06/05/2019 19:50 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nguyễn Thị Minh Ngọc vừa tham chương trình di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều kéo dài trong 2 năm do Hội đồng Anh thực hiện tại Kenya, Colombia và Việt Nam. Trong khuôn khổ của dự án này, chị và cộng sự vừa về Việt Nam nghiên cứu lịch sử truyền miệng của sân khấu cải lương miền Nam Việt Nam.
Nguyễn Thị Minh Ngọc là nhà văn, nhà biên kịch, diễn viên và đạo diễn sân khấu có nhiều tâm huyết với cải lương, đang ôm ấp nhiều dự án bảo tồn, phát triển. Chị chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về hiện tại và tương lai của cải lương.
* Từ quan sát và điểm nhìn riêng, chị có tin rằng cải lương còn có đủ cơ sở để tồn tại và có thể sẽ trở lại thời hoàng kim của mình?
- Nhiều người trẻ, bằng lời nói, bằng hành động, đều cho tôi thấy cải lương đủ cơ sở để tồn tại. Nhưng chuyện nó sẽ trở lại thời hoàng kim thì khó. Thời hoàng kim xưa có nhiều rạp thuận lợi để người diễn và người xem chọn. Gần như mỗi đoàn đều có những bầu gánh và nhóm soạn giả tài năng để đo ni đóng giày cho dàn diễn viên của họ, kịch mục vì thế phong phú, đáp ứng lòng mong đợi của khán giả. Mỗi sân khấu đều có vài ngôi sao. Nhưng hiện nay thì không có những điều kiện như vậy.
Chúng tôi vừa được xem nguyên vở và các trích đoạn của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai. Để có thể bảo đảm 155 suất diễn mỗi năm, các nghệ sĩ của nhà hát này đã được thay phiên nhau đóng chánh, với khát vọng trong tương lai, tất cả những ai từng đóng chánh sẽ thành ngôi sao. Giám đốc nhà hát là Quế Anh, xuất thân diễn viên, trong tình thế thiếu kịch bản, đã mạnh dạn kiêm luôn những công việc nhọc nhằn của nghề như chuyển thể, làm soạn giả và cả đạo diễn.
* Trong bối cảnh giải trí đại chúng đa phương tiện như hiện nay, cải lương phải chăng đang thiếu tính liên kết về tính đại chúng ở nhiều khía cạnh?
- Các bầu gánh ngày xưa là những nhà tổ chức chiến lược đại tài trong việc nghiên cứu tính đại chúng. Có những lúc ngồi trong lòng một hội diễn toàn quốc, dù được giải thưởng cao, tôi và NSND Xuân Huyền vẫn phải kêu trời vì sự nhẫn tâm của những vị “bầu quốc doanh”, chỉ chọn những vở chiều lòng ban tổ chức và ban giám khảo, mà bất chấp đóng góp của anh chị em.
Thật sự hãi sợ khi bị sống trong tâm trạng của cậu Vania trong vở kịch cùng tên của Anton Chekhov, cứ phải đi làm đầy tớ cho tên viện sĩ, chuyên nói những điều mà “người thông minh thì biết hết cả rồi, còn bọn ngu dốt không thèm quan tâm đến”.
Cái thiếu và cái giới hạn của cải lương bây giờ đâu phải nằm ở chính bản thân nó. Chúng ta thiếu những lãnh đạo nghề có tâm và có tầm để quan tâm tới cải lương, rạp hát thật tử tế, nằm tạo điều kiện cho những tài năng cải lương (từ nghệ sĩ tới soạn giả, nhà quản lý) được phát tiết tinh hoa để cho ra những sản phẩm thỏa lòng mong đợi của đa số khán giả tri âm.
* Có thể nói, hình thức biểu diễn trên sân khấu cố định đã là phương thức truyền thống, nơi khán giả muốn xem thì phải đích thân đến tận nơi. Tại sao cải lương không tích hợp thêm các phương thức mới như đưa YouTube, Facebook để có thêm công cụ lưu trữ, truyền tải, quảng bá, kinh doanh?
- Câu hỏi này sẽ được ai trả lời? Theo tôi biết, lác đác có vài cá nhân đã làm việc mà câu hỏi bạn đặt ra. Nhưng rồi theo thời gian, có lẽ “lòng son cũng mỏi”, những công việc đó cũng dở dang và không phát triển. Chúng tôi vẫn hy vọng vào một thiểu số yêu cải lương của các bạn trẻ. Các bạn ấy biết cách làm và đang kiên trì với đam mê của mình.
Khi tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ lão thành, những nghệ nhân làm phục trang, đạo cụ, biết các cụ ấy mơ tới một bảo tàng thật sự cho cải lương, chúng tôi hy vọng rằng mọi ý tưởng để giữ gìn và truyền bá cải lương không phải là những hy vọng hão huyền.
* Theo chị, cần có thêm công cụ, điều kiện và hoàn cảnh khảo sát thế nào để biết sức sống thực sự của cải lương hiện nay?
- Phải có những nhà nghiên cứu tư nhân hằng tâm hằng sản, thì sức sống thực sự của cải lương mới có thể phơi rõ ra như thực tế nó đang là. Làm sao tin được những nhà nghiên cứu không nhìn ra sự vô lý trong việc xây dựng kiểu nhà hát cải lương tốn trên 130 tỷ mà những vở diễn cải lương tử tế không thể mang vào, các nghệ sĩ cải lương tài danh phải trở lại thời “hát cương” ở những vụ cúng đình như thời xưa trước khi có rạp.
Một nghệ sĩ cải lương đã đau lòng nói với chúng tôi “cải lương hiện đang bị đẩy vào thảm cảnh đi giành đất diễn ở đình miếu của hát bội trong các lễ hội kỳ yên”.
* Cảm ơn chị về những chia sẻ này.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất