Ông “Cuội” Trần Đăng Khoa!

09/08/2011 08:35 GMT+7 | Đọc - Xem

Thỉnh thoảng tôi mới có dịp gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhưng nghe và đọc về anh thì nhiều. Có người bảo anh là tài sản lớn của đất nước, có người bảo anh là vua… cuội.

Có người lại bảo nói theo dân gian thì anh chính là Trạng, mấy trăm năm dân Việt mới có được một người, có người lại đùa chê anh suốt đời chỉ mặc được áo quần bộ đội (anh mà mặc complet cà vạt thì… không nhìn được!) …

 


Một hôm, nhân đến sớm trước một cuộc họp, chúng tôi ngồi tán dóc. Trần Đăng Khoa nheo mắt nhìn khắp lượt rồi chỉ vào nhà văn Nguyễn Trí Huân: Trong các bác ngồi đây, em cam đoan chỉ có bác Huân là thọ nhất, chí ít cũng phải ngoài 90!
 
Nhà văn Nguyễn Trí Huân bật lại: Tôi đang bao nhiêu bệnh trong người đây ông có biết không?
 
Rồi Khoa lại nói như đinh đóng cột:
 
Chị Nhàn nhớ hồi ở Nga không? Dạo đó chị Quỳnh cứ mắng em xơi xơi, bây giờ thì sao nào? Chị kể đi…
 
Tôi ngớ ra, dạo đó bọn tôi sang học ngắn hạn ở Học viện Gorky còn Khoa thì học dài hạn những 5,6 năm gì đó. Buổi tối cả bọn hay kéo sang phòng Khoa chơi. Bỗng dưng Khoa nhìn mọi người rồi phán: “Chị Ngọc Tú chuẩn bị khao to đi, chuyến này về, đại hội tới của hội ta, chị sẽ vào Ban Chấp hành đó!’’. Ngọc Tú cười: “Thế nếu không phải thì Khoa khao nhé”, Khoa gật đầu luôn! Nói rồi Khoa quay sang nhà thơ Xuân Quỳnh: - Em nói chị Quỳnh đừng giận, số chị cuối đời hơi vất vả, mà có khi còn bất đắc kỳ tử nữa đấy. Chị phải thật cẩn thận vào. Tôi thấy Quỳnh có vẻ cáu: - Mày có cái miệng độc thế hả? Có im ngay đi không.
 
Nghe nhà thơ Xuân Quỳnh nói vậy, mọi người đều kêu Khoa nói gở, vội lảng sang chuyện khác. Còn Khoa thì gãi đầu thanh minh: - Em chỉ buột miệng thôi. Chị Quỳnh đừng giận nhé!
 
Sau đó, Đại hội nhà văn năm 1989 thì phải, đúng là Ngọc Tú  được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, còn trước nữa, năm 1988, thì Xuân Quỳnh mất đột ngột trong một tai nạn giao thông.
 
Sau khi nghe tôi kể lại chuyện này, mọi người ngồi với Khoa và Nguyễn Trí Huân hôm đó đều rất ngạc nhiên và yêu cầu nhà thơ Trần Đăng Khoa phải phán cho cả bọn. Lúc này thì Khoa lại lắc đầu quầy quậy: “Ấy, em cứ buột miệng thế thôi, chứ bắt em thì em lại chịu!”
 
Đúng là Trạng Trần Đăng Khoa!
 
Năm 1987, tôi cùng 14  “nhà văn trẻ” được sang học khóa cao học ngắn hạn tại Học viện Gorky (Liên Xô cũ). Đến nơi, tất cả được ở chung một “ốp” (nhà tập thể) với nhà thơ Trần Đăng Khoa đang theo học khóa đại học 5 năm tại học viện nổi tiếng này. Tuy đã đến Liên Xô là lần thứ hai nhưng tôi vẫn không thể quen được cái lạnh khủng khiếp của mùa đông Nga, lại càng không quen với đường sá nhà cửa chỗ nào cũng băng tuyết trắng xóa.  Là “ma cũ’’ đã ở hai năm - nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa không hề “bắt nạt ma mới” mà ngược lại, còn rất nhiệt tình giúp đỡ. Trước tiên, phải kể đến món dưa cải muối của anh. Có đi nước ngoài, nhất là xứ lạnh, mới biết Việt Nam mình là đất nước thần tiên. Ôi, sao mà nhớ những phiên chợ với bạt ngàn màu đỏ cà chua, màu vàng đậu đũa, màu xanh của đủ loại rau… Và nhớ làm sao “bát canh rau muống, quả cà dầm tương”… Bởi vì ở Nga, tất cả đều đóng băng trong tủ đá. Mua một tảng thịt lợn hoặc một con gà, trước khi đi học chúng tôi phải để dưới vòi nước xả, may ra lúc về, băng đóng quanh tảng thịt mới tan. Ở được hai, ba ngày đứa nào cũng thèm rau tươi kinh khủng. Và Trần Đăng Khoa, không biết kiếm ở đâu ra, đã bê sang phòng chúng tôi gồm nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú và tôi một bát dưa cải tươi muối xổi. Mắt cả ba chị em sáng lên, hỏi cho bằng được Khoa làm thế nào để có bắp cải tươi, làm sao để có thể muối dưa quá ngon như vậy. Nhà thơ bí mật lắc đầu:
 
Các bà chị cứ ăn đi, em sẵn sàng phục vụ mà!
 
Thực ra, bữa nào chúng tôi cũng muốn sang phòng Khoa xin dưa, song lại ngại. Chắc chắn, Khoa phải đi một chợ rất xa, có thể tận ngoại thành, nơi có rau trồng trong nhà kính, mới kiếm được rau tươi. Ai lại cứ xin Khoa mãi! Biết thế, anh chàng thỉnh thoảng ngó sang cười:
 
Lại dưa chua nhé. Các bà chị đã ngán chưa?
 
Không những thế “ma cũ” này còn giúp chúng tôi nhiều việc như đưa đi mua dây may so, bàn chải… rồi gọi người thay giúp vỏ gối vỏ chăn, gọi giúp taxi và nói họ đưa bọn tôi đi đâu, phải trả bao nhiêu tiền v.v… Nhưng việc quan trọng nhất nhà thơ Trần Đăng Khoa đã giúp mà tôi sẽ không bao giờ quên, là dẫn tôi trong băng giá, đi xe điện ngầm rồi đi bộ đến Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva. Tháng 12 Nga có lẽ là tháng lạnh ghê gớm nhất. Ra khỏi xe điện ngầm, hai chị em chạy lúp xúp cho khỏi lạnh. Người đi đường cũng như chúng tôi, đều lù lù như voi bởi nào ủng, nào mũ lông, áo lông, khăn quấn cổ, găng tay, khẩu trang… trông ai cũng giống ai.
 
Qua cổng Đại sứ quán, Khoa dẫn tôi đến một hành lang vắng ngắt, gõ cửa một căn phòng rồi ghé tai tôi, nói nhỏ:
 
Chị cứ mặc em. Bà tham tán này có lẽ biết em đây.
 
Mời vào.
 
Một giọng ngọt ngào nhưng có vẻ uy quyền cất lên. Khoa khẽ mở cửa, kéo tay tôi vào đứng trước bàn một phụ nữ đẹp. Chị ngẩng lên nhìn hai đứa tôi, chưa ai kịp cởi mũ cởi găng tay nên vẫn như hai cái nấm. Chị thở dài, lắc đầu:
 
Khổ quá. Đã nói mãi với các đơn vị rồi mà họ không phổ biến để các em lặn lội lên đây. Lại xin đăng ký kết hôn phải không? Thôi về đi, thứ tư cơ mà. Hôm nay mới thứ hai, đến khổ!
 
Khoa ra hiệu cho tôi im rồi từ tốn cởi mũ, cởi găng, cười rất tươi:
 
Thưa chị, tôi là Trần Đăng Khoa, còn đây là…
 
Bà tham tán ngạc nhiên đứng lên, mừng rỡ:
 
Ô, nhà thơ Trần Đăng Khoa. Mời ngồi mời ngồi…
 
Hôm ấy, sau khi nghe Khoa trình bày, tôi đã được chị cấp ngay thị thực để sang Bungari thăm người thân vào dịp nghỉ cuối khóa học. Khí trời như dao cắt ở Matxcơva. Cái nắm tay vui sướng của hai chị em khi ra khỏi Đại sứ quán và lời Khoa nói trêu tôi:
 
Phen này có tên chết. Em sẽ phôn sang cho thằng bạn chị ở Bun. Nó sẽ cáu điên và không đi đón. Thế là đố tìm được đứa nào để mà đi đăng ký kết hôn nữa đấy!
 
Ôi tất cả thật tuyệt vời. Và chắc chắn nhà thơ vô tư của chúng ta không nghĩ là tôi còn nhớ, còn biết ơn anh mãi…
 
 Sau chuyến đi học ở Matxcơva khoảng 20 năm, tôi và Khoa hầu như chẳng khi nào có dịp gặp nhau ngoài các cuộc họp, mà ở chỗ đông người, tôi cũng không có điều kiện để chuyện trò gì, vì nổi tiếng như Trần Đăng Khoa thì ở đâu cũng có rất đông người hâm mộ. Mãi đến một ngày mà tôi hồi hộp nhất, vì biết là ngày cuối cùng của cuộc họp xét Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh mà tôi có tên trong danh sách bình chọn, bất ngờ một buổi tối, Trần Đăng Khoa (một thành viên của ban bình xét giải thưởng) gọi điện thoại cho tôi, giọng rất tếu:
 
Bà chị ơi, bà có hy vọng được treo lên cây rồi! (Tôi hiểu là Khoa muốn đùa rằng các vị được giải thưởng này biết đâu, sau này có thể sẽ được đặt tên đường phố, tên sẽ treo trên cây chăng? Mà tên của tôi-Thanh Nhàn-thì xóm liều Hà Nội đã mang từ lâu rồi, bởi nó chỉ là một cái tên như mọi cái tên bình thường khác!).

Nhưng rồi tôi im lặng. Khoa đã rất đúng lúc biết tôi cần điều gì và thông báo rất kịp thời, khiến tôi cảm động không nói nổi một lời cảm ơn. Nhà thơ thần đồng mà tôi ngưỡng mộ từ khi chưa được gặp và chẳng có quan hệ gì thân thiết, nhưng đã để lại  ấn tượng về sự giúp đỡ và quan tâm rất cụ thể, rất chi ly mà có khi những người thân của tôi còn không để ý. Nhà thơ thật tinh tế, sâu sắc. Trần Đăng Khoa... cuội hay Trần Đăng Khoa nghiêm? Có lẽ là… cả hai! Bởi vì thực thì anh cũng rất tếu và hay đùa, một điều mà tôi nghĩ là chỉ những người thông minh và không coi cái gì là quan trọng quá mới có thể làm được.

Theo Phan Thị Thanh Nhàn

An Ninh Thủ Đô

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm