Nhà văn 'Áo Trắng' Đoàn Thạch Biền: Viết về những gì tươi đẹp nhất của cuộc đời

07/04/2016 13:17 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - NXB Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam book vừa ấn hành cuốn sách “2 trong 1” Chao và Mùa hè khắc nghiệt của Đoàn Thạch Biền. Cuốn sách được in khá đặc biệt vì bìa trước hay bìa sau đều là trang bìa 1. Đây là sự trở lại của Đoàn Thạch Biền sau nhiều năm ông không viết tác phẩm mới.

Chao gồm 8 truyện ngắn viết về tình yêu trong sáng nhẹ nhàng như mưa chưa kịp thấm đất, như sương đọng trên lá hoa. Mùa hè khắc nghiệt là truyện dài vẫn với văn phong hóm hỉnh và lời thoại khiến người đọc bật cười ý vị.

Các nhân vật trong truyện Đoàn Thạch Biền vẫn như xưa nay, người nữ luôn xưng em và gọi người nam là ông. Cách xưng hô “ông - em” tạo thành nét riêng không lẫn vào đâu trong các tác phẩm của Đoàn Thạch Biền mà người đọc nhiều thế hệ tìm thấy ở các tập truyện: Ví dụ ta yêu nhau, Những ngày tươi đẹp, Đừng đốt cháy bông hồng, Tôi thương mà em đâu có hay, Tình nhỏ làm sao quên, Tôi hay mà em đâu có thương…

Lời thoại luôn được Đoàn Thạch Biền chú trọng để dẫn dắt câu chuyện. Đây cũng là thế mạnh của Đoàn Thạch Biền khi ông có nghề biên kịch và đã đem nghề này vào văn chương.


Nhà văn Đoàn Thạch Biền ký tên lên sách mới tặng bạn đọc

Trước 1975, Đoàn Thạch Biền (khi đó ký tên Nguyễn Thanh Trịnh) học biên kịch từ thầy Vũ Khắc Khoan – một nhà biên kịch hàng đầu khi đó. Cùng học thầy Khoan với ông Biền, còn có nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và đạo diễn Lê Cung Bắc. Nhưng dòng đời luôn thay đổi, đến nay ông Biền thành danh với vai trò nhà văn, Phạm Thùy Nhân học đạo diễn thì thành nhà biên kịch, còn Lê Cung Bắc học diễn viên thì giờ kiêm thêm nghề đạo diễn.

Dù thành danh trong vai trò nhà văn nhưng thời kỳ đầu Đoàn Thạch Biền vẫn chứng tỏ khả năng biên kịch của mình. Năm 1973, giải thưởng văn học nghệ thuật hàng năm của miền Nam bấy giờ đã trao giải lĩnh vực biên kịch cho Đoàn Thạch Biền với tập kịch văn học Một buổi tập kịch.

Năm đó, nhà thơ Phạm Thiên Thư đoạt giải với tập “hậu Kiều” Đoạn trường vô thanh. Giám khảo cuộc thi này gồm nhiều trí thức, văn nghệ sĩ uy tín, trong đó có nhà văn Sơn Nam chấm giải.

Duyên biên kịch không chỉ song hành cùng Đoàn Thạch Biền trong các truyện ngắn, truyện dài của ông. Chính ông đã chuyển thể truyện Tình nhỏ làm sao quên được đạo diễn Ván bài lật ngửa Lê Hoàng Hoa dàn dựng thành phim và đưa tên tuổi Mỹ Duyên thành sao. Tình nhỏ làm sao quên đã đoạt hai Huy chương vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 tại Hải Phòng vào năm 1993. Riêng Đoàn Thạch Biền không có giải nào dù ông là tác giả truyện và kịch bản của phim này.

Như đã nói, các truyện của Đoàn Thạch Biền viết về tình yêu nhẹ nhàng như mưa chưa thấm đất, như giọt sương đọng trên cành lá. Có lẽ, ông có thời gian làm nghề dạy học, tiếp xúc nhiều với lứa tuổi học trò nên chỉ muốn viết về những gì tươi đẹp nhất của cuộc đời.

Thời đất nước mở cửa, Đoàn Thạch Biền vừa làm báo vừa làm thêm tuyển tập văn chương Áo Trắng ra định kỳ hàng tháng. Áo Trắng của ông Biền tạo thành sân chơi cho các cây bút tuổi học trò, sinh viên và những người viết còn mơ mộng tuổi hoa. Có lúc, Áo Trắng in đến cả trăm ngàn bản, tạo thành các gia đình áo trắng ở các tỉnh thành với không khí sinh hoạt văn chương thật đông vui.

Nhắc thế để thấy, Áo Trắng còn là một đóng góp của ông Biền vào đời sống văn chương hiện nay với nhiều tác giả từ lò Áo Trắng đã trưởng thành; cũng như ông góp phần mình vào văn chương Việt bằng tác phẩm vậy.

Nghề biên kịch của Đoàn Thạch Biền còn thể hiện qua lời thoại trong giao tiếp hàng ngày đầy hóm hỉnh, nói chuyện với ông Biền thế nào cũng có những trận cười sảng khoái.

Nhà báo, nhà thơ Đinh Thu Hiền trong một lần phỏng vấn ông Biền, kể: “Tôi ngồi trò chuyện với Đoàn Thạch Biền: “Anh kể về bản thân mình đi”. Anh cười hồn nhiên: “Mẹ tôi nói tôi có đôi mắt ốc bươu. Thầy tôi nói tôi sống chui mình vào vỏ ốc. Bạn bè tôi nói tôi chơi nhạt như nước ốc. Cũng may, còn có một số phụ nữ thích ăn bún ốc”. Theo ngôn ngữ của dân chat trên mạng bây giờ, tôi cười hihi, và chẳng biết nói lại làm sao với ngôn ngữ hóm hỉnh của anh”.

Nhận thấy giá trị từ các tác phẩm của Đoàn Thạch Biền, cách nay mấy năm, Phương Nam book đã mua bản quyền xuất bản độc quyền nhiều tác phẩm của ông. Sắp tới, hai cuốn Sắc như mắt Phượng và Buổi chiều gió và những vật cũ của Đoàn Thạch Biền sẽ được Phương Nam book trình làng.

Đây là tin vui cho những ai yêu thích dòng văn chương dùng lời thoại dẫn câu chuyện kiểu Đoàn Thạch Biền. Nhà văn nông dân Ngô Phan Lưu từng nói: “Tôi mơ ước viết một tác phẩm chỉ toàn thoại giữa các nhân vật, ở đó nhà văn không cần thêm bất cứ đoạn dẫn chuyện nào hết”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm