Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng: Thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt

28/03/2018 19:10 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 28/3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà trưng bày Hoàng Sa (nằm trên đường Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng).

Nhà trưng bày Hoàng Sa khởi công xây dựng ngày 7/12/2015 với tổng mức đầu tư 43,3 tỷ đồng, thuộc công trình nhóm B, cấp II; được xây dựng trên tổng diện tích đất 1.269 m2, diện tích sàn xây dựng là 1.824m2. Công trình có chiều cao 18,2m2 với thiết kế 4 tầng. Công ty Kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) làm tư vấn thiết kế công trình.

Chú thích ảnh
Cắt băng khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Nhà trưng bày Hoàng Sa là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện Hoàng Sa, là thiết chế văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt; là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhà trưng bày Hoàng Sa tổ chức trưng bày tư liệu, hình ảnh theo 5 chủ đề: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời Nguyễn (1802 – 1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 – 1974; Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam  đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề, có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Nhưng có thể nói rằng, không có nơi nào trên cả nước phù hợp hơn thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng nhà Trưng bày Hoàng Sa, bởi khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần sáu chục năm qua thì xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ Biển Đông là hợp tình hợp lý.

Chú thích ảnh
 Nhà Trưng bày Hoàng Sa trong ngày khánh thành. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Điều đặc biệt là Nhà trưng bày Hoàng Sa được kiến trúc sư thiết kế có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” (thời nhà Nguyễn). Ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Đồng thời chứng tỏ Việt Nam đã có quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thời các chúa Nguyễn. Trong đó, việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập Hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này.

Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức mở cửa, đón tiếp người dân và du khách ngay sau Lễ khánh thành. Thời gian mở cửa buổi sáng từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, từ thứ Hai đến thứ Sau hàng tuần.

Chú thích ảnh
Tuổi trẻ Đà Nẵng tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Chú thích ảnh
Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Chú thích ảnh
Khách tham quan Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

 

Tư liệu Hán Nôm nguyên bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Tư liệu Hán Nôm nguyên bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát hiện cuốn sách Giao châu dư địa chí, được viết lại theo cuốn của Trương Phụ Mộc Thạch đời nhà Minh (Trung Quốc) cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

                                                      Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm