Nhà văn không sống được bằng nhuận bút

04/09/2015 13:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Với nhuận bút 10% giá bìa nhân với số lượng phát hành như hiện nay, các tác giả văn thơ Việt Nam có sống được với nhuận bút?

Đa số các tác phẩm thơ văn của các tác giả Việt Nam hiện nay có số lượng phát hành thấp, lý do là do ảnh hưởng tình trạng sụt giảm của “văn hóa đọc” và cả tài năng của tác giả. Tuy nhiên, việc “điều tiết” để nhuận bút góp phần vào việc kích thích sáng tạo là điều mà nhiều nhà văn, nhà thơ rất quan tâm.

Bất cập giữa nhuận bút và phát hành

Nhà thơ Lê Minh Quốc viết rất nhiều sách thuộc kế hoạch A (NXB đầu tư in), phân tích: “Tác giả mất hàng năm trời đầu tư chất xám viết ra cuốn sách để nhận nhuận bút được 10% giá bìa. Trong khi đó, nếu in sách kế hoạch B (xin giấy phép từ NXB rồi tự in), tác giả lại phải trả cho NXB 10% quản lý phí. Các nhà phát hành chỉ trưng cuốn sách ra và bán, vậy mà được nhận từ 35 - 45%, thậm chí 60% giá bìa cuốn sách. Nếu sách bán không hết, nhà phát hành trả lại “sách ế” cho tác giả hoặc NXB chứ không mất gì. Những nhà phát hành - trung gian giữa NXB, tác giả và người mua - hưởng lợi quá nhiều, khiến giá sách bị đẩy lên cao”.


Hai tập truyện Thả hy vọng và Trên đôi cánh chuồn chuồn, nhuận bút 18 triệu đồng nhưng phải mất hai năm để viết

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, nhiều năm công tác ở NXB Trẻ, cho biết: “Mức chi trả 10% nhuận bút cho tác giả hiện nay là cao so với nước ngoài, vì nước ngoài chỉ trả cho tác giả từ 5-7% mà thôi. Tuy nhiên, số lượng phát hành một suốn sách ở ta quá ít, nên cho dù trả 10% thì tổng số nhuận bút tác giả nhận được cũng không đáng bao nhiêu. Thế nhưng, đây là quy định trong luật xuất bản nên các NXB phải tuân theo, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt có thỏa thuận riêng”.

Tại sao các nhà phát hành lại hưởng lợi nhiều như vậy từ giá bìa? Ông Phạm Sỹ Sáu, cho rằng: “Có nhiều bất hợp lý trong các quy định về xuất bản, chẳng hạn như bắt buộc phải in giá lên bìa sách. Chính vì NXB phải in giá bìa nên buộc phải có chiết khấu cho các nhà phát hành.

Trong khi đó, các NXB ở các nước châu Âu họ không in giá lên bìa sách. Các NXB chỉ bán lại sách “giá gốc” cho nhà phát hành rồi nhà phát hành tự định giá.

Giá một cuốn sách do nhà phát hành quyết định, phụ thuộc vào vị trí địa lý nơi bán cuốn sách sẽ cho ra giá thực tế. Ví dụ, ở trung tâm các đô thị lớn thì giá sách sẽ cao hơn ở vùng nông thôn, do chi phí mặt bằng và sinh hoạt các nơi này khác nhau”.

Nhuận bút văn học phải cao hơn sách tiêu dùng

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, kể: “Tôi vừa nhận của nhà văn Trần Đức Tiến từ Vũng Tàu gửi tặng cùng lúc 2 tập truyện, mỗi cuốn được in 2.000 bản. Tập truyện ngắn Thả hy vọng (NXB Trẻ) dành cho người lớn giá bìa 55.000 đồng. Tập truyện Trên đôi cánh chuồn chuồn (NXB Kim Đồng) dành cho thiếu nhi giá bìa 35.000 đồng. Như vậy, nếu tính nhuận bút 10% theo thông lệ thì ông được tổng cộng 18 triệu đồng. Muốn viết được 2 tác phẩm có chất lượng như Trần Đức Tiến, ngoài tài năng thì phải đầu tư thời gian trung bình ít nhất là 2 năm. Thử hỏi với 18 triệu đồng/2 năm thì làm sao nhà văn có thể sống để mà viết?”.

Phan Hoàng, cho biết: “Trường hợp của nhà văn Trần Đức Tiến là sách của ông in ở 2 NXB lớn và trả nhuận bút đàng hoàng, đồng thời truyện của ông phần lớn đã được đăng báo chí và có nhuận bút kha khá trước rồi. Còn đa phần các nhà văn viết ra tác phẩm ít được đăng báo.

Với truyện ngắn đã khó, viết tiểu thuyết còn khó đăng báo hơn, và hầu như bây giờ tôi chẳng thấy có tờ báo nào đăng tiểu thuyết. Hãy thử hình dung 1 năm nhà văn viết 1 cuốn tiểu thuyết thuần tuý để in sách khoảng gần 300 trang, số lượng thường là 1.000 cuốn, giá bìa khoảng 100 ngàn đồng, tác giả nhận nhuận bút 10 triệu đồng, còn phải trừ thuế VAT.

Nếu không vì tình yêu văn chương và nhờ những khoản thu nhập từ công việc khác, mà chỉ chuyên  viết in sách để sống, thì chẳng mấy nhà văn đủ bản lĩnh theo nghề”.

“Từ thực tế ấy mới thấy riêng công việc sáng tác văn học rất khó, trong khi xã hội cứ đòi hỏi nhà văn phải có tác phẩm đỉnh cao. Và cũng từ đó càng thấy thù lao từ việc các NXB, các công ty sách trả cho người cầm bút hiện nay 10% là rất bất hợp lý.

Đó là chưa kể số lượng còn bị in gian in lậu một cách vô nhân đạo. Mức phần trăm nhuận bút ấy đối với những loại sách “tiêu dùng” bình thường có số lượng bản in nhiều thì có thể chấp nhận được.

Còn đối với sách văn học, nhất là những tác giả tài năng và uy tín, tôi nghĩ cần có chế độ nhuận bút khác để khuyến khích công việc sáng tạo của họ” - Phan Hoàng đau đáu.

(Còn tiếp)

Hoàng Nhân (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm