Mỹ và Cuba cải thiện quan hệ: Ngoại giao bóng chày

01/01/2015 15:53 GMT+7 | Thế giới Sao

(lienminhbng.org)- Sau nhiều tháng thảo luận bí mật, Mỹ dự kiến sẽ khôi phục lại quan hệ ngoại giao cấp nhà nước với Cuba lần đầu tiên kể từ năm 1961. Đối với hàng triệu người dân Cuba, đây là một sự kiện mang tính lịch sử nhưng sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không biết rằng, sự kiện này sẽ có một tác động tới giải Bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) vốn hiếm hoi sở hữu những tài năng Cuba như Yasiel Puig và Yoenis Cespedes góp mặt.

Con đường nguy hiểm

Trước cuộc cách mạng Cuba năm 1959, những cầu thủ sinh ở Cuba đều thi đấu ở MLB và giải American Negro Leagues. Sau khi Mỹ và Cuba cắt đứt quan hệ, cầu thủ Cuba luôn phải trải qua một hành trình gian khổ nếu họ muốn theo đuổi sự nghiệp bóng chày chuyên nghiệp.

Chẳng hạn như hồi tháng 4 vừa qua, tạp chí Los Angeles đã công bố hồ sơ điều tra có liên quan đến một cầu thủ của Los Angeles Dodgers là Yasiel Puig. Sau năm lần trốn đi không thành khỏi Cuba, nơi anh nhận được vỏn vẹn 17 USD mỗi tháng, Puig cuối cùng đã đến được Mỹ. Cái giá mà cầu thủ bóng chày này phải trả là anh trở thành nạn nhân của một vụ bắt cóc, rồi tống tiền, bị tình nghi là giết người...

Hay trong tháng 11, tòa án bang ở Miami đã tuyên phạt Eliezer Lazo mức án 175 tháng tù vì buôn lậu hơn 1.000 người Cuba, trong đó có một số cầu thủ bóng chày, đến Mỹ. Theo hồ sơ cáo trạng, Lazo nhận của mỗi người khoảng 10.000 USD hoặc nhiều hơn thế từ các cầu thủ bóng chày nếu họ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Trong số này có Leonys Martin của đội Texas Rangers. Dĩ nhiên thì Puig và Martin không phải là những người Cuba theo đuổi sự nghiệp tại Mỹ qua một con đường nguy hiểm như vậy.



Bất chấp những khó khăn, bóng chày vẫn là môn thể thao số 1 tại Cuba

Trước họ có cầu thủ giao bóng Orlando "El Duque" Hernandez của New York Yankees và sau là Chicago White Sox. Hernandez trốn khỏi Cuba năm 1997, chỉ hai năm sau khi người anh cùng cha khác mẹ là Livan Hernandez, cầu thủ vô địch World Series với Florida Marlins trong mùa giải đầu tiên 1997, đến Mỹ.

Phải thừa nhận là trong nhiều thập kỷ, cầu thủ bóng chày Cuba nếu muốn thi đấu ở trình độ cao và cũng là để kiếm tiền đều phải qua các đường dây buôn người. Vì thế, một khi quan hệ giữa Mỹ và Cuba bình thường trở lại, cơ hội thi đấu của cầu thủ bóng chày Cuba tại Mỹ có thể dễ dàng và thuận tiện hơn.

Tới Mỹ

Thực tế thì các cầu thủ nước ngoài có thể đến Mỹ và chơi bóng chày bằng nhiều cách. Tại nước Cộng hòa Dominican, các đội bóng của MLB đã đầu tư hàng triệu USD vào những trung tâm đào tạo để tìm kiếm tài năng, huấn luyện rồi kí hợp đồng. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao tại MLB, số cầu thủ sinh tại Dominican nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, trong năm 2014 là 83 cầu thủ Dominican. Phần lớn họ nằm trong nhóm cầu thủ nước ngoài và số lượng phân bổ ở mỗi đội MLB dựa theo thành tích của họ ở mùa giải trước.

Dĩ nhiên thì việc các đội bóng của MLB lập ra các trung tâm đào tạo ở Dominican, Venezuela, Puerto Rico hay Mexico giúp họ có được nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng nhưng hệ thống này cũng tác động ngược trở lại với bóng chày của những quốc gia nói trên. Bởi giấc mơ của mọi cầu thủ Dominican là được thi đấu ở Mỹ. Họ không muốn gắn bó với Dominican và trở thành người hùng tại đây vì thu nhập, cơ hội phát triển sự nghiệp là rất thấp.



Đội tuyển bóng chày Cuba

Trong khi đó ở Nhật Bản, các đội bóng của MLB sẽ phải trả phí chuyển nhượng cầu thủ cho đội bóng sở hữu anh ta nếu muốn đàm phán và kí hợp đồng. Hệ thống này khá giống với bóng đá vì nó ngăn cản tình trạng chảy máu cầu thủ bởi những đội bóng của MLB đều giàu có và sẵn sàng đưa ra nhiều đề nghị hấp dẫn như New York Yankees và Red Sox. Lấy ví dụ, Red Sox đã phải trả cho Seibu Lions số tiền lên đến 51,1 triệu USD để sở hữu Daisuke Matsuzaka vào năm 2006 (bản thân hợp đồng của Matsuzaka là 52 triệu USD). Rõ ràng thì đây là một khoản lợi nhuận rất lớn cho Lions và giúp các đội bóng của Nhật Bản duy trì khả năng cạnh tranh.

Tương lai nào cho bóng chày Cuba?

Dự kiến Cuba sẽ đi theo mô hình giống với Nhật Bản thay vì trở thành sân sau cho các đội bóng của MLB. Điều này cho phép Cuba duy trì vai trò kiểm soát đối với cầu thủ của họ, cũng như thu về một nguồn ngoại tệ phục vụ cho sự phát triển kinh tế.

Đương nhiên thì trong tương lai, các cầu thủ bóng chày Cuba sẽ không phải mạo hiểm với tính mạng để trở thành một ngôi sao MLB. Ngược lại, họ cũng không còn nhận được một bản hợp đồng giá trị theo dạng cầu thủ tự do như hợp đồng 42 triệu USD của Puig. Nghĩa là những cầu thủ Cuba trốn đi theo con đường buôn bán người trong thời gian gần đây có thể đã là những cầu thủ cuối cùng nhận được hợp đồng bom tấn: Jose Abreu kí hợp đồng 69 triệu USD vào mùa đông năm ngoái,  Yasmany Tomas là 68,5 triệu bảng hay Rusney Castillo là 72,5 triệu USD. Trong những hợp đồng này, thể thao và kinh tế Cuba không nhận được gì, xét cả về góc độ chuyên môn khi nhiều tài năng rời bỏ đất nước và tiền bạc khi ngân sách nhà nước thất thu một khoản tiền thuế lớn.

Tình yêu bóng chày

Bất chấp sự khác biệt về mặt chính trị, Cuba và Mỹ luôn có một điểm chung là tình yêu với môn bóng chày. Thật khó tin là giữa hai nước đã có sự gắn kết qua môn thể thao này từ hàng trăm năm. Vì thế, sau tuyên bố của tổng thống Barack Obama về việc khôi phục lại qua hệ giữa Mỹ và Cuba, một chương mới trong mối quan hệ bóng chày Mỹ - Cuba sẽ được mở ra. Và trong trường hợp Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại, các đội bóng Mỹ một ngày nào đó sẽ trở lại Cuba như 77 năm trước và cầu thủ Cuba có thể kí hợp đồng ở Mỹ mà không phải lo chạy trốn bất hợp pháp.

Một số dấu mốc quan trọng trong quan hệ bóng chày Mỹ - Cuba

-1864: Bóng chày xuất hiện ở Cuba khi các sinh viên Cuba mang theo từ Mỹ. -Ngày 1/5/1871: Esteban ''Steve'' Bellan trở thành cầu thủ Mỹ Latin đầu tiên chơi bóng chày ở Mỹ khi ông ra mắt đội Troy Haymakers.

- 29/12/1878: Trận đấu bóng chày đầu tiên diễn ra ở Cuba giữa Habana và Almendares. Bellan chính là HLV của Habana.

-1937: New York Giants tập huấn ở Havana.

-1941-42, 1947: Brooklyn Dodgers tập huấn ở Havana.

-1953: Pittsburgh Pirates tập huấn ở Havana.

-21/3/1959: Chưa đầy 3 tháng sau cuộc cách mạng Cuba, Los Angeles Dodgers và Cincinnati Reds đã chơi trận đấu cuối cùng giữa các đội bóng của MLB tại Cuba trong vòng 4 thập kỷ tới.

-14/1/1962: Fidel Castro cấm thể thao chuyên nghiệp ở Cuba.

-Tháng 9/1995: Cầu thủ giao bóng Livan Hernandez rời đội tuyển Cuba sau chuyến tập huấn ở Monterrey, Mexico. Anh là một trong những cầu thủ nổi tiếng đầu tiên của Cuba trốn tới Mỹ và kí hợp đồng với các đội của MLB.

- 28/3-3/5/1999: Baltimore Orioles và đội tuyển Cuba thi đấu giao hữu ở Havana và Baltimore.

-27/9/2000: Mỹ đánh bại Cuba 4-0 trong trận tranh huy chương vàng ở Olympic Sydney 2000.

-23/8/2014: Rusney Castillo kí hợp đồng 7 năm trị giá 72,5 triệu USD với Boston Red Sox. Đây là hợp đồng lớn nhất của một cầu thủ bóng chày Cuba di tản.


Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm