Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Cả kiếp này viết văn rồi

19/09/2012 06:30 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - “Cô ấy hồn nhiên, chân thật quá, khổ thân, làm sao mà trả lời được những câu hỏi như thế!”, nhà văn Châu Diên ngồi sát bên tôi, thi thoảng lại quay sang chia sẻ lo lắng cho Nguyễn Ngọc Tư khi nhìn chị đang ngồi “ghế nóng” với hàng loạt câu hỏi về tiểu thuyết Sông, tại buổi ra mắt với chủ đề Từ cánh đồng tới dòng sông, vào chiều ngày 18/9, tại hội trường A7, Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội với giọng đồng cảm.

Sông là câu chuyện về nhân vật Ân, một ngày vác ba lô xuôi dọc sông Di cùng những người bạn mới chỉ quen qua mạng: Xu và Bối. Bộ ba đồng cảm ở sự mất mát, thiếu thốn tình cảm gia đình và bị tổn thương. Chúng đi dọc sông Di, gặp và chứng kiến những mảnh đời thăng trầm như sông…

“Đẹp. Đáo để. Trần tục và hư ảo”

Là câu nhận xét của biên tập viên Trần Ngọc Sinh, in trang trọng trên bìa sách. “Đó là cảm nhận của tôi khi đọc tiểu thuyết này của Tư, và nếu có nhận xét, tôi cũng gói gọn lại một câu như thế. Ngoài ra, là để giúp Tư bán chạy sách”. Anh Trần Ngọc Sinh trả lời chân thành, hồn hậu trong buổi ra mắt, sau đó, nhận được các tràng pháo tay ròn rã hưởng ứng từ cử tọa.

Trước 14h, Nhà văn Bảo Ninh đi phăm phăm giữa nắng, tìm cho kỳ được nhà A7. Đến nơi, hội trường A7 đã tấp nập khách ra vào. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cười hớn hở trước cửa, tay bắt mặt mừng với nhiều nhà văn, dịch giả quen mặt. Ông là “nhân vật chính thứ hai” cho buổi ra mắt sách này. Nói vậy là bởi, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tự nhận ngay ban đầu là “tôi nói rất dở… các bạn đừng hỏi câu khó…”. Vì thế lắm khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ở bên cạnh sẵn lòng đỡ lời giúp cho Nguyễn Ngọc Tư.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong buổi ra mắt tiểu thuyết Sông. Ảnh: Cao Mạnh Tuấn

Hội trường đông chật người nhưng rất im ắng. Mở đầu cho buổi ra mắt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư, và ông khẳng định: Nguyễn Ngọc Tư viết những truyện bình thường một cách giản dị nhưng không đơn giản. Cô viết nhẹ như không khi mới ngoài hai mươi tuổi.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cầm micro, chị lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu sau những lời cảm ơn đối với thính giả đã đến nghe. “Hỏi thì tôi mới trả lời được”. Chị ấp úng nói. Và sau câu mở lòng này, hàng loạt câu hỏi về tiểu thuyết Sông cũng như quan điểm viết của tác giả dập dồn gửi tới. Hỏi - đáp liên tục đến hơn hai giờ đồng hồ.

Mỗi câu trả lời của Nguyễn Ngọc Tư luôn kèm với tiếng cười ròn. Đang giữa chừng, chị lại cúi mặt xuống bàn cười rung cả vai hoặc che miệng cười. Hoặc có khi chưa trả lời hết ý của câu, Tư dừng lại “đánh võng” sang đường khác, không hề có “xi nhan” làm người nghe phải tập trung lắm mới hiểu chị đang nói gì. Và những miêu tả trừu tượng hay dùng câu phức thường gây khó khăn cho chị trong lúc diễn giải, “thực đơn giản, dễ hiểu”, đó là cách nói của Tư. Dùng các câu cụt và câu đơn, cũng là cách nói của Tư.

Viết và tra Google

“Khi viết cuốn sách, tôi hình dung ra một thằng bé mất trái bóng. Nó đi tìm rất cực khổ. Sau đó, phát hiện ra cái mà nó đi tìm không phải trái bóng mà là điều gì đó rất mông lung. Đây là cuộc đi tìm của nhân vật”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ về tâm trạng khi viết tiểu thuyết, về chi tiết “chợ bán khói” trong tiểu thuyết Sông. “Tôi thích mùi khói. Mùi khói cỏ, khói rơm mỗi khi gặp là hít hà. Vì độ bịa cao, nên cứ viết ra là “chợ bán khói” – chị nói thêm.

Vì sao là tiểu thuyết, chứ không truyện ngắn, cao hơn nữa là truyện dài như đã thấy trong sáng tác từ chị? Và chị có tự do khi viết không? Sao trong truyện của chị bi quan thế? Nguyễn Ngọc Tư trả lời: “Tôi đang tìm kiếm khả năng làm việc. Nghĩ rằng sẽ viết ngắn, không nghĩ tới tiểu thuyết, nhưng sau đó, tôi muốn xem trong mình còn đâu đó khả năng. Khi tra Google, để tìm các thông tin phục vụ cho cách viết của mình, không quan tâm đến điều khác. Thời gian đầu khi viết truyện, tôi đã có chút bi quan trong đó, càng về sau, bi quan càng rõ nét. Tôi xin lỗi nếu như tôi không thể làm cho truyện của tôi tích cực hơn”.

Về Sông, độc giả chia sẻ về sự mơ hồ và giải quyết chưa rõ ràng tình huống nhân vật, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói ngắn gọn: “Ngày trước tôi từng nghĩ một truyện bao giờ cũng có mở đầu, thân, kết luận… Thực ra không phải cái gì cũng có thể kết luận được”.

Về viết và sống, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: Tôi thích chụp ảnh. Đúng hơn là thích máy chụp ảnh. Tôi thích đồ công nghệ mà. Mua máy chỉ vì thích. Cái mà tôi biết là viết văn thôi. Nếu có kiếp sau thì tôi sẽ đổi nghề. Vì cả kiếp này viết văn rồi…

Sau buổi ra mắt sách cùng giao lưu với độc giả, một hàng dài người đứng chờ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách. Chị cặm cụi ký đến mỏi tay và kiên trì cho đến độc giả cuối cùng.

Khi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư rời hội trường, chỉ còn hai biên tập viên của NXB Trẻ là nhà văn Trương Quý và anh Trần Ngọc Sinh đi cạnh bên. Trời đã sẩm tối, và chỉ còn một đêm để thưởng thức Thu Hà Nội, cảm giác lần đầu được tận hưởng, để sáng nay, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại bay về với phương Nam.

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm