với 15/25 tác phẩm là tranh thơ về Hà Nội phố. Mới nghe tên triển lãm, chúng ta dễ hình dung về hình ảnh cụ thể nào đó của Hà Nội, nhưng Phan Vũ thì khác, ông đã mang đến một cảm quan và hình ảnh khá bất ngờ. Nó khá khác hình ảnh trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của ông.

Chú thích ảnh
Bức Ta vẽ em

Đây là lời của Phan Vũ từng chia sẻ về loạt tranh Hà Nội phố của mình, dù thực tế ông có nhiều năm gắn bó với thành phố này, thuộc Hà Nội như lòng bàn tay. “Khi tôi đến Pháp triển lãm, vài họa sĩ bên đó hỏi tôi vẽ như thế nào, tôi nói mình cứ vẽ bừa thôi. Mà thật, tôi có học bài bản về hội họa đâu, mà do trước kia thân thiết với họa sĩ Hoàng Minh Hằng, sẵn toan sẵn cọ, lại được khích lệ, nên tôi cứ vẽ như mình nghĩ, chẳng sợ sai đúng, chẳng sợ giống hoặc không giống. Nhưng có lẽ nhờ tôi làm điện ảnh, quen với ánh sáng, bố cục, rồi làm thơ, quen với nhịp điệu, âm hưởng, nên tranh của tôi cũng có được điều này trong màu sắc, đường nét” - Phan Vũ chia sẻ.

Chú thích ảnh
Giấc mơ vội vã

Còn khi được hỏi ông vẽ loạt tranh về Hà Nội phố như thế nào? Phan Vũ cho biết: “Sau này tôi chơi với vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển và Hồng Lĩnh, thấy họ viết thơ lên tranh rất hay, nên về nhà viết lên luôn. Nhưng thơ và tranh của tôi không minh họa cho nhau, tôi cứ vẽ tranh, sau đó chọn những câu thơ ưng ý trong Em ơi, Hà Nội phố viết lên thôi... Tôi xem câu thơ cũng như một bảng màu, một đường nét của bức tranh và ngược lại, xem tranh là từ là ngữ của bài thơ”.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Tự họa 1 & 2

Ông nói thêm: “Chính vì vậy mà đừng xem tranh của tôi rồi tìm kiếm hoặc so sánh với phố Hà Nội ngoài đời thực, nó chẳng có sự giống nhau nào đâu. Hơn nữa, cũng thật thà "khai báo", tôi không đủ khả năng vẽ hiện thực, mà về mặt ấn tượng hoặc biểu hiện, tôi cũng không có khả năng vẽ đẹp như những người bạn thân của mình, ví dụ như Bùi Xuân Phái. Thế nhưng có điều lạ, cứ xem tranh bán trừu tượng của tôi, đọc một hai dòng thơ, đa số người xem vẫn nhận ra một Hà Nội nào đó, Hà Nội như trong mơ tưởng, hình dung của họ”.

Chú thích ảnh
Mùa xuân ra đi

Ở khía cạnh người xem, tranh của Phan Vũ luôn cho ta một cảm xúc mạnh, bút pháp tự do, với màu sắc sinh động, năng lượng tích cực. Tranh cũng như thơ, dù đề cập về nỗi đau, sự tan vỡ, thất vọng, thì cũng không bi lụy, cay đắng, hằn học.

Dưới đây là loạt tác phẩm chủ đề Em ơi! Hà Nội phố...:

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

DANH SÁCH ĐỀ CỬ GIẢI BÙI XUÂN PHÁI - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI 2018

Giải thưởng Lớn

- Ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.

Giải Tác phẩm

1. Tập thơ Ta còn em của nhà thơ Phan Vũ. (Đoạt giải)

2. Phim Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier. (Đoạt giải)

3. Cuốn sách Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 của Lê Văn Ba.

4. Cuốn sách tranh Lặng phố của họa sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh.

Giải Ý tưởng

1. Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học. (Đoạt giải)

2. Dự án “Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn” của ông Martin Rama.

3. Ý tưởng thành lập Bảo tàng Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào.

Giải Việc làm

1. Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên “Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn”. (Đoạt giải)

2. Việc hiến tặng 2 mỏ neo cổ nhiều giá trị cho bảo tàng của ông Quách Văn Địch. (Đoạt giải)

3. Việc thành lập tủ sách “Hà Nội trong mắt một người”, mở đầu bằng 4 cuốn sách của nhà văn Đỗ Phấn, của NXB Trẻ.

4. Tour tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).

Văn Bảy

Gặp lại tác giả 'Em ơi Hà Nội phố' Phan Vũ qua 'Ta còn em'

Gặp lại tác giả 'Em ơi Hà Nội phố' Phan Vũ qua 'Ta còn em'

Điệp khúc "Ta còn em" nổi tiếng trong trường ca "Em ơi Hà Nội phố" được lấy làm tựa đề cho tập thơ mới nhất của nhà thơ Phan Vũ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm