28/07/2021 07:42 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa từ trần lúc 22h25 ngày 25/7/2021 tại nhà riêng ở TP.HCM, ngày 27/7 thi hài của ông đã được hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức.
Ông lìa trân sau hơn 10 năm sống chung với bệnh ung thư. Thân mang trọng bệnh, nhưng nghị lực sống và viết của ông đáng để những người đang mạnh khỏe phải thán phục.
Từ một thanh niên tranh đấu
Khoảng 2 tuần trước, như mọi khi tôi gọi điện hỏi thăm ông do dịch Covid-19 không thể gặp nhau, giọng ông đã yếu: “Tao mới ở bịnh viện về, mệt lắm mày ơi”. Tôi động viên “anh ráng lên”, dù dự cảm điều chẳng lành đang đến với một người luôn sống lạc quan như anh.
Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20/5/1953 tại tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc quận 6, TP.HCM. Khi đang học tại Trường Pétrus Ký, nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, ông đã tham gia phong trào đấu tranh đô thị, trực tiếp lãnh đạo giới học sinh xuống đường và đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt nhiều lần. Tuổi trẻ của Lê Văn Nghĩa trải qua nhiều nhà tù của địch tại miền Nam và bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1975.
Từ 1975 đến 2015, tròn 40 năm, Lê Văn Nghĩa tạo dựng tên tuổi của mình bằng thể loại trào phúng, châm biếm. Ông có hơn 20 năm làm chủ biên báo Tuổi trẻ cười - tờ báo trào phúng, châm biếm đầu tiên tại Việt Nam kể từ sau ngày đất nước thống nhất.
Ngoài tên khai sinh, cũng là bút danh chính, bạn đọc còn biết đến ông qua các bút danh như Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ… Ông đã tạo dựng được sức sống cho các bút danh và cũng là các nhân vật dễ đến gần với công chúng, khiến nhiều bạn đọc quen thuộc gặp ông thì chào anh Hai Cù Nèo, hoặc ngắn hơn, chào anh hai, hoặc chào Điệp Viên Không Không Thấy… Có thể nói điều này là hạnh phúc của một ngòi bút hành nghề báo.
Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Lê Văn Nghĩa là người bạn chân tình, có cách sống tự trọng, thường không muốn làm phiền người khác, ngay cả khi bị người khác làm phiền, ông cũng chỉ cười xòa, cho qua. Ông phải nhiều lần vào bệnh viện để mổ cắt khối u, điều trị này kia. Mỗi lần như vậy ông tắt điện thoại, lặng im vào viện để không phiền bạn bè thăm hỏi.
Những người quen thân với ông đều biết “nếp sinh hoạt” hơi khác người của Lê Văn Nghĩa, khi ông tắt điện thoại biến mất. Chiều chiều, sau 4 đến 8 tiếng ngồi trên bàn viết, ông tìm bạn bè ra ngồi quán cóc vỉa hè, mượn chai bia để trò chuyện. Người bình thường khó nhận biết ông đang bịnh rất nặng, chỉ thấy năng lượng sống của ông luôn dâng trào với nhiều câu chuyện tếu, nói cười rôm rả.
Đến 10 năm chạy đua với thời gian
Chính sự lạc quan như vừa kể đã giúp Lê Văn Nghĩa viết hơn chục đầu sách, từ truyện dài, truyện thiếu nhi đến biên khảo… trong thời gian lâm bệnh. Nhưng điều khiến nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên là chất lượng của những tác phẩm được viết để chạy đua với thời gian đó.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi đọc Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, đánh giá: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hoặc Vương Hồng Sển”.
Những tác phẩm trong khoảng 10 năm cuối đời ông toàn viết về Sài Gòn, vùng đất nơi ông hiểu và yêu thương nhất. Đáng chú ý có các cuốn: Mùa Hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề; Mùa tiểu học cuối cùng…
Đọc tác phẩm biên khảo hoặc truyện của Lê Văn Nghĩa để hiểu thêm con người ở Sài Gòn hơn. Ngay cả trong truyện được hư cấu vẫn hiện lên sinh động những phận người lẩn khuất đâu đó trong dòng xe đông đúc, hoặc xóm nghèo hiu quạnh. Bởi Lê Văn Nghĩa đã quan sát những mảnh đời ấy để cô đọng lại trên trang giấy, có thể họ từ Bắc di cư vào, từ miền Trung đến, từ miền Tây lên…
Lê Văn Nghĩa hiểu Sài Gòn bằng vốn sống cả đời, đồng thời ông còn sưu tập rất nhiều tư liệu quý trước khi chấp bút.
Không những kỹ lưỡng khi viết, trong cách chơi hàng ngày ông cũng là người kỳ công. Ví dụ như khi muốn đi hát với nhau thường xuyên, ông đã đến nhạc viện xin học thanh nhạc trước, thay vì cứ “ngang nhiên tra tấn” lỗ tai người nghe. Thích vẽ và sẵn có khiếu hội họa, nhưng ông cũng tìm thầy học vẽ trước, sau đó mới lò dò vẽ, cho yên tâm. Trong những việc cuối đời, Lê Văn Nghĩa có dự tính làm một triển lãm chơi vui, trong không gian nhỏ, với bạn bè thân tình, nhưng vì Covid-19 và vài lý do riêng ngăn trở, nay đã không kịp nữa rồi.
Dẫu biết ai rồi cũng có phút cuối với cuộc đời, từ biệt bao giờ cũng buồn, song với tinh thần sống lạc quan, chắc Lê Văn Nghĩa đã nở nụ cười… rưng rưng để chào lần cuối với tất cả.
Quyển sách cuối cùng Cuốn tạp bút và biên khảo Sài Gòn - những mảnh ghép rời ký ức (NXB Trẻ) là quyển sách cuối cùng của Lê Văn Nghĩa, vừa in xong. Sách gồm 2 phần, in lại các tạp bút tiêu biểu như Tết rồi mẹ ơi; Tết và lì xì, lì xì và Tết; Tết, chụp hình cái chơi; Quảng cáo trên báo Tết... Phần biên khảo gồm các bài viết về các phòng trà ca nhạc từ Hà Nội đến Sài Gòn, trong đó xoáy vào các phòng trà nổi tiếng như Tự do, Đêm màu hồng, RITZ, Queen Bee, Maxim’s, Nam Đô... |
Trần Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất