14/08/2013 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hôm qua (13/8), tính theo dương lịch, nhà văn - nhà Nam bộ học - ông già Sơn Nam qua đời vừa tròn 5 năm. Tại mộ phần của ông ở hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, gia đình, người hâm mộ và Ban Quản lý nghĩa trang đã tổ chức buổi tưởng niệm ông.
Sơn Nam để lại 44 đầu sách và hơn 10 ngàn trang bản thảo cho đời. Vào tháng 3/2003, ông đã “chọn mặt gửi vàng” toàn bộ tác phẩm của mình cho NXB Trẻ toàn quyền khai thác. Đặc biệt là, dù cả đời sống trong nghèo khó, nhưng Sơn Nam đã tặng tác phẩm của mình cho NXB Trẻ mà không hề lấy một đồng nhuận bút. Nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất Sơn Nam, NXB Trẻ ấn hành cuốn Văn hóa Nam bộ qua cái nhìn của Sơn Nam. Đây là luận văn thạc sĩ được bảo vệ tại Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM của tác giả Võ Văn Thành với điểm số xuất sắc.
Gia đình, người thân chụp ảnh lưu niệm tại mộ phần nhà văn Sơn Nam
Nam bộ, nơi đâu cũng là cố hương
Nhà văn Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tài nhưng người viết giấy khai sinh ghi thành Phạm Minh Tày do phát âm giọng Nam bộ Tài hay Tày đều giống nhau. Ông sinh ngày 11/12/1926 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) thuộc vùng Miệt Thứ của rừng U Minh với những cánh rừng ngập mặn che khuất cả mặt trời.
Cuộc sống của ông trải rộng khắp các tỉnh, thành Nam bộ. Thuở nhỏ học tiểu học tại Rạch Giá, học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945 ông tham gia cách mạng, từng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Sau năm 1954 ông lên Sài Gòn sống bằng nghề viết văn, viết báo. Năm 1960 - 1961 ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam 18 tháng.
Kỳ lạ là, có ba nơi lưu dấu Sơn Nam trên vùng đất Nam bộ sẽ tổ chức tưởng niệm ông. Sài Gòn nơi ông sống và viết, sẽ được NXB Trẻ tổ chức một buổi tọa đàm về Sơn Nam dự kiến vào tuần sau; Nhà lưu niệm Sơn Nam ở tỉnh Tiền Giang sẽ làm đám giỗ vào ngày 19/8, tức ngày 13/7 âm lịch. Và hôm qua (13/8) là tại Bình Dương, nơi tọa lạc mộ phần của ông. Nhà thơ, soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà cho rằng, với Sơn Nam, nơi đâu trên vùng đất Nam bộ này đều là cố hương để ông trở về.
Buổi tưởng niệm 5 năm ngày mất Sơn Nam tại Bình Dương thu hút rất đông trí thức, nghệ sĩ, người hâm mộ thuộc nhiều thế hệ về dự. Bởi sự nghiệp văn chương của Sơn Nam quá lớn, chưa kể ông còn là một danh nhân của văn hóa Nam bộ.
Văn hóa Nam bộ qua cái nhìn của Sơn Nam của Võ Văn Thành
Lương tâm của nhà văn thuyết phục nhà khoa học
Đã có nhiều nghiên cứu khoa học ở các cấp độ về tác phẩm của Sơn Nam. Luận văn thạc sĩ của Võ Văn Thành cũng nằm trong số đó nhưng đặc biệt hơn các luận văn khác là nghiên cứu về những “nghiên cứu” của Sơn Nam về Nam bộ. Ai cũng biết Sơn Nam là nhà văn chuyên nghiệp viết đủ thể loại trong đó có nghiên cứu. Nhưng xét từ góc nhìn khoa học, các nghiên cứu của Sơn Nam là của người không chuyên thực hiện. Tuy nhiên, những nghiên cứu của ông luôn được giới làm khoa học đánh giá cao vì “lương tâm” của nhà văn.
TS Lý Tùng Hiếu (ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhận xét về công trình của Võ Văn Thành: “Cái khó của việc nghiên cứu “Văn hóa Nam bộ qua cái nhìn Sơn Nam”, như tiêu đề cuốn sách, chính là nằm ở phong cách nghiên cứu và viết lách độc đáo của Sơn Nam… Trong sự nghiệp của ông, hàm chứa rất nhiều tư liệu cá nhân, cảm nhận cá nhân, phỏng đoán cá nhân mà người đọc chỉ có thể tin tưởng do tin tưởng vào bản thân ông với tư cách là một người có lương tâm nghề nghiệp”.
Theo nhà văn Võ Đắc Danh, Sơn Nam xem viết văn là cái nghề, cái nghiệp để mưu sinh nhưng không phải là bằng mọi giá mà phải có lương tâm và hướng về người đọc: “Phải viết cho đàng hoàng, phải có lương tâm nghề nghiệp thì các báo, các nhà xuất bản họ mới mua tác phẩm của mình, độc giả họ mới đọc của mình”.
Thật vậy, lúc sống Sơn Nam rất nghèo, ông thường vay tiền bạn bè, đồng nghiệp, chủ các báo để cho qua “cơn ngặt”. Nhưng không vì nghèo túng mà ông viết “lấy được”. GS Trần Văn Khê đã nói: “Trong suốt cuộc đời, anh đã đem văn hóa miền Nam nước Việt đến với bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước”.
HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa
Cần tìm hai tác phẩm thất lạc của Sơn Nam NXB Trẻ cho biết đang cần tìm lại hai tác phẩm bị thất lạc của nhà văn Sơn Nam, đó là tập thơ duy nhất có tên Lúa reo và tập truyện Bên rừng cù lao Dung. Tập truyện đoạt giải Nhất trong cuộc thi văn học do Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ tổ chức vào năm 1952. Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, người biên tập sách Sơn Nam lâu năm ở NXB Trẻ, thì những người biết đến tập truyện này thời 9 năm chống Pháp hiện không còn nhiều. Ông Sáu lo lắng: “Không biết rồi đây có tìm được Bên rừng cù lao Dung để công bố cùng bạn đọc và cũng để cho hương hồn ông nơi chín suối được thấy đứa con bị thất lạc trở về đoàn tụ trong đội hình tác phẩm Sơn Nam”. Những ai có được tập truyện Bên rừng cù lao Dung xin gửi về NXB Trẻ, dù chỉ là bản photo cũng sẽ được NXB này hậu tạ. Giải thưởng mang tên Sơn Nam “Sau một thời gian tích lũy, nhuận bút các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam đã gần đủ để tổ chức một giải thưởng văn chương mang tên ông già Nam bộ. Dự kiến, cuối năm 2013 chúng tôi sẽ triển khai giải thưởng này dành cho tất cả các tác phẩm viết về vùng đất Nam bộ mà Sơn Nam đã từng sống và viết” (Phát biểu của ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất