04/10/2015 12:00 GMT+7 | Phim
(lienminhbng.org) - Marcus Mạnh Cường Vũ là Chủ tịch và Trưởng ban tuyển phim của YxineFF trong 5 năm, đồng thời anh cũng tham gia tuyển chọn phim (đặc biệt phim ngắn) cho một vài liên hoan khác. Với kinh nghiệm quốc tế của mình, anh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về việc đưa phim Việt đến với Oscar.
“Tôi nghĩ chúng ta nên tư duy về việc phát triển nội lực ngành điện ảnh, và việc quảng bá điện ảnh ra quốc tế một cách bài bản. Các giải thưởng, sớm hay muộn, sẽ tự khắc đến khi nỗ lực đúng mức” - Marcus Mạnh Cường Vũ bắt đầu câu chuyện.
* Với kinh nghiệm của anh, anh có nghĩ điện ảnh Việt Nam có cơ hội tại một giải như Oscar không?
- Chúng ta nên nhìn từ nhiều góc độ. Thực tế điện ảnh Việt Nam hiện quy mô còn nhỏ, chưa định hình được cái tên trên trường thế giới. Cả năm chúng ta chưa sản xuất ra nổi 100 phim, trong khi đó phần lớn phim được sản xuất nghiêng hẳn về yếu tố thương mại, thiếu sự đầu tư về mặt nghệ thuật và những đề tài gai góc.
Đấy là chưa kể vấn đề tài năng và tạo điều kiện phát triển tài năng. Không có tài năng nào tự dưng sinh ra và thành công ngay, ít nhất cái cây phải được chăm bẵm nuôi dưỡng và tạo điều kiện mới có thể vươn tán rộng và đủ tầm tỏa bóng mát.
Nhìn từ Hollywood, Oscar là một cuộc đua tranh thực sự với những thế lực tầm cỡ đứng sau làm công tác “vận động hành lang” cho phần lớn các bộ phim, không loại trừ các bộ phim tranh giải “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.
Tại kỳ Oscar mới đây nhất, một bộ phim tuyệt vời của điện ảnh Thụy Điển là Force Majeure dù được vào vòng 9 phim nhưng cuối cùng đã không lọt được vào vòng chung kết 5 phim đề cử. Tôi còn nhớ mãi cảnh ghi lại đạo diễn và sản xuất của phim ngóng tin đề cử từ một phòng khách sạn tại New York. Họ đã cố gắng hết sức để quảng bá bộ phim nhưng cuối cùng vẫn không được vào vòng chót. Đạo diễn khóc òa lên và thực sự suy sụp.
Đấy là ta đang nói về Thụy Điển - một nền điện ảnh lâu đời và đáng ngưỡng mộ.
Cơ hội dành cho tất cả mọi người, nhưng trong trường hợp này thì một số người có cơ hội lớn hơn. Việt Nam, rất tiếc, hiện chưa nằm trong nhóm ít đó.
* Vậy thì để có lộ trình và triển vọng đến với Oscar - không thể chờ đến giai đoạn “chọn phim gửi đi rồi mới nhảy” - chúng ta nên chuẩn bị những gì?
- Theo tôi có hai việc cần làm ngay. Một là, một quỹ hỗ trợ điện ảnh cần được ra đời và hoạt động hiệu quả, với phần tập trung hỗ trợ những tác phẩm ít tính thương mại và dám đi vào những đề tài khó nhằn, đặc biệt tập trung vào việc phát triển và nuôi dưỡng tài năng trẻ.
Sự hỗ trợ này có thể ở nhiều giai đoạn, từ kịch bản, sản xuất, đến phát hành hay các chương trình tìm kiếm và phát triển tài năng. Hai là, cần có một chính sách đưa phim Việt Nam ra nước ngoài, từ việc tham dự liên hoan phim quốc tế tới việc hỗ trợ phát hành và quảng bá ở nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn, các liên hoan phim danh giá.
* Riêng việc chọn phim gửi đi, dù đến sau khi phim đã có, nhưng theo anh có quan trọng không?
- Nếu như có phim hay là điều kiện cần, thì việc chọn phim phù hợp gửi đi tham dự là điều kiện đủ để một đại diện Việt Nam có cơ hội được vào trường đấu quốc tế. Do đó việc chọn phim rất quan trọng.
Tôi thấy cách chọn phim Việt Nam gửi đi dự Oscar nhiều năm qua ít tính đến yếu tố “bên ngoài” mà thiên về yếu tố “bên trong”. Yếu tố bên ngoài ở đây là việc bộ phim có được nhắc tới ở quốc tế trong năm vừa qua hay không? Bởi vì việc đã có mặt và có tên ở thế giới hỗ trợ rất nhiều cho việc quảng bá, vốn rất tốn kém và khó khăn.
Một bộ phim như Trúng sốdù có thể hay và thành công ở thị trường trong nước, tuy nhiên dường như không ai biết đến bộ phim ở trường quốc tế. Trong khi đó, các bộ phim như: Đập cánh giữa không trung, Cha và con và…, hoặc Dịu dàng là ba trong số những cái tên nổi bật nhất đến từ Việt Nam trong vòng một năm qua tại các LHP quốc tế.
Tôi đi nhiều nơi, gặp các đồng nghiệp, hầu như họ chỉ nhắc đến các bộ phim kiểu như thế này. Một bộ phim đại diện quốc gia tham dự một giải thưởng như Oscar không thể nằm ngoài quy luật chung, đó là cần được biết đến ở thế giới trước khi nó được nước nhà gửi đi.
* “Gu” chấm phim của Oscar có đoán được không?
- Thật ra không quá khó để đoán được sự ưu ái của họ trong việc chấm giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Có khá nhiều lý thuyết giải thích việc này, ví dụ như phần đông các thành viên bỏ phiếu khá già, nên gu phim phải phù hợp với người già, hay việc các phim có liên quan đến thế chiến thứ Hai, đặc biệt là tội ác của phát xít Đức sẽ dễ được quan tâm và đánh giá cao hơn. Tuy thế, dự đoán nào cũng có phần xác suất sai sót, và Oscar không phải là ngoại lệ.
* Nhìn lại điện ảnh Việt từ đầu thế kỷ 21 đến nay, anh nghĩ chúng ta đã có những phim nào có màu, có chất của Oscar?
- Tôi nghĩ chưa có bộ phim nào đủ chất được giải Oscar. Lý do tôi đã nói ở trên.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất