03/03/2021 20:16 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nữ tác giả Võ Thu Hương có mặt ở cả sách Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021), 2 quyển giáo khoa sẽ được sử dụng kể từ năm học 2021 - 2022. Ở Tiếng Việt 2, đó là các bài tập đọc Góc nhỏ yêu thương, Quê mình đẹp nhất; ở Ngữ văn 6 là truyện ngắn Con muốn làm một cái cây. Đấy là chưa kể truyện ngắn Chỉ là em gấu đi lạc trong sách Bài tập Ngữ văn 6 thuộc bộ sách này.
Được tuyển 4 tác phẩm vào một bộ giáo khoa thật là một niềm vui lớn với người viết văn còn trẻ như Võ Thu Hương. Trên Facebook cá nhân, chị vui mừng “cũng có lúc truyện mình viết ra được in vạn bản”.
Được đứng cùng với bậc thầy Paustovsky trong một bài học
Về các bài tập đọc ở Tiếng Việt 2 Võ Thu Hương cho biết: “Yêu cầu của nhóm biên soạn nghe có vẻ đơn giản: Súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính giáo dục, hướng trẻ đến với tình yêu con người, cuộc sống, yêu văn chương, ngôn ngữ Tiếng Việt
Ban đầu, với yêu cầu ấy tôi cảm thấy: Ồ, dễ mà, văn mình viết cho thiếu nhi bình thường cũng đã thế. Nhưng khi bắt tay viết mới biết là “trần ai”. Chỉ một đoạn văn nhưng sửa tới cả chục lần. Một truyện ngắn phải đủ tính hấp dẫn, cao trào, thắt nút mở nút, nhưng chỉ giới hạn 200 chữ chẳng khác gì đánh đố với tôi. Nhưng lúc ấy, phần vì nể cách làm việc kiên nhẫn của nhóm biên soạn, phần vì nghĩ đến việc câu chữ của mình có cơ hội được trẻ con đọc nhiều hơn nên luôn cố gắng”.
Võ Thu Hương cố gắng tả thực: “Sách, báo được đặt trong những chiếc túi vải, hộp thư sơn màu bắt mắt. Có rất nhiều loại sách hay và đẹp để chúng em chọn đọc như Truyện cổ tích, Những câu hỏi vì sao, Vũ trụ kì thú... Vài bạn đang vui vẻ chia sẻ câu chuyện thú vị bên một khóm hoa xinh. Có bạn ngồi đọc sách trên xích đu được làm từ lốp cao su. Bạn khác nằm đọc thoải mái trên thảm cỏ xanh mát” (Góc nhỏ yêu thương).
Võ Thu Hương cố gắng tưởng tượng, bay bổng: “trong giấc mơ, Nguyên thấy mình và Thảo tình cờ gặp đám mây đang nằm ngủ trên đỉnh núi. Hai bạn nhẹ nhàng leo lên... Đám mây thức dậy, đưa hai bạn lên tận trời xanh” (Quê mình đẹp nhất).
Truyện ngắn Con muốn làm một cái cây của Võ Thu Hương ở Ngữ văn 6 có đoạn: “Con muốn làm một cái cây. Con muốn làm cây ổi trong sân nhà cũ của con. Con muốn luôn bên đám bạn leo trèo mùa ổi chín và thấy ông con ngồi cười hiền lành bên gốc ổi… Một ngày kia, thằng Bum viết như thế trong bài văn cô giáo ra đề: Con hãy nói về ước mơ”.
Truyện Bum nói về ước mơ gắn với cây ổi Việt Nam của mình, được học cùng với truyện bé Đa-ni người Na Uy, trong Lẵng quả thông của Paustovsky (1892-1968) kể câu chuyện nhạc sĩ Eđua Grigơ viết bản giao hưởng đề tặng Đa-nhi Pêđecxen, con gái ông gác rừng Hagrup Pêđecxen, nhân dịp cô tròn 18 tuổi. 2 truyện thành 2 văn bản trong bài số 9 “nuôi dưỡng tâm hồn” mà học sinh so sánh để tìm ra những tương đồng giữa cậu bé Việt và cô bé Na Uy. Sự kết nối này, khuyến khích học sinh lớp 6 tự tin hội nhập với thế giới, kết nối ấy cũng là một khích lệ những người viết trẻ Việt Nam hôm nay, dám sáng tạo theo các chuẩn mực đã thành kinh điển. Sự kết hợp này tạo nét mới cho Ngữ văn 6 bộ Chân trời sáng tạo.
Ngược dòng lịch sử tìm kiếm nhân vật
Võ Thu Hương nói chuyện đường văn của mình: “Tôi vốn không phải là học sinh giỏi văn, dù thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi, nhưng chỉ có giải Khuyến khích. Tuy vậy, tôi có may mắn là, ngay từ khi học lớp 8, tôi và vài bạn thích làm thơ trong lớp đã được cô giáo dạy sinh học, giới thiệu cho một người bạn của cô - là nhà thơ nhà báo Vũ Toàn làm báo Nghệ An. Tòa soạn báo nằm kề bên trường cấp 2 tôi học nên qua gửi bài cộng tác rất tiện. Chú Vũ Toàn là người đầu tiên chỉ cho tôi cách viết văn. Chú là người rất ý tứ khi ban đầu tôi đến gửi bài, cả một tập thơ mà chú lọc mãi mới có thể chọn ra vài dòng ngắn ngủn để đăng báo - có lẽ vì muốn động viên con bé nhiệt tình viết lách hơn là vì chất lượng. Và chú gợi ý tôi viết văn xuôi thay vì tiếp tục làm thơ”.
Có những “người thầy đầu tiên” như thế chỉ đường, nhưng đời văn của Võ Thu Hương cũng có không ít thử thách. Bố đi xuất khẩu lao động, làm ăn thất bát, mẹ phải về hưu sớm khi mới 41 tuổi do cơ quan giảm biên chế. Từ khi về hưu, mẹ mưu sinh bằng những nghề ve chai, bốc than tổ ong, bóc lạc thuê… và Võ Thu Hương theo mẹ suốt hành trình ấy.
Vào năm mẹ sinh em gái, vất vả quá, gửi Võ Thu Hương về cho ông bà ngoại nuôi. Đó là giai đoạn cũng vạ vật trên đồng trên ruộng, theo bà đi mót lạc, mót khoai vì ở nhà không ai trông. Võ Thu Hương tâm sự: “Đến bây giờ, dù đã mười mấy năm, bàn tay mình quanh năm gõ máy vẫn cứng ngắc và chai sần, thô ráp do những năm lớn lên với việc xếp, bốc than tổ ong. Nhưng mà, may mắn lớn nhất là mẹ luôn trân trọng việc học và sở thích văn chương của con. Khi mẹ đi nhặt ve chai, mẹ vẫn để ý tìm kiếm mang về những cuốn sách quý Đaghextan của tôi, Hãy để ngày ấy lụi tàn… cho tôi đọc. Hình như do từ bé, thấy mẹ lao động vất vả để nuôi con, nên khi chọn nghề văn tôi nghĩ đơn giản, đã làm nghề này thì phải “mần” nhiều để tài để nuôi con như mẹ đã nuôi mình”.
Với suy nghĩ ấy, Võ Thu Hương không ngại ngược dòng lịch sử viết cả những chuyện mình chưa từng trải, viết về giai đoạn lịch sử minh chưa sinh ra. Và chị được trao giải thưởng truyện ký Nụ cười chim sắt viết về một nữ biệt động Sài Gòn. Trong truyện ký này, nhân vật tù nhân chim sáo thật sinh động:
“Chú sáo nhỏ gắn bó với chị em chúng tôi được 2 năm thì biết nói… Ban đầu, chú tinh nghịch há mỏ bắt chước tiếng ken két rất chói tai mỗi khi cai ngục mở những ô cửa sắt lâu ngày rỉ sét. Đôi khi chú hét toáng: “Ra đi, ra đi” làm cả mấy chị em háo hức nhầm vì tưởng được cai ngục mở ra cho phơi nắng. Về sau, sáo bắt đầu gọi được tên từng người: “Nguyệt ơi”, “Ánh ơi”… Nó háo hức gọi tên, háo hức nhảy bên này bên kia. Chúng tôi coi con sáo nhỏ như một người bạn, một món quà bất ngờ thượng đế ban tặng cho mình. Dường như đó là món quà hiếm hoi thắp thêm niềm vui sống trong những tháng năm dài đằng đẵng sau những cánh cửa sắt kín bưng. Nhưng món quà ấy chẳng ở lại với chúng tôi mãi”.
Là vì con chim “tù nhân chính trị” ấy trong một lần “tham gia” đấu tranh cùng các bạn tù khác, đã dính đòn vôi bột của lính gác ngục, “sáo đen đã biến thành sáo trắng. Nó nhảy loi choi và kêu dài những âm thanh hoảng loạn. Bộ cánh đen mượt của chú sáo rụng dần, rụng dần. Chỉ 3 hôm sau, chú sáo đã trở nên thảm hại với những vết rộp sưng đỏ ở cổ, ở đầu. Những chỗ lông rụng để lại những vết nhiễm khuẩn đỏ tấy. Chú bỏ ăn. Chị Mẫn vẫn nhai từng chút cơm, chút thịt, nói như van nài: “Sáo nè, ăn đi, ăn đi con. Không ăn làm sao mà sống?”. Đôi mắt chú nhìn mấy chị em như muốn nói rằng, cổ tôi cũng sưng phồng rồi nè, tôi nuốt có nổi đâu mà các chị cứ ép”. Rồi nó chết trong tù!
Có đề tài ngay trong nhà mình
Văn học thiếu nhi là đề tài mà Thu Hương theo đuổi lâu dài, bền bỉ nhất. Trong số 13 cuốn sách đã in của chị thì có tới 8 cuốn sách thiếu nhi. Và vì vậy chị có đề tài ngay trong nhà mình!
Bà mẹ trẻ của 2 con Bống và Đốm kể: “Hai bạn nhỏ của tôi thi thoảng xuất hiện trong tác phẩm của mẹ. Thường là nhân vật trong một vài truyện ngắn, tạp văn… Điều này khá bình thường, với những người mẹ viết văn khác cũng vậy. Nhưng khi đặt bạn nhỏ thành một nhân vật xuyên suốt cuốn sách theo dạng “nhật ký viết giúp” là điều hoàn toàn ngoài dự tính của tôi. Vì, tôi chỉ là một người mẹ bình thường, bé Bống cũng là cô bé hết sức bình thường.
Một lần tình cờ, nhà văn Trần Quốc Toàn gợi ý tôi làm một Nhật ký viết giúp cho Bống nhà mình. Loại sách này có thể thấy khá nhiều trên thị trường sách bấy giờ mà tôi có dịp đọc qua, như sách của nhà văn Dương Thụy, dịch giả Lệ Chi, mẹ của văn sĩ - dịch giả nhí Đỗ Nhật Nam… viết cho con. Chúng tôi cùng chia sẻ những điều thú vị về trẻ con, về những kỷ niệm sẽ trôi qua nhưng nếu có trang sách nào ghi lại, hẳn sẽ còn lại mãi đó…
Chính vì muốn giữ mãi những điều thú vị be bé của Bống nhà mình mà tôi viết cuốn Cảm ơn một khúc bình yên. Cuốn sách dành tặng những người mẹ yêu con gái mình hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì trên thế giới. Cuốn sách thuộc thể loại tạp bút, ghi chép nên việc viết sao để độc giả không thấy chỉ là chuyện vặt vãnh của mẹ con nhà Bống và sẵn sàng bỏ tiền mua sách. Đó là thử thách với một người mẹ rất đỗi bình thường. May mắn rằng, nhiều bà mẹ nói với tôi rằng, họ tìm được những bình yên, ngọt ngào trong đó”.
Vài nét về Võ Thu Hương Nhà văn Võ Thu Hương sinh năm 1983, quê quán Nghệ An, hiện nay đang sống tại TP.HCM. Chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Báo chí Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Nhà văn Võ Thu Hương là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Tác phẩm đã xuất bản: Cảm ơn một khúc bình yên (tạp văn, Chibooks - NXB Văn hóa Văn nghệ), Qua một khúc sông (tập truyện ngắn, Alphabook - NXB Hội Nhà văn), Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? (tạp văn, Alphabook - NXB Lao động Xã hội), Đó là tình yêu (tập truyện ngắn, NXB Trẻ), Đi qua ngày bão (truyện dài, NXB Kim Đồng), Ông già Noel ơi (tạp văn, NXB Kim Đồng), Snoopy làm tôi khóc (tập truyện, NXB Kim Đồng), Nụ cười Chim Sắt (truyện ký, NXB Kim Đồng), Những đóa hoa mặt trời (tập truyện, NXB Kim Đồng), Quà của Thần Núi (tập truyện, First News - NXB Tổng hợp), Về phía bình minh (truyện dài, NXB Văn hóa Văn nghệ), Miền nhớ (tạp văn, NXB Hội Nhà văn), Yêu thương ở lại (tập tản văn NXB Kim Đồng). |
(Còn tiếp)
Thành Thế Minh Tâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất