24/10/2016 07:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hậu Bóng đè ở đây không phải Lam Vỹ, cuốn tiểu thuyết vừa được Đỗ Hoàng Diệu ra mắt sau 11 năm kể từ tập truyện ngắn trước. Xa hơn, đấy chính là chuỗi thời gian dài với những thay đổi lớn trong cuộc sống của chị, kể từ thời điểm gần như… biến mất khỏi văn đàn sau Bóng đè.
Tôi đã biết thỏa hiệp
* Nhiều cây viết vẫn đi theo lộ trình quen thuộc: khởi nghiệp bằng truyện ngắn, đạt được thành công ở một mức độ nào đó, rồi chọn tiểu thuyết là bước phát triển tiếp theo. Nhưng, không phải ai cũng chờ tới… 11 năm như chị, kể từ sau tập truyện ngắn “Bóng đè”?
- Nhiều người cũng biết, sau tập truyện ngắn ấy, cuộc sống cá nhân của tôi có nhiều thay đổi, mà quan trọng nhất là việc lập gia đình, sinh con, rồi theo chồng sang Mỹ định cư. Nhưng đó không phải là tất cả lý do.
Từ lâu rồi, khoảng 5, 6 năm trước, tôi đã bắt tay viết Hầm mộ, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Viết, rồi “lên cơn” tự chỉnh sửa và viết lại, cứ hì hục như thế trong suốt mấy năm.
Đỗ Hoàng Diệu tại lễ ra mắt "Lam Vỹ"...
Nhưng, tới khi Hầm mộ hoàn thành, đúng như linh cảm của tôi, các nhà xuất bản trong nước sau khi nhận bản thảo đều xin lỗi với đại ý rằng sách không in được vì sao thì Diệu thừa hiểu.
Tôi không buồn, nhưng vẫn có một cảm giác gần như bực mình, khi nhìn lại chuỗi năm tháng vật vã cùng Hầm mộ. Và thế là một ngày đẹp trời, tôi viết cuốn sách mới, với suy nghĩ ban đầu rằng mình thử sức với một “tiểu thuyết 3 xu” xem kết quả ra sao. Và, với xuất phát điểm ấy, cái tên ban đầu của nó là "Nhà thương điên", chứ không phải Lam Vỹ như bây giờ.
* Vậy, Nhà thương điên ấy có làm chị… phát điên như với “Hầm mộ” không?
- Ngược lại, tôi hoàn thành chỉ trong 6 tháng, thay vì 6 năm như cuốn tiểu thuyết trước nó. Và viết khá thoải mái, giữa những quãng thời gian dành cho con cái, bếp núc, gia đình. Tâm thế khi viết cũng nhẹ nhàng, như mình đang làm một việc đơn giản hàng ngày, pha một ly cà phê chẳng hạn.
Nhưng cũng cần nói thêm, khi viết được vài trang đầu, tôi thấy rằng cái tạng của mình không hợp với dòng sách 3 xu, theo như những gì tôi hình dung về khái niệm ấy. Còn viết được tới đâu, được đánh giá là sách 5 xu, 6 xu hay cao hơn nữa thì tôi chờ bạn đọc trả lời (cười).
... trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Trương Quý
* Chị có thể nói cụ thể hơn?
- Thì đó, được vài trang, tôi lại “lồng lộn” lên, lại buông ngòi bút theo những dòng suy nghĩ được khơi ra trong tâm thức của mình. Rồi tới khi hoàn thành, tôi hiểu rằng viết như vậy thì có phần làm khó cho các nhà xuất bản. Vậy là lại chỉnh sửa, và cắt đi khoảng 1/4 dung lượng, tức là hơn 100 trang.
* Tò mò một chút, phần cắt đi ấy nói về gì vậy? Về sex chăng?
- Về sex, về Nho giáo, về những chi tiết liên quan tới cái chết của một nhân vật trong mạch truyện. Biết chuyện, Nguyễn Việt Hà một lần gặp tôi có bảo: Anh thất vọng với cô. Sao không biết kiên nhẫn chờ cơ hội,, thay vì tự thảo hiệp để “chặt tay, chặt chân” đứa con tinh thần của mình?
Biết nói thế nào nhỉ? Tôi không quá nặng nề về cái danh của một nhà văn chuyên nghiệp – nếu hiểu sự chuyên nghiệp theo nghĩa có kế hoạch đều đặn để một, hai năm lại cho ra mắt một cuốn sách. Nhưng, sâu xa, tôi vẫn muốn có sợi dây liên lạc với bạn đọc bằng tác phẩm của mình, vẫn muốn nói với họ rằng Đỗ Hoàng Diệu còn ở đây, chưa chết hoặc chưa “tịt ngòi” như báo chí viết đâu (cười).
Giống như trường hợp Hầm mộ vậy. Bạn biết đấy, thay vì xuất bản trong nước, việc chọn xuất bản cuốn sách ở nước ngoài sẽ không quá khó khăn với một người đang sống tại Mỹ như tôi.
Nhưng, ở nước ngoài, cộng đồng Việt có được bao nhiêu người, và trong số họ có bao nhiêu người quan tâm tới văn học? Tôi vẫn muốn, và vẫn chờ, một ngày nào đó, Hầm mộ được xuất bản ở thị trường của 80 triệu người Việt Nam trong nước.
Bởi thế, nếu ai bảo tôi thỏa hiệp, mình đành chịu vậy.Và lúc cắt bỏ một phần những trang viết ấy, quả thật tôi cũng thấy tự xấu hổ với bản thân mình.
... và ký tặng độc giả
* Chúng ta hãy gọi đó là sự lựa chọn. Nhưng, để tự đánh giá về “Lam Vỹ”, chị có nghĩ cuốn sách sẽ mang lại cảm xúc mạnh với độc giả như “Bóng đè”?
- Thật lòng, để vượt qua Bóng đè thì không. Mà dù có muốn như vậy, tôi cũng chịu.
Dù vậy, Lam Vỹ cũng có hướng đi riêng. Như dự đoán của bạn bè sau khi đọc xong, dư luận sẽ có 2 hướng phản hồi: một là dở quá, không qua nổi Bóng đè; hai là…Đỗ Hoàng Diệu theo thời gian đã mượt mà và …dễ đọc hơn.
“Bóng đè” là một sự may mắn
* Tôi cũng muốn quay lại câu chuyện của “Bóng đè”, dù cuộc tranh cãi về nó đã diễn ra hơn 10 năm rồi. Hỏi thật, khi ấy, bên cạnh những lời khen, chị có đọc những ý kiến phản biện không?
- Tôi có đọc một số. Thật ra, tôi cũng chỉ là một con người bình thường, biết vui khi được động viên và biết đau đớn khi bị chửi mắng, thóa mạ. Trong số những phản hồi về Bóng đè mà bạn nói, có những lời chê xuất phát từ sự trung thực của người viết sau khi đã đọc hết tác phẩm, tôi coi đó là chuyện bình thường.
Nhưng ngược lại, cũng có những ý kiến theo kiểu cố tình quy chụp, áp đặt và gần như ném những lời thóa mạ về phía tôi, thậm chí sử dụng cả những chi tiết ác ý, không liên quan gì tới tác phẩm. Những cách phê bình như vậy không đủ sức làm mình buồn, nhưng cảm giác bực bội và coi thường người viết thì có rất nhiều.
Đỗ Hoàng Diệu tại Mỹ
* Nhưng bây giờ, đọc lại những ý kiến quá đà ấy, có bao giờ chị nhìn đó đơn giản như một sự ấu trĩ và thiên kiến – khi mà ở thời điểm 10 năm trước, nhận thức chung của chúng ta cũng khác so với bây giờ?
- Có những bài viết khi ấy chỉ mượn mục đích phê bình văn học để hướng tới những câu chuyện khác. Nghĩa là, mọi thứ không đơn giản theo cách bạn nói.
Nhưng, nếu nhìn lại, những dư luận trái chiều ấy cũng là lý do để Bóng đè được dư luận chú ý và tạo nên số phận đặc biệt của nó. Có thể, đó là một may mắn ngoài chủ ý của những người trong cuộc.
Tôi dùng từ may mắn, bởi trong những năm sau này, đời sống văn học trong nước vẫn có những tác phẩm khá tốt, nhưng chẳng hiểu sao dư luận lại thờ ơ. Như tiểu thuyết Nhụy khúc của Đinh Phương chẳng hạn.
Qua một người bạn, tôi có cuốn sách tại Mỹ và thích vô cùng. Viết được như Phương không hề dễ. Nhưng về nước, cũng hơi buồn khi nghe Nhà xuất bản nói rằng Nhụy khúc gần như không bán được…
* Nhiều người nói tới cách chị viết về sex trong “Bóng đè”. Nhưng tôi có một quan tâm khác: ác cảm đặc biệt của chị với Nho giáo, cũng như tục gia trưởng trong văn hóa Việt. Bởi, những điều này dường như cũng được lặp lại phần nào ở "Lam Vỹ"…
- Nhiều người hỏi tôi như vậy, thậm chí còn thắc mắc về trải nghiệm của tác giả. Thực ra khi sống cùng bố mẹ lẫn trong cuộc sống cá nhân bây giờ, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề về sự áp đặt này nọ theo tư tưởng Nho giáo, hay áp lực phải có một đứa con trai để nối dõi tông đường. Những gì được viết ra đơn giản xuất phát từ tâm thức của tôi về xã hội Việt Nam, chứ không phải từ sự ám ảnh của chính bản thân.
Có thể, xã hội của chúng ta bây giờ đã phát triển hơn trước, chuyện trọng nam khinh nữ không còn kinh khủng như ngày xưa. Nhưng tôi tin, điều đó chỉ xảy ra ở những đô thị lớn, ở cuộc sống của những người cấp tiến, còn tại nhiều nơi khác thì vẫn vậy.
Kể thêm một chút, nhân chuyện trọng nam khinh nữ, có độc giả đọc Bóng đè hỏi rằng hình như chị ghét đàn ông Việt lắm? Tôi cười, bảo rằng nếu bạn biết chuyện yêu đương của tôi ở ngoài đời thì hẳn sẽ không hỏi vậy. Giống như lời đề tặng trong cuốn "Lam Vỹ" lần này, ngoài cha mình, tôi có nhắc tới V. Đó là một cái tên rất có ý nghĩa với tôi trong quá khứ…
Vẫn điên, nhưng… điên theo mùa
* Hỏi vui một chút, Alec chồng chị có chia sẻ gì không khi đọc lời đề tặng ấy?
(Cười). Cả Hầm mộ và Lam Vỹ, tôi đều chưa đưa cho Alec đọc. Cuốn duy nhất anh ấy từng xem là Bóng đè, nhưng từ trước khi gặp tôi. Không có chuyện ngần ngại gì ở đây cả đâu. Một phần, công việc hiện tại của Alec rất bận và tôi không muốn anh ấy “đau đầu” thêm vì văn chương của mình.
Một phần khác, đơn giản đấy là ý thích của tôi: để Alec đọc sau này, khi thêm vài chục tuổi nữa…
* Một chút chia sẻ về cuộc sống của chị tại Mỹ trong những năm qua?
- Khá đơn giản. Tôi làm nội trợ, chăm con, dành thời gian rỗi đọc sách. Và tất nhiên là viết văn. Nếu nhìn bên ngoài, bạn có thể sẽ nghĩ là hơi tẻ nhạt, nhưng tôi lại thấy hoàn toàn bình thường và dễ chịu.
Khi còn nhỏ, tôi cũng thường có xu hướng sống với thế giới riêng của mình, thay vì giao đãi quá nhiều với bên ngoài. Lắm lúc nghĩ lại, tôi không hiểu mình hồi nhỏ có mắc chứng tự kỷ hay không (cười). Nhưng bởi tính cách ấy, nên trong cuộc sống bây giờ, tôi thấy đơn giản và nhẹ nhõm.
Thực ra, nếu muốn tham gia các hoạt động, ở đây cũng không thiếu. Chẳng hạn, các bà nội trợ, các bậc phụ huynh trong thị trấn vẫn thường họp nhau lại để cùng nấu nướng, làm party hoặc những việc tương tự cho phụ nữ. Nhưng tôi không mấy hứng thú để tham gia.
* Với cách sống như vậy, chị có thấy hạnh phúc không?
- Đó là một câu hỏi khó trả lời. Bởi, tôi nghĩ không ai có thể cảm thấy hạnh phúc một cách tuyệt đối, theo đúng nghĩa của từ đó.
Nhìn bề ngoài, tôi có một cuộc sống an nhàn tại một đất nước phát triển, không phải quá lo lắng về cơm áo gạo tiền, được thoải mái theo đuổi công việc mình thích. Nhưng, để được như vậy, tôi cũng đã phải trải qua khá nhiều mệt mỏi trong cuộc sống cá nhân.
Thực tế, trong những năm đầu tiên sang Mỹ, tôi và Alec cũng có nhiều thời điểm khó tìm được tiếng nói chung. Và, có những giai đoạn, ở giữa nhà tôi luôn đặt sẵn một chiếc va ly với đầy đủ quần áo, để khi cần là lên đường về Việt Nam ngay trong thời gian sớm nhất. Rất may, chiếc va ly ấy chưa bao giờ được dời đi. (cười).
Bây giờ, ở tuổi 40, cuộc sống làm vợ, làm mẹ cũng khiến tôi thay đổi khá nhiều. Vẫn biết là tính mình điên rồ, nhưng không còn như thời trẻ nữa. Thỉnh thoảng nổi cơn một chút, như kiểu “điên theo mùa” thôi…
* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Đỗ Hoàng Diệu sinh năm 1976 tại Thanh Hóa, từng tốt nghiệp cử nhân các chuyên ngành Luật và báo chí. Tập truyện ngắn đầu tay Bóng đè của chị được xuất bản năm 2005 và lập tức nhận về những phản ứng rất khác nhau từ dư luận. Từ năm 2010, Đỗ Hoàng Diệu sang Mỹ định cư theo chồng. |
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất