Nhà văn Phan Việt: Muốn tác phẩm "tử tế", phải quyết liệt lựa chọn

04/08/2009 08:46 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Trong lớp trẻ tuổi viết văn, nếu Nguyễn Ngọc Tư được coi là “hiện tượng” trong suốt những năm 2000, thì Phan Việt được đánh giá là một trong những “đài khí tượng” có khả năng “tiên báo một chiều kích mới cho văn học Việt Nam hiện đại” (*). Bản thân Phan Việt tự nhận mình là “nghiên cứu sinh về công tác xã hội nhưng có viết văn”. Chị có vẻ đang quyết liệt để thoát khỏi con đường mà chính bản thân nhận ra: “Chấp nhận lửng lơ thì văn chương của mình chắc chắn là bị tác động”.

Không ai kể thay câu chuyện của nhà văn

* Đọc xong Suối nguồn (**) do chị hiệu đính, tôi có cảm giác, rằng nếu tôi là một người viết, có thể sẽ muốn... dừng lại vì những gì mình viết ra khó có thể đạt được như thế...

- Không, những người viết văn như tôi thường không nghĩ như vậy, thậm chí nghĩ ngược lại. Nếu nói như nhân vật Roark trong cuốn Suối nguồn thì mỗi người sáng tạo không phải là điểm tiếp nối hoặc điểm kết thúc của một truyền thống mà có thể là điểm bắt đầu của một truyền thống mới. Đơn giản hơn thì tôi nghĩ là mỗi một nhà văn đều tin rằng mình có một câu chuyện cần phải kể, và nếu mình không kể thì không ai kể thay mình cả. Khi họ quyết định viết thì việc đó với họ là cần thiết và có khi rất riêng tư, nó không liên quan tới những người tới trước, tới sau, hoặc đương thời.


* Suối nguồn tác động mạnh mẽ đến người đọc trong mọi ngành nghề. Chị, với vị thế của một người viết văn và một người Việt sống ở Mỹ đã chịu sự ảnh hưởng thế nào từ tác phẩm này?

- Tôi thích cuốn sách ở một số quan điểm chính của nó chứ không phải về văn chương vì thực sự là Rand và tôi theo những mô hình văn chương rất khác nhau, thuộc về những thời đại khác nhau. Tôi ủng hộ tư tưởng cơ bản của cuốn sách, tức là mỗi con người là một cái đích tự thân, và họ nên sống như trên tinh thần là cuộc sống của mình là cái đích tự nhân đó thay vì để những thứ quan niệm xã hội phủ bóng, thậm chí đè bẹp cuộc sống của họ. Nhưng cái mà tôi không đồng ý với Rand là thế giới của bà ấy là một thế giới không cho phép sai lầm, không có chỗ cho sự khoan nhượng, mềm yếu, không có chỗ cho sự bất hợp lý theo định nghĩa lý tính của bà ấy; và bà ấy cũng dùng lý tính để giải thích tất cả phần thế giới cảm giác và tâm linh. Tôi thấy là thế giới thực và ngay cả thế giới lý tưởng cũng không phải là như thế.

* Có điều gì làm chị cảm thấy thú vị trong quá trình hiệu đính tác phẩm?

- Thực sự là khi hiệu đính, tôi phải đối chiếu từng câu, từng chữ trên toàn bộ bản dịch chứ không phải chỉ có đọc bản tiếng Việt thấy xuôi là bỏ qua. Khi làm cái công việc đối chiếu này, tôi nhìn rất rõ các mức độ vênh từ lớn đến nhỏ giữa bản gốc và bản dịch - thường là vênh không phải vì dịch sai nghĩa mà vênh vì dịch chưa tối ưu, chưa “đẹp”. Tức là nó là cái khác nhau giữa một từ “đúng” và một từ “gần đúng”. Tôi nghĩ là một nhà văn và người dịch luôn phải theo đuổi cái từ “đúng” và cảnh giác cao độ với những từ “gần đúng”.

* Được biết, hiện nay chị cũng đang dịch một tác phẩm khác nổi tiếng không kém Suối nguồn, cũng của Ayn Rand. Có thể nhìn thấy thêm điều gì từ tác giả này so với cuốn sách đang gây tiếng vang khá lớn tại Việt Nam?

- Đúng là từ năm 2008 thì NXB Trẻ đã nhờ tôi tiếp tục tổ chức dịch cuốn Atlas Shrugged (tạm dịch là Atlas vươn mình) nhưng tôi biết là tôi không thu xếp được thời gian nên tôi không nhận và có giới thiệu một số người cho NXB Trẻ, không rõ bây giờ tiến độ đến đâu.

Atlas Shrugged, Ayn Rand triển khai rất rõ ràng các luận điểm của bà về các nền tảng kinh tế, chính trị, đạo đức, văn hóa của một xã hội mà loài người cần phải đạt tới so với cái xã hội hiện tại. Bà ấy chứng minh thông qua cuốn sách này vì sao cái mô hình xã hội cho phép nhà nước can thiệp quá sâu vào các hoạt động kinh tế và văn hóa, và lấy đạo đức tập thể kiểu cảm tính đè lên lựa chọn lý tính của cá nhân sẽ đưa tới sự hủy hoại của cả từng cá thể trong xã hội lẫn toàn xã hội. Chẳng hạn, Rand khẳng định việc xã hội xưa nay hay răn dạy con người rằng đồng tiền là nhơ bẩn, là nguồn gốc mọi tội lỗi, vân vân... là một thứ răn dạy hết sức sai lầm. Bà ấy cho rằng trái lại cần tôn vinh đồng tiền như là biểu hiện của sự trao đổi ngang bằng của trí tuệ đã được tích vào cái sản phẩm đem ra trao đổi lấy tiền.

* Cá nhân chị có làm một phép so sánh nào giữa Suối nguồn Atlas?

- Để cho công bằng, tôi phải nói là bản thân Ayn Rand thì coi Atlas Shrugged là cuốn tiểu thuyết đỉnh cao của bà ấy. Cá nhân tôi thì thấy là cuốn Atlas Shrugged đặt ra các câu hỏi ở mức độ sâu rộng hơn so với Suối Nguồn. Nhưng cũng vì Rand muốn giải quyết tất cả mọi thứ trong cuốn sách này cho nên về mặt văn chương, bà ấy không quán xuyến hết được tác phẩm. Đứng về mặt dễ theo dõi cho một người đọc bình thường thì Suối nguồn dễ đọc hơn. Tuy thế, tôi tin là tất cả những ai có quan tâm đến Ayn Rand, đã từng đọc Suối nguồn, hoặc là quan tâm đến một nhánh tư tưởng triết học cụ thể trong xã hội Mỹ do Ayn Rand phổ biến thì không thể bỏ qua cuốn Atlas Shrugged được.

* Điều gì khiến chị tìm đến với dịch thuật?

- Cái thích nhất ở việc dịch là vào từng khoảnh khắc một, đứng trước một diễn đạt của ngôn ngữ gốc, mình phải cố gắng tìm một diễn đạt tối ưu trong tiếng Việt. Những lúc như vậy, có cảm giác như nếm được vị khác nhau của từ ngữ vậy. Tôi cũng thích cái cảm giác là khi mình dịch một tác phẩm, sẽ có nhiều người khác nữa cùng được đọc tác phẩm đấy.

Tôi thì không tìm đến dịch thuật và cũng không có ý định trở thành dịch giả, tôi chỉ muốn viết thôi. Cuốn Suối nguồn là một trường hợp đặc biệt vì tôi giới thiệu sách cho NXB Trẻ và họ nhờ làm nên tôi nhận lời.

Sẽ viết hoàn toàn về Việt Nam

* Tôi từng khâm phục khi lần đầu tiếp xúc với những tác phẩm của chị vì cách nhìn và cả những kiến thức mới mẻ. Nhưng sau đó cũng nhận ra sự giới hạn của nó trong biên giới những câu chuyện của người xa xứ. Và tôi, với tư cách người đọc, từng chờ đợi cách nhìn của chị về một vấn đề gì đó mới mẻ hơn. Chị nghĩ sao về điều này?

- Cái này đúng rồi, tôi biết rất rõ những hạn chế của tôi đến thời điểm này. Lý do thì rất rõ ràng: suốt thời gian qua, tôi luôn buộc phải phân tán thời gian và công sức thành hai phần, một nửa dành cho chương trình tiến sỹ, một nửa dành cho văn chương; cho nên đến tận bây giờ, tôi vẫn đang viết ở tình trạng “tranh thủ”. Cũng có một lí do nữa là tôi đến với văn chương như một sự rẽ ngang. Với những người như tôi, bao giờ cũng mất một thời gian để có thể điều chỉnh. Gần đây, tôi có đọc một phỏng vấn với Toni Morrison, bà ấy cũng nói một ý tương tự như vậy. Tức là khi bắt đầu viết, Toni Morrison đang là biên tập viên của một nhà xuất bản. Kể cả sau khi đã in đến hai tiểu thuyết, bà ấy vẫn nghĩ về mình như là “một biên tập viên có viết văn” chứ không phải “tôi là một nhà văn”. Phải sau đó, bà ấy mới từ bỏ công việc biên tập để thành nhà văn hoàn toàn. Suốt thời gian vừa qua, tôi cũng luôn ở trong tình trạng “tôi đang là nghiên cứu sinh về công tác xã hội nhưng có viết văn”. Nhưng mà chấp nhận mình lửng lơ thế này thì văn chương của mình chắc chắn là bị tác động. Gần đây tôi thấy rất rõ điều này và hiểu là muốn làm cái gì tử tế cũng phải quyết liệt lựa chọn, chừng nào còn muốn an toàn thì chừng đó tác phẩm của mình còn lấp lửng.

* Nếu có, điều gì đang làm chị quan tâm sau những vấn đề nảy sinh từ đời sống của người Việt ở Mỹ và sự xung đột, giao thoa văn hóa?

- Về lâu về dài, tôi sẽ quay lại viết về Việt Nam, hoàn toàn về Việt Nam. Viết truyện ngắn thì có thể viết về người Mỹ và nước Mỹ thoải mái, nhưng với tiểu thuyết thì tôi muốn quay về Việt Nam vì thật sự là với người viết như tôi, khi nói về một Mary hay David nào đấy, tôi không cảm thấy có cái rứt ruột như khi tôi nói về một người Việt Nam. Cái này rất đơn giản là một người Mỹ có nhiều tự do để định đoạt số phận của họ hơn nhiều, tôi không nhìn thấy họ bị nghiến bởi định kiến xã hội và lịch sử như cách mà nhiều số phận Việt Nam trải qua. Nhưng thời gian sống ở Mỹ, về lâu về dài, sẽ rất có ích cho tôi. Xã hội Mỹ cho tôi thấy là có một biên độ dao động rất lớn và nhiều lựa chọn cho cuộc sống con người, người ta có thể sa ngã kinh khủng và cũng có thể làm những điều vĩ đại, và người Việt Nam thực ra cũng có thể đa dạng như thế trong nội tâm và hành động, có điều cái khung xã hội làm cho họ biểu hiện ra thường chỉ theo một số rất ít các khuôn mẫu.

* “Văn chương của một người có trình độ cao” là nhận xét của BGK văn học tuổi 20 lần III về những tác phẩm của chị. Tuy nhiên, lại có ý kiến khi đọc nhiều hơn những tác phẩm sau này, cho rằng kiến thức chị có được chưa thật sự thẩm thấu, vẫn nằm bên ngoài chiều sâu của tác phẩm. Và Phan Việt hình như cũng không giấu được sự ham thích thể hiện những hiểu biết về triết học, hay thế giới của khoa học, công nghệ của nước Mỹ, khi viết một tác phẩm văn học.

- Nó lại quay trở lại vấn đề mà tôi đã nói ở trên, là đến giờ tôi vẫn luôn phải phân tán cho chương trình tiến sỹ, và viết văn trong tình trạng tranh thủ. Tôi cũng cần thời gian để tẩy tất cả những thứ tôi đã học trong trường ra khỏi đầu vì chúng tuy cực kỳ có ích nhưng mà chúng cũng ảnh hưởng tới văn chương. Anh nói “ham thích thể hiện những hiểu biết” thực ra không đúng; nó có thể là sự vụng về trong viết lách chứ không phải ham thích thể hiện. Tôi từ xưa tới nay là người thích chia sẻ kiến thức, khi tôi đi dạy học, tôi biết 5, thì tôi dạy lại cho học sinh mình cả 5, cái này nhiều khi nó tràn sang cả các việc khác; nhưng tôi không bao giờ có ham muốn thể hiện cả.

* Việc không đề ý đến bút pháp khi viết, theo chị sẽ thu lượm và bị hạn chế bởi những điều gì?

- Bút pháp đôi khi là cách mà các nhà phê bình và nghiên cứu dựng lên để đơn giản hóa và cụ thể hóa một cái vốn rất mù mờ với người bên ngoài là giá trị thẩm mỹ của ngôn ngữ và tính sáng tạo của một nhà văn. Còn với các nhà văn, thì vấn đề với họ rất đơn giản: họ chỉ nhằm đến việc kể thật tốt câu chuyện mà họ muốn kể, bằng ngôn ngữ mà họ thấy là tự nhiên nhất với họ, nó là cái giọng riêng, giống như mỗi chúng ta thực ra nói giọng rất riêng trong đời sống hàng ngày. Giọng chính là một phần cực lớn của bút pháp. Theo tôi thấy thì những cái hạn chế và không hạn chế của một tác giả thường không nằm ở chỗ họ có biết bút pháp này bút pháp kia hay không, mà ở chỗ họ chín đến đâu trong tư cách nhà văn và họ thoải mái đến đâu với cái riêng biệt, cái độc đáo của mình. Tức là suy cho cùng là họ thoải mái đến đâu trong việc là chính mình, với giọng của mình và câu chuyện mình kể.

* Chị đọc những tác giả nào ở nước ngoài và trong nước?

- Tôi đọc hầu hết các tác giả kinh điển như tất cả những người yêu thích văn học khác. Sau đó thì tôi theo dõi thường xuyên các tác giả đương đại được giới thiệu trên các tạp chí văn học có uy tín ở Mỹ. Với tác giả trong nước thì nói thật là đếm trên đầu ngón tay số người cùng viết thể loại văn như tôi, còn với văn học thương mại thì nó không phải dòng tôi theo nên tôi ít đọc hơn. Nói thực là tôi chú trọng ngôn ngữ lắm, nếu diễn đạt của một tác giả mà cũ và dễ dãi thì tôi chịu, không cố đọc nổi.

* Họ đã tác động hoặc ảnh hưởng thế nào đến những trang viết của chị?

- Nó là vấn đề trang bị những kỹ thuật căn bản nhất; và ngoài ra thì nó cũng có tác dụng mang lại khích lệ tinh thần là có những người đã kiên nhẫn làm công việc này một cách tử tế nhất, dù no đói thế nào. Tôi lấy ví dụ như Hemingway dạy cho tôi về sự tiết kiệm, tính chính xác của ngôn từ, cách đọc tâm lý nhân vật; Hugo dạy cho tôi cách tin vào những thứ không diễn giải được bằng lý tính trong lúc viết, còn có rất nhiều người khác dạy cho tôi về bố cục. Còn lại thì câu chuyện mà một nhà văn muốn kể bao giờ cũng là câu chuyện của riêng anh ta, nó không nảy sinh từ một nhà văn khác hay một tác phẩm khác.

Văn chương không phải nghiệp chướng

* Chị đang dấn thân vào công việc học hành ở một xứ sở văn minh. Nhưng đọc tác phẩm của chị, tôi cũng nhận ra chị ý thức rất rõ sự mù mịt hay hoang mang của con đường chữ nghĩa và những bất công nó mang lại cho cuộc sống con người, bên cạnh những giá trị ai cũng đã biết. Chị có tự tin vào sự lựa chọn của mình không, với công việc học tập của mình hiện nay và việc sẽ trở lại Việt Nam trong thời gian tới?

- Ở thời điểm mà tôi chọn làm tiến sĩ về công tác xã hội thì tôi chưa viết văn nên lúc đó dĩ nhiên là rất tự tin vào lựa chọn của mình. Bây giờ thì thấy nó vừa có lợi, vừa có hại; lợi dĩ nhiên nhiều hơn, nhưng mà cũng vì đầu tư vào nó nhiều và thích ngành đó nên bây giờ phải rất quyết tâm mới vứt bỏ nó hoàn toàn để viết văn được. Giá mà có thể sống tạm được bằng viết văn thì tôi chẳng phải suy nghĩ gì, nhưng điều kiện bây giờ thì không thể nên tôi cứ đợi mình tốt nghiệp vào tháng Mười hai đã rồi tính sắp xếp cuộc sống thế nào để có thể giảm thiểu thời gian kiếm tiền và có tối đa thời gian viết.

* Còn con đường với văn chương, nó thênh thang với tất cả những người viết lách, nhưng có chỉ dẫn cho chị một cái đích tốt đẹp nào cho bản thân chị không?

- Ngay lúc này thì văn chương đã là một cái tốt đẹp trong cuộc sống của tôi rồi vì nó làm cho tôi thấy cuộc sống đơn giản, nhìn chỗ nào cũng thấy những câu chuyện kể lớn nhỏ khác nhau, ai cũng là nhân vật, mình để ý nghe thì ai cũng có câu chuyện để kể cả. Tôi nghĩ là người ta chọn cách nào cũng được, viết nhạc, làm báo, làm thợ xây, làm giáo viên, nhà nghiên cứu, làm kinh doanh, làm gì cũng được, nhưng nếu như người ta say mê và chuyên tâm đủ mức thì người ta có thể đạt đến một cảm giác khai sáng và tự do rất quý; với tôi thì con đường đấy là văn chương. Quan niệm ở Việt Nam có vẻ coi văn chương là nghiệp chướng, tôi thì không thấy vậy.

* Công việc và đời sống hàng ngày của chị ở Mỹ hiện nay có thể được giới thiệu với người đọc trong nước thế nào?

- Vào ngay lúc này thì cuộc sống của tôi chỉ có xoay quanh việc lấy bằng tiến sĩ vào tháng Mười hai. Tôi tới trường hàng ngày như một người đi làm bình thường, từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Tôi cũng làm một số công việc tư vấn từ xa và vẫn đang viết - chắc là giữa năm tới anh sẽ thấy sách mới của tôi.

(*) Nhận xét của BGK Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 - lần II.
(**) Suối nguồn (The Fountainhead) của Ayn Rand (NXB Trẻ, 2008), cuốn sách đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do nhật báo New York công bố theo bình chọn của độc giả.


Phan Việt (1978) đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ ba, đã xuất bản: Phù phiếm truyện (tập truyện ngắn, 2005), Tiếng người (tiểu thuyết, 2008), Nước Mỹ, Nước Mỹ (tập truyện ngắn, 2008) và đảm nhiệm vai trò hiệu đính công trình dịch thuật Suối nguồn - một trong hai tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20. Hiện là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ ngành công tác xã hội tại Đại học Chicago, Mỹ.

 
Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm