Nhà thơ Vũ Thiên Kiều: 'Dưới 18 tuổi, đừng đọc 'Đói những ngọn môi'

26/07/2015 12:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Gặp nhà thơ Vũ Thiên Kiều khi chị vừa có cuộc trò chuyện với sinh viên Đại học Văn hóa (Hà Nội) về đời sống văn chương trẻ và giới thiệu tập thơ mới Đói những ngọn môi (Nxb Hội Nhà văn).

PV Thể thao & Văn hóa đã trò chuyện với nhà thơ Vũ Thiên Kiều về những bí mật xoay quanh tập thơ chỉ dành cho người lớn với lời nhắn nhủ, khuyến cáo đầy thú vị và cám dỗ: “Dưới 18 tuổi đừng đọc Đói những ngọn môi”.

Bản giao hưởng bằng... môi, cho người lớn

* Vì sao phải cấp “quota độc giả” cho Đói những ngọn môi, điều đó là cần thiết hay chỉ là cách “chiêu trò” để PR cho một tập thơ?

- Đó là bình luận của nhiều người bạn khi tôi đưa những bài thơ trong tập lên mạng xã hội. Họ chia sẻ và có “chống chỉ định”, đòi tập thơ phải có hạn ngạch, cho phép số lượng độc giả được “nhập” vào.

Bị mạng xã hội “xô đẩy”, cụ thể là “anh” facebook, tôi phải theo chứ biết làm sao, mọi chuyện đều vui mà, kiểu như “đừng nên yêu hoa hậu”. Nhưng nói vậy chắc gì đã vậy. Chẳng phải cái đẹp là một sự cứu rỗi, một thời người ta yêu hoa hậu đến nỗi trong ví đàn ông còn găm theo bức ảnh mấy cô người đẹp.


Nhà thơ Vũ Thiên Kiều

* Đói những ngọn môi, được giới thiệu một cách khá kín và bất ngờ, dường như chị muốn “đóng cửa” với báo giới?

- Có họp hành ban bệ, tập huấn nghiệp vụ hay cửa ngõ gì đâu mà rào với đóng. Văn chương cũng như hoa trái vậy, càng nhiều hơi thở con người, càng lên màu và càng mau chín đỏ, đó là sự sống.

Chẳng qua, tôi muốn dành cho các bạn sinh viên một ngày trọn vẹn đúng nghĩa “ngày rộp đói những ngọn môi hỷ xả/ một nắm đạm thương rên rẩm nhớ”, cũng là phương cách chúng ta tôn trọng tuổi trẻ. Theo cách nói của nhà văn Võ Thị Xuân Hà là “hãy biết nghiêng mình trước tương lai”.

* Con người có nhiều “cơ quan” gợi cảm hơn chứ, “ngọn môi” thì có gì hấp dẫn để chị “đói” bằng cả một tập thơ nhỉ?

- Thơ ca không nên xoa đều, bày ra dần sàng để đo đếm thơ bằng yếu tố số học hay sinh học. Trong thế giới mini mỗi người, ai cũng tìm cho mình những biểu tượng để chiếm đoạt, sở hữu và tín ngưỡng. Có người thơ làm cả tập thơ về mắt, tóc, đôi chân và những ngón tay đấy thôi. Cá nhân tôi khao khát gửi đến độc giả người lớn bản giao hưởng bằng môi…, đó là tình yêu, là khát vọng, cũng là giọng nói thơ ca của tôi.


Bìa tập thơ “Đói những ngọn môi”

Cái đẹp là suối nguồn bất tận

* Bén duyên với nhiều giải thưởng văn học “sang chảnh”, nhiều người bảo chị là một “ca” lạ từ văn chương dân gian bước tới?

- “Ôi, thần linh ôi”, lạ lẫm gì đâu. Tôi chỉ là một công dân bình thường, lao động bình thường và làm thơ cũng bình thường nốt. Không nên “ca cốc” hóa hoặc dị hóa một điều gì cả. Mọi so sánh đều sóng sánh, nên việc giữ bàn chân mình dưới mặt đất đối với những người thơ là rất khó.

Nhiều người nghĩ mình là thần tiên dạo chơi trong khu vườn bí mật của hạ giới, tôi cũng vậy và đôi bận tự trào là có khi mình đang “ngáo thơ” cũng nên. Thực sự, lòng mình có tình, có thơ, là có tất cả, lúc đó bản thân đã đội vương miện bất hủ rồi. Cần chi phải đeo đẳng những hào quang phù hư được tô điểm, như vậy bước đi nặng lắm, mà phụ nữ thường dễ bay và dễ ngã.

* Chị ghét nhất điều gì trong thơ trẻ hoặc ai đó trong làng văn?

- Những ai làm trường ca tôi đều... ghét cay đắng (cười). Vì họ tài lắm, thơ dài dằng dặc, cỡ mấy chục cái đòn gánh. Thơ gì liên tu bất tận, ầm ào như sóng bể, rầm rập như đi hành quân, người yếu ớt nghe xong có khi bay mất mấy vía.

Mà tôi cũng sẽ bắt chước, sắp tới sẽ ra mắt một tập trường ca về hải đảo. Kệ thôi, đấy là sự mâu thuẫn dịu dàng, có khi mình ghét chính mình nhất cũng nên.

* Nhà phê bình văn học Inrasara trong cuốn “20 gương mặt thơ nữ đương đại” gọi chị là “kẻ khát yêu và thèm tình”, chị có muốn cải chính không?

- Bổn tính của văn chương là tình. Điều vô tư, sự vô tâm, cái vô tình sẽ giết chết cảm xúc, lòng đam mê và những điều tốt đẹp trên thế gian. Như vậy, làm sao có thể hoài thai và tạo hình, xây vuốt những tác phẩm hay hoặc giá trị đích thực.

Nếu không khát yêu và thèm tình, tôi nghĩ đó là một lỗ hổng buồn. Và thiếu khuyết đó như một sự vô lễ với cuộc sống, với bản thân và với văn chương đích thực.

* Thông điệp trong Đói những ngọn môi mà chị muốn gửi đến độc giả?

- Hãy thèm cái đẹp, đói cái tình, khát cái thật, ham đời sống, yêu lý tưởng, đó là suối nguồn bất tận, trong trẻo và lành mát muôn đời của chúng ta.

Khúc Link Hương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm