Nhà thơ Vũ Duy Thông: Mỗi năm dành… 2 tháng cho thơ!

02/02/2009 14:26 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Là nhà báo, nhà thơ, nhà quản lý, nhà phê bình, nhà biên kịch phim từng có nhiều giải thưởng, là nhà giáo chăm chỉ ở cả 2 trường đại học, gần đây ông còn… vẽ tranh.
 
>> Nhà thơ Vũ Duy Thông: 40 năm “Bè xuôi sông La”
 
Quá nhiều những đam mê trong cùng một con người khiến người ta tưởng nhà thơ Vũ Duy Thông hình như không còn nhiều thời gian dành cho thơ nữa. Nhưng không, như ông nói, khi thơ đã là máu thịt thì sẽ không bao giờ bị gạt ra khỏi đầu. Giữa trăm công ngàn việc trong suốt 365 ngày, thơ vẫn chiếm của ông trọn vẹn 2 tháng.

* 10 ngày và 1 tập truyện có truyện được đưa vào SGK

Nhà thơ Vũ Duy Thông có một truyện ngắn đã được chọn in trong SGK lớp 3, đó là truyện “Cô chổi rơm hay ghen tỵ”.

Câu chuyện kể về chị Thùy Linh (nguyên mẫu là con gái nhà thơ) rất chăm chỉ việc nhà. Chị Linh dùng cây chổi rơm để quét nhà, cây chổi tre để quét sân, cây chổi cọ cứng hơn thì quét cổng, ai có việc nấy. Làm xong công việc chị thường đem chổi rơm treo lên móc đinh ở góc tường, sau cánh cửa. Cây chổi mới nghĩ rằng, mình làm được bao nhiêu việc mà vẫn cứ bị lấp ở khe cửa thế này ư? Mình xứng đáng được hiện diện cho tất cả mọi người cùng thấy chứ.

Đêm hôm đó, khi cả nhà đã ngủ, chị chổi rơm nhảy ra khỏi đinh treo. Đứng giữa nhà, chị nói thật to để tất cả đồ đạc và con vật nghe thấy, rằng chị là chổi rơm, là người mang lại sự sạch sẽ cho cả nhà này. Nghe tiếng chổi rơm, biết là chị đã tụt khỏi đinh treo, lũ chuột liền xông ra giằng xé, tranh cướp những hạt thóc còn sót lại trên mình chị, làm cho chị rách bươm ra. Trong đau đớn vô cùng, chị chổi rơm hiểu ra rằng vinh quang hay không vinh quang không phải là sự hiện diện trước mặt mọi người mà cái chính là mình làm tròn công việc của mình không. Có khi mình càng phơi mình ra trước thiên hạ thì mình càng chuốc họa vào thân thôi.

Câu chuyện ấy đã dạy cho các em học sinh một bài học sâu sắc về đức tính khiêm tốn, tự biết lượng sức mình.

Truyện ngắn thú vị ấy nằm trong tập truyện ngắn đầu tiên dành cho thiếu nhi của nhà thơ Vũ Duy Thông mang tên “Ai là bạn tốt” (NXB Kim Đồng - 1978). Đây là một tập truyện thiếu nhi khá thành công, đã được tái bản nhiều lần với một số lượng khổng lồ (50 ngàn bản trong lần in đầu tiên, 80 ngàn bản cho lần tái bản thứ nhất…). Thế nhưng, một điều khá bất ngờ là tập truyện ấy chỉ được viết trong vòng 10 ngày.

Một lần, nhà thơ Định Hải, khi đó đang là biên tập viên NXB Kim Đồng rủ nhà thơ Vũ Duy Thông cùng vài văn nghệ sĩ lên Việt Trì chơi. Lúc về, trong khi chờ tàu, ông lang thang vào hiệu sách của nhà ga và mua được một cuốn sách dịch cho thiếu nhi rất vui là “Chú dê con biết đếm đến mười”. Vũ Duy Thông cười rũ và đưa cho nhà thơ Định Hải. Ai dè, Định Hải chẳng thèm nhìn cuốn sách nói luôn: “Mình biết cuốn ấy rồi.” “Nhà” (NXB) mình in đấy mà. Nhà văn ta và ngay cả cậu nữa mà viết có khi còn hay hơn nhiều!” . Nghe thế, nhà thơ Vũ Duy Thông chợt nghĩ, vậy thì tại sao ta lại không viết thử nhỉ? Lại thêm sự ủng hộ của nhà thơ Định Hải, vậy là, về Hà Nội ông bắt tay vào viết.

Hồi ấy nhà thơ còn ở một căn buồng tối tăm và hôi hám vì cống nhà hàng xóm trong khu tập thể nhà lá ở dốc Thọ Lão, nơi mà nhà thơ Bằng Việt có lần đến đã gọi là “nơi tận cùng của thế giới”. Trong căn buồng quây cót mục ẩm thấp ấy, “Ai là bạn tốt” đã ra đời với sự động viên vô cùng đặc biệt của nhà thơ Định Hải.

“Sáng nào cũng vậy, nhà thơ Định Hải đều đạp xe đạp đến gõ cửa: “Đâu, truyện hôm qua viết đâu, đưa cho tớ”. Ông đọc ngay, gật gù, cất truyện vào cặp rồi đi thẳng, ít khi nói thêm câu nào. Vậy là tôi cứ phải viết để đưa cho ông. Truyện nào được thì được ngay, truyện nào chưa được là bỏ luôn. Cứ thế, đúng mười ngày thì viết vừa đủ. Ông Định Hải nhanh chóng làm các thủ tục để có thể cho in luôn. Thế là tôi có tập truyện đầu tiên và bắt đầu viết cho thiếu nhi từ đấy” - nhà thơ Vũ Duy Thông tâm sự.

* 30 ngày và 1 tập thơ có 2 bài được đưa vào SGK

Cũng bắt nguồn từ sự hối thúc từ phía NXB Kim Đồng mà trong một tháng, nhà thơ Vũ Duy Thông đã hoàn thành một tập bản thảo 20 bài thơ. Ông kể: Bên NXB Kim Đồng nói cần in một tuyển tập thơ và đề nghị tôi nộp bản thảo cho họ. Thế là một tháng sau tôi nộp bản thảo 20 bài thơ thiếu nhi!”

Dù được viết trong những khoảng thời gian khá ngắn, nhưng trong tập thơ có đến 2 tác phẩm được chọn giảng cho học sinh: Bài thơ “Suối” – dành riêng cho học sinh miền núi, và bài thơ “Bé làm phi công” SGK lớp 3:


Nhà thơ Vũ Duy Thông

Quay quay quay quay  
Bước vào buồng lái
Bé làm phi công
Quay quay quay quay
 
Máy bay lên trời
Cách xa mặt đất
Ào ào gió lốc
Hồ nước lùi xa 
Ngôi nhà hiện ra
Ôi sao nhớ mẹ
 
Rồi quay tay lái
Bé sà xuống ngay
Ùa vào lòng mẹ
Mẹ là sân bay.

(Bé làm phi công, SGK Tiếng Việt 3, bộ mới)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phan Thanh Nam phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

* Và 1 năm… 2 tháng dành cho thơ

“Vì cùng một lúc tôi có rất nhiều những đam mê khác nhau – ông tâm sự - nói cách khác là phải làm rất nhiều việc, nên phải phân thời gian ra. Đối với thơ, một năm chỉ được phép dành cho nó chừng 2 tháng, thường là các tháng trước tết vì tôi cho rằng chỉ dịp nghỉ tết, đọc báo tết, người ta mới có thì giờ rảnh để đọc thơ.

Nhà thơ Vũ Duy Thông hiện có tròn 50 đầu sách, chưa kể sách tái bản, kịch bản phim và sân khấu trong đó 4 tác phẩm đã được chọn vào SGK.

Trong khoảng hai tháng ấy, tôi toàn tâm toàn ý cho thơ, mọi việc khác đều là phụ. Tất cả những tứ thơ, cảm xúc thơ tích lũy được suốt một năm phải được viết ra thành bài thơ cụ thể. Vì thế, chỉ trong chừng hai tháng, tôi có thể làm khoảng hai chục bài, có khi hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là được viết ẩu. Ông còn nói vui: Khi in tập, tôi rất ngại đề ngày tháng dưới mỗi bài vì như thế người đọc sẽ phát hiện năm nào cũng vậy, thơ chỉ được viết trong khoảng ít tháng. Tuy nhiên theo ông, viết dồn vào một thời điểm cũng có cái lợi, đó là cách viết này buộc người ta phải cố gắng để tạo được mạch thơ, tư duy thơ mới so với năm trước, tức là phải tự đổi mới chính mình, không lặp lại hoặc kéo dài quá lâu những gì đã có, điều này rất khó khi viết lai rai, đều đặn”.
 
(*) Xem kỳ 1 trên TT&VH số ra ngày 18/1
 
Yên Khương

Kỳ 3 (Chủ Nhật, 8/2): Chẳng có trại viết nào dành cho SGK

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm