Nhà văn Han Kang: Ở Hàn Quốc nhà văn cũng không dễ sống

21/01/2015 14:09 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Trong số các nhà văn trẻ Hàn Quốc vươn ra thế giới thì Han Kang (Hàn Giang, 1970) là một tiếng nói đáng lưu ý. Ngoài tác phẩm Người ăn chay (Hoàng Hải Vân dịch, NXB Trẻ phát hành), sắp tới đây Han Kang còn một số tác phẩm được dịch ra tiếng Việt như Breath Fighting (Baram-i bunda gara, 2010), Greek Lessons (Huirapeo sigan, 2011)… Thế nhưng cuộc trò chuyện mà cô dành riêng cho độc giả Thể thao & văn hóa Cuối tuần không tập trung về các tác phẩm này, mà là tầm quan tâm, cách tồn tại của một nhà văn trong xã hội công nghiệp và đô thị hiện đại như Hàn Quốc.

“Ở Hàn Quốc ngày nay, vào thời đại phổ cập smartphone thì thị trường đọc sách suy giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, những nỗ lực đọc sách và tìm hiểu về con người thông qua tác phẩm văn chương thì vẫn còn tiếp tục”, Han Kang bắt đầu câu chuyện.

* Ở Việt Nam thật khó duy trì sinh kế bằng việc viết sáng tác văn chương đơn thuần. Nếu ai đó làm nghề viết văn thì sau trước cũng có thể gặp thắc mắc “biết lấy gì mà sống?”. Ở Hàn Quốc thì thế nào, thưa chị?

- Cũng không dễ dàng gì. Nếu có thể mãn nguyện với cuộc sống đạm bạc, thì sẽ sinh tồn được bằng việc đăng thường xuyên truyện ngắn trên các báo văn nghệ và không ngừng viết tiểu thuyết. Nhưng để tác phẩm của mình được best-seller thì ít nhất lần đầu phải bán hơn 30 ngàn quyển, trong khi thông thường thì chỉ phát hành khoảng 2 đến 3 ngàn quyển. Hiện nay tôi đang giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Seoul, còn khi sáng tác, thay vì để tâm đến độc giả hay việc bán sách, tôi luôn đặt trọng tâm vào việc hoàn thành tốt cuốn tiểu thuyết mình đang theo đuổi.


Nhà văn Han Kang. Ảnh do nhân vật cung cấp

* Những nhà văn như chị có phải né tránh kiểm duyệt hay sự cấm kỵ chủ đề nào không?

- Tôi đã bắt đầu hoạt động sáng tác từ năm 1993 với tư cách nhà thơ và từ năm 1994 với tư cách là tiểu thuyết gia. Lúc này tại Hàn Quốc, dân chủ hóa đã bắt đầu cho nên tôi thuộc vào thế hệ đầu tiên có thể tìm tòi những nội diện bên trong con người một cách tự do, không còn ý thức trách nhiệm là phải phát ngôn kiểu bề mặt xã hội nữa. Tôi nghĩ xã hội mà không còn tồn tại điều gì là không nên viết, là xã hội đáng mong chờ, và tôi cũng cho rằng tác giả luôn phải nỗ lực để không tự kiểm duyệt.

Gần đây nhất tôi viết tiểu thuyết Here Comes The Boy (2014). Đây là tác phẩm lấy chủ đề cuộc sát hại xảy ra ở Kwangju năm 1980. Quê tôi ở Kwangju, trước khi xảy ra chuyện này mấy tháng thì gia đình tôi chuyển lên Seoul. Đây là một sự kiện quan trọng đối với tôi, nó là cột mốc giúp tôi trưởng thành, khi mà trong đầu lúc nào cũng chứa đầy những câu hỏi căn bản về con người, chính vì vậy, sau ngần ấy năm tháng dài, tôi đã viết về nó.

* Vụ sát hại xảy ra ở Kwangju năm 1980 là một đau đớn lớn, vốn là chuyện cấm nói, nay nó đi vào tác phẩm của chị như thế nào?

- Những tiểu thuyết viết về Kwangju như một chứng ngôn, nay đã được xuất bản khá nhiều, cho nên tôi phải cố gắng để đi sâu vào nội diện của mọi nhân vật. Tình cảnh của thập niên 1980 sẽ kết thúc ở phần 1 và phần 2, còn lại, tôi đang cố gắng vẽ cụ thể hơn hình ảnh những con người còn sống sót sau 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm và cho đến hiện nay.

Có thể nói, vụ Kwangju thập niên 1980 là sự kiện hết sức bi kịch, nơi mà mọi sự chân thật bị bóp méo bởi chính quyền quân sự đương nhiệm, cho nên những nỗ lực và đấu tranh thiết yếu để làm sáng tỏ những chân thật đó là trọng tâm của phong trào dân chủ hóa thập niên 1980.


Sau tiểu thuyết Người ăn chay, Han Kang còn 4 tiểu thuyết chờ ra mắt bản tiếng Việt

* Nhiều độc giả người Việt muốn biết chị đã viết Người ăn chay (2007) như thế nào?

- Rất lâu rồi, khi tôi viết truyện ngắn Hoa quả của con gái tôi, trong đó có chuyện về một người con gái là thực vật và một người con trai tưới nước nuôi sống cô ấy. Tôi đã biến tấu nó thành tiểu thuyết này. Nhưng Người ăn chay khác truyện ngắn ở chỗ nó không có những câu chuyện siêu thực, mà chỉ cho xuất hiện ảo vọng của một người nữ đang trở thành thực vật và khước từ thức ăn.

Những thắc mắc về con người chính là động lực cho tôi viết tiểu thuyết. Vì tôi thường ráng nhìn xuyên sâu vào cuộc sống và thế giới (của loài người) nên tôi không thể bỏ qua mọi chi tiết, dù tăm tối nhất.

* Những cuốn nào chị muốn sớm được giới thiệu đến độc giả Việt Nam?

- Thứ tự ưu tiên, nếu được, phải là Here Comes The Boy, Your Cold Hand (Geudae-ui Chagaun Son, 2002), Breath Fighting (2010)… Trong đó, Your Cold Hand là về những bí mật, sự chân thật và giả dối giấu trong nội diện con người. Breath Fighting là về một cô gái đánh đổi sinh mạng để làm rõ cái chết của người bạn được cho là tự sát, sử dụng bút pháp huyền thoại, mượn vật lý học thiên văn để nói về cội nguồn nhân loại, tính thần bí, và tình yêu. Greek Lessons là về cô gái mất tiếng nói (câm) và chàng trai mất thị lực (mù) gặp nhau, cuộc sống của họ lặng lẽ, dần quyện vào nhau cho đến khi hết truyện.

Cũng xin nói thêm, vì Việt Nam là nước có nhiều cảnh đẹp và còn nhiều những người có phẩm vị tốt nên tôi rất muốn đến thăm. Nhưng hơn bất cứ điều gì, tôi muốn một lúc nào đó trực tiếp đến gặp những độc giả ở đất nước mà sách của tôi được xuất bản. Lắng nghe những suy nghĩ và nhận xét của họ, vì một nhà văn không thể ở mãi trong ngôn ngữ của mình.

Theo “Danh mục các ấn phẩm đề xuất đăng ký tài trợ biên dịch” do Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute Of Korea, http://www.klti.or.kr.) công bố ngày 17/12/2014, trong tổng số 526 đầu sách, mục Tiểu thuyết hiện đại có 5 đầu sách của Han Kang - bao gồm: The Fruit Of My Woman (Nae Yeoja-ui Yeolmae, 2000), The Vegetarian (Chaesikju-uija, 2007), Breath Fighting (Baram-i bunda gara, 2010), Greek Lessons (Huirapeo sigan, 2011), A Convict’s Love (Yeosu-ui Sarang, 1995) - được khuyến khích xuất bản ở tất cả các khối ngôn ngữ. Trong 5 tiểu thuyết này, The Vegetarian đã được tài trợ biên dịch và xuất bản sang 11 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Việt Nam, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha) và vẫn đang tiếp tục.

Vấn đề không của riêng ai

“Gia đình của Young Hye trong Người ăn chay là một “tổ chức” muốn ngăn chặn mọi ánh sáng để sử dụng theo cách riêng của họ. Đối với một Young Hye từ chối ăn thịt, họ cũng đối xử với cô theo chuẩn mực của từng người. Bố mẹ ghẻ lạnh, chồng ly hôn, anh rể lợi dụng, còn chị lại đưa cô ấy vào bệnh viện. Khi một ai có vấn đề, thì đấy không hẳn là việc của riêng người đó, bởi căn nguyên được hình thành bởi bố mẹ, anh chị em và các mối quan hệ xung quanh.

Gắn cho chúng một cái tên là “vô thức” và không muốn “ý thức” cho nên tự chúng ta đè nén mình trong cái lưới mang tên “quy phạm văn hóa”. Nàng Young Hye cứ ngồi vậy, để hở ngực, không được ư? Phụ nữ cũng muốn cởi quần áo khi trời nóng. Vấn đề ở chỗ là bộ ngực phụ nữ ngày nay còn sử dụng với mục đích thương mại nên còn kèm thêm ý nghĩa về tính dục… Còn về một gia đình không theo chuẩn mực của mình, thì với Young Hye, gia đình đó đã là sự chết. Rằng gia đình không phải là một tồn tại phải giao phó cho một ai khác, mà cả gia đình phải chịu trách nhiệm”, tiến sĩ tâm lý học Yi In Sun nhận xét về Người ăn chay của Han Kang.

Văn Bảy - Anh Thư (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm