01/06/2021 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ra mắt hồi trung tuần tháng 11/2020, tác phẩm Đi trốn của nhà văn Bình Ca được nhiều bạn đọc đón nhận và được người trong nghề đánh giá là một tác phẩm chân thực, vạm vỡ, không ai có thể nghĩ được, làm được, nếu không có nhiều trải nghiệm - cho dù Đi trốn là tiểu thuyết, tức thể loại hư cấu.
Tác giả có cuộc trò chuyện nhân dịp Đi trốn được đề cử Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 - 2021 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Nhu cầu tìm “một tấm vé đi tuổi thơ”
* Thưa nhà văn Bình Ca, mảng đề tài văn học yêu thích nhất của ông là gì?
- Tôi sinh ra trong một khu gia binh, lớn lên trong chiến tranh, bản thân trải qua 20 năm quân ngũ. Cha tôi, cố nhà văn Hữu Mai, cũng là người đã dành cả cuộc đời mình cho những trang viết về chiến tranh. Vì vậy những câu chuyện về chiến tranh luôn ám ảnh tôi. Cả Quân khu Nam Đồng và Đi trốn của tôi đều viết về chiến tranh, thông qua câu chuyện những đứa trẻ ở miền Bắc - mảng đề tài hầu như đã bị văn chương nước nhà bỏ quên.
* Mặc dù bối cảnh là cuộc sống thời chiến ở miền Bắc, nhưng 2 sáng tác của ông đều viết về những thanh thiếu niên. Phải chăng tuổi thơ cũng là đề tài yêu thích của ông?
- Sau Quân khu Nam Đồng, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có nói với tôi: "Hiện nay những người viết truyện cho thiếu nhi ở Việt Nam không nhiều, và miền Bắc lại càng ít, nên tôi rất muốn anh dành thời gian cho đề tài này". Nhưng tôi biết khả năng của mình. Tôi không có kiến thức sư phạm, không có điều kiện để tiếp xúc và hiểu thế giới trẻ thơ, cũng chẳng có một tâm hồn trong veo như anh Ánh. Tôi sợ mình sẽ ngô nghê khi viết về những gì mình không thạo, sẽ không tả được các em đúng tuổi, đúng thời. Vì vậy, tôi cám ơn anh Ánh. Tôi không phải “Lão Ngoan Đồng” như anh ấy, nên chắc chắn sẽ thua trắng khi chơi búng bi, đánh khăng hay ô ăn quan với trẻ em.
* Nếu đã nói vậy, tại sao ông lại viết “Đi trốn”, một câu chuyện thiếu nhi?
- Khi Quân khu Nam Đồng ra đời, rất nhiều bạn từ các "Quân khu" khác từ các trại sơ tán ngày xưa như trại Nhi đồng Miền Bắc, Trường Học sinh Miền Nam, kể cả các anh chị trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi... liên lạc với tôi. Họ hỏi nếu tôi có ý định viết về thời ngày xưa của họ, họ sẽ cung cấp tư liệu, chỉ cần hay như Quân khu Nam Đồng là được.
Rất nhiều người không chờ tôi đồng ý đã gửi tới cả ngàn trang tư liệu. Không ngờ nhu cầu tìm một tấm vé trở về tuổi thơ của các cụ già còn mãnh liệt hơn cả các bé hàng đêm muốn nghe ông bà kể chuyện cổ tích. Tôi đang có sẵn cả kho truyện "ngày xưa", đằng nào mùa Covid-19 cũng chẳng biết đi đâu, nên tặc lưỡi viết thêm truyện nữa. Tính tôi hay cả nể.
* Ông có nhiều sự lựa chọn như vậy, tại sao lại chọn viết về Trại Nhi đồng Khe Khao?
- Vì đó là nhà trẻ đầu tiên, các nguyên mẫu ở trại này già nhất, nếu càng để lâu sẽ càng bớt đi. Ngoài ra, vì có vài độc giả nhận xét Quân khu Nam Đồng yêu đương và đánh nhau hơi nhiều, nên lần này tôi chọn một cách thể hiện khác, không viết về yêu đương và đánh nhau nữa. Muốn vậy, các nhân vật phải thật bé.
Điều khiến tôi bất ngờ là các nguyên mẫu trong truyện, dù mắt mờ chân chậm, dù đã có cháu nội, ngoại đi lấy vợ lấy chồng, vẫn kể vanh vách về một thời xa lắc, xa lơ như nó vừa mới xảy ra ngày hôm qua, chính xác tới từng chi tiết. Khi viết xong, tôi đưa bản thảo cho cụ trưởng ban liên lạc của Trại, nhờ các cụ góp ý. Các cụ không chỉnh sửa gì nhưng giận, vì tôi đã cắt đi quá nhiều chuyện hay của các cụ. Mà đúng là toàn chuyện hay thật... Tôi phải hứa nếu sau này có điều kiện, tôi sẽ kể tiếp về các cụ trong một câu chuyện khác, các cụ mới tạm nguôi.
Dẫn các em vào thế giới của những điều hồn nhiên, tử tế
* Theo ông, khi viết một tác phẩm văn chương cho thiếu nhi cần lưu ý những điểm gì so với viết cho người lớn?
- Tôi nghĩ đôi khi rất khó phân biệt đâu là ranh giới một cuốn truyện viết cho thiếu nhi hay cho người lớn. Chúng ta có thể kể ra vô số cuốn truyện không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng vô cùng thích thú như Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London, Không gia đình của Hector Malot, Harry Potter của J. K. Rowling hay Đất rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi...
Có nhiều cuốn truyện thiếu nhi nhưng các nhân vật đều là người lớn và ngược lại. Hai cuốn sách của tôi cũng vậy, dù các nhân vật chính là trẻ em, nhưng dải người đọc luôn có cả trẻ em và người lớn, và hình như người lớn đọc nhiều hơn.
* Tôi có đọc ở đâu đó rằng truyện của Bình Ca hơi bạo lực? Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Cũng không hẳn thế... Trong Đi trốn thì không có bạo lực rồi, vì các bạn ấy có ai đánh ai đâu, thậm chí gặp những thứ có thể cắn chết mình như hổ mang chúa cũng không nỡ giết...
Nhà thơ Văn Công Hùng còn khuyên tôi nên cho các nhân vật... yêu nhau. Ông bảo tuy cũng... hơi sớm, nhưng trong khung cảnh đẹp thần tiên, trước những rung động đầu đời trong trẻo, nồng nàn như thế, không yêu thì phí quá. Còn Quân khu Nam Đồng, biên tập viên Hoàng Anh cũng bàn với tôi xem có nên cắt bớt một vài cảnh đánh nhau hoặc giảm bớt một "tông" không? Nhưng sau khi trao đổi, chúng tôi thống nhất vẫn giữ nguyên. Viết về chuyện "quân khu" mà không đánh nhau hay thỉnh thoảng mới đánh khẽ một cái thì còn gì là "quân khu".
Tôi có tham dự một cuộc trao đổi với các bà mẹ cùng con trai về Quân khu Nam Đồng. Rất nhiều người nói họ không thấy con trai mình bị ảnh hưởng khi đọc các vụ đánh nhau trong truyện.
* Ông có nghĩ trẻ con bây giờ khác trẻ con ngày xưa, nên những chuẩn mực về giá trị trong văn học thiếu nhi trước kia chưa chắc đã là hay, là đúng với trẻ bây giờ. Chính vì thế, viết về trẻ em cũng cần có sự tìm tòi, đổi mới?
- Chẳng cứ gì văn học thiếu nhi, mọi thứ trong cuộc sống đều không ngừng vận động, phát triển và nhiều thứ cần thay đổi để tạo lập một sự cân bằng mới. Nhưng theo tôi, nếu như ai đó bắt đầu một trang viết cho trẻ em bằng việc gò mình theo những chuẩn mực về đạo đức cần phải tuân thủ, họ sẽ rất khó viết ra một cuốn sách được các em yêu thích. Tốt hơn là chúng ta hãy dẫn các em vào một thế giới của những điều hồn nhiên, tử tế cùng những khát vọng bay xa để các em tự cảm nhận.
* Ông có chia sẻ gì về văn học viết cho thiếu nhi hiện nay?
- Điều khiến tôi cảm thấy vui là xã hội ngày càng quan tâm hơn đến mảng văn học mà thời gian qua chúng ta có phần xao nhãng là văn học thiếu nhi. Những giải thưởng như Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa ra đời cũng là một sự khích lệ, không chỉ người viết, mà còn cả với bạn đọc trẻ tuổi. Dân là gốc, muốn gốc tốt thì chúng ta phải quan tâm chăm sóc cái cây từ lúc mới nảy mầm. Với tuổi thơ, văn chương là nguồn sữa của tâm hồn, rất cần được quan tâm và khuyến khích.
Qua đây tôi cũng xin chia sẻ với các cây bút viết cho trẻ em, đề tài về tuổi thơ là một mỏ vàng ròng, nhưng vì những lý do khác nhau, nhiều năm qua nó đã không được khai thác đúng mức. Tôi không nói hình tượng đâu, mà nói về vàng thật đấy. Việt Nam chúng ta chỉ có một nhà văn duy nhất trở thành tỷ phú là Nguyễn Nhật Ánh, người cả cuộc đời chỉ viết sách cho thiếu nhi. Tôi mong các bạn sẽ quan tâm khai thác mỏ vàng đó hơn nữa, cho con em chúng ta và cho chính chúng ta, nhất là trong thời buổi khó khăn này.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Lễ trao giải Dế Mèn chỉ tổ chức tại Hà Nội, dừng tại TP.HCM Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 2 - 2021 dự kiến sẽ diễn ra (không có khán giả trực tiếp) vào lúc 10h sáng nay, thứ Ba, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2021 tại Hà Nội và TP.HCM. Nhưng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nên BTC quyết định tạm dừng tổ chức Lễ trao giải Dế Mèn tại TP.HCM. Các tác giả đoạt giải tại khu vực phía Nam sẽ được BTC tiến hành trao giải theo hình thức phù hợp. Tại Hà Nội, Lễ trao giải dự kiến được tổ chức không khán giả trực tiếp tại trụ sở báo Thể thao và Văn hóa (số 11 Trần Hưng Đạo, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), đảm bảo nghiêm túc các quy định phòng dịch. |
Phạm Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất