Nhà văn Anh Đức: Người của 'địa linh nhân kiệt'

23/08/2014 07:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Tỉnh An Giang sinh ra nhiều văn  nghệ sĩ, trong đó có những người tài như: nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Anh Đức và bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng - bộ trưởng Y tế đầu tiên của cách mạng.

Một trong những người tài đó - nhà văn Anh Đức - vừa qua đời vào lúc 21h15 ngày 21/8, tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM.

1. Nhà văn Lê văn Thảo cho biết, trong tỉnh An Giang quê mẹ của ông, ông và các nhà văn, nhân sĩ trí thức nêu trên, cả năm người đều đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, ngoại trừ bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, những người còn lại đều đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhà văn Anh Đức, tên khai sinh Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại An Giang, ông tham gia cách mạng khi còn trẻ. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trước đó, ông từng đoạt giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ (1958) và giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965)…

Nói đến nhà văn Anh Đức, nhiều thế hệ người đọc sẽ nhớ đến nhân vật Chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên. Phim Chị Tư Hậu được chuyển thể từ truyện Một chuyện chép ở bệnh viện được nhà văn Anh Đức viết vào năm 1958. Nhân vật Chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất viết vào năm 1966 cũng là một nhân vật gắn liền với tên tuổi nhà văn Anh Đức. Hòn Đất đã được dựng thành phim và còn là tác phẩm được học trong sách giáo khoa. Ngoài Hòn Đất, nhà văn Anh Đức còn có các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, như: Giấc mơ ông lão vườn chim, Bức thư Cà Mau.

Không chỉ sáng tác, nhà văn Anh Đức còn gắn liền cuộc đời mình trong công tác quản lý, với các chức vụ: Tổng biên tập báo Văn nghệ giải phóng, Tổng biên tập tạp chí Văn và là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM nhiều khóa liền.

2. Nhà văn Anh Đức, tương truyền là “học trò” của nhà văn Đoàn Giỏi, tác giả Đất rừng Phương Nam. Nhà văn Đoàn Giỏi phát hiện ra tài năng văn chương của nhà văn Anh Đức, và Đoàn Giỏi đã giúp để nhà văn Anh Đức phát huy tài năng tiềm ẩn của ông.

Trong hành trình văn chương, nhà văn Anh Đức (tên thật Bùi Đức Ái) gắn liền với nhà thơ - anh hùng liệt sĩ Lê Anh Xuân, cả trong văn chương và ngoài đời.

Chuyện rằng: Nhà thơ Lê Anh Xuân sinh năm 1940 tại Bến Tre trong một gia đình trí thức yêu nước, năm 1954 tập kết ra Bắc, Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến. Bút danh Lê Anh Xuân do ông lấy chữ lót tên của mình cộng với chữ lót tên người yêu và chữ đầu bút danh của một người bạn thân: nhà văn Anh Đức và Bùi Xuân Lan. Đặc biệt, Bùi Xuân Lan là em của nhà văn Anh Đức; nên bút danh Lê Anh Xuân càng thêm nghĩa tình khắn khít. Ca Lê Hiến đã từ giã người yêu - từ giã tình riêng một cách nhẹ nhàng - để vào Nam chống Mỹ vì một mối tình lớn lao hơn: tình non nước, để trước ngày ông mất có bài thơ Dáng đứng Việt Nam “tạc vào thế kỷ”. Thế nhưng, mối tình với Bùi Xuân Lan luôn hiện diện trong tâm hồn chàng trai Ca Lê Hiến qua bút danh Lê Anh Xuân có dáng hình bạn mình: Anh Đức.

Riêng chàng trai Bùi Đức Ái, cũng gắn với bạn mình Lê Anh Xuân bằng bút danh Anh Đức. Bút danh Anh Đức có từ tình cảm bạn bè, đồng chí, do gộp từ hai chữ lót Anh trong Lê Anh Xuân và tên thật Bùi Đức Ái mà thành Anh Đức.

Với những nhân vật do nhà văn Anh Đức “sinh ra”, thì những “Chị Tư Hậu”, những “Chị Sứ”… điều đó đủ để khẳng định ông là nhà văn lớn của văn học cách mạng Việt Nam.

H. Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm