Nhà văn Vũ Hạnh - Ngọc sáng của người Việt cao quý

21/08/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhà văn Vũ Hạnh đã qua đời vào lúc 6h sáng ngày 15/8/2021 (tức 8/7 năm Tân Sửu) tại TP.HCM. Sự ra đi của ông đã khiến cho rất nhiều người quan tâm đến các tác phẩm mà ông để lại, đặc biệt là cuốn Người Việt cao quý.

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hạnh: Người gửi lại tâm tư 'Người Việt cao quý'

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hạnh: Người gửi lại tâm tư 'Người Việt cao quý'

Vũ Hạnh - tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như "Bút máu", "Người Việt cao quý"… vừa qua đời sáng 15/8 tại TP.HCM, hưởng thọ 96 tuổi.

Dường như cả cuộc đời văn chương của ông là để khám phá phẩm chất ấy, cũng như vẻ đẹp của nền văn hóa dân tộc. Không lạ, khi ông còn là “nhà Kiều học”.

Nhà văn Vũ Hạnh (tên thật là Nguyễn Đức Dũng) sinh ngày 15/7/1926 tại thị trấn Hà Lam, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 

Sinh ra trong gia đình nhà Nho, có điều kiện về kinh tế (cha có hãng xe đò chạy tuyến Đà Nẵng - Nha Trang), ông được cho ăn học chu đáo: Học tiểu học tại huyện Thăng Bình, học trung học tại Đà Nẵng và học tú tài phần II tại Huế. Ông được thụ giáo các thầy giỏi, như thầy Chế Lan Viên (Trường Chấn Thanh - Đà Nẵng); thầy Hoài Thanh, Cao Xuân Huy… (Trường Thuận Hóa của cụ Tôn Quang Phiệt), nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Trường Việt Anh ở Huế). 

Tháng 3/1945, ông tham gia Việt Minh ở quê nhà (huyện Thăng Bình). Sau Hiệp định Geneve, ông tích cực tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở các nhà lao Thăng Bình và Hội An (Quảng Nam) năm 1955. Cuối năm 1956 ra tù, vẫn tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, ông vào Sài Gòn dạy học, làm báo, viết sách… tìm cách liên lạc với cách mạng và tiếp tục các hoạt động cách mạng...

Chú thích ảnh
Chân dung nhà văn Vũ Hạnh trên bìa “Tuyển tập”

Trả lại tên tác giả “Người Việt cao quý”

Tác phẩm ký Người Việt cao quý (A. Pazzi,) được NXB Cảo Thơm xuất bản năm 1965 tại miền Nam được giới thiệu là từ nguyên tác Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila tiếng Italy, tác giả A. Pazzi, Hồng Cúc dịch. 

Thật ra, Người Việt cao quý (A. Pazzi, đọc trại có nghĩa là: bất di, không thay đổi lập trường) là của nhà văn Vũ Hạnh. Sau Hiệp định Paris, tác giả đổi thành Người Việt kỳ diệu (Lạc Việt xuất bản, 1973) do Vũ Hạnh làm “dịch giả”. 

Nhà xuất bản Mũi Cà Mau tái bản tác phẩm Người Việt cao quý với đúng tên thật là nhà văn Vũ Hạnh. Năm 1992, Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM tái bản với tên Người Việt cao quý. Hiện cuốn sách đã hơn 50 lần tái bản đã khẳng định những giá trị bất di bất dịch về lòng tự hào dân tộc được hun đúc mấy ngàn năm lịch sử. Người Việt cao quý là một cuốn sách nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn.

Xin nói thêm về xuất xứ rất đặc biệt của cuốn sách. Trong chế độ cũ, nhà văn Vũ Hạnh đã từng vào tù ra khám nhiều lần. Vì lý do chính trị, an ninh, đảm bảo an toàn cho bản thân, ông đã mượn cái tên A. Pazzi để viết về dân tộc mình. Cuốn sách được giữ bí mật danh tính. Để tung “hỏa mù”, một tin đồn loan ra rằng tác giả cuốn sách là kỹ sư hóa học người Italy, sống ở Sài Gòn nhiều năm nên rất am tường về người Việt.

Chú thích ảnh
Cuốn "Người Việt cao quý" xuất bản năm 1970 tại Sài Gòn với bút danh A. Pazzi. Ảnh: Tư liệu

Theo lời kể của nhà văn Vũ Hạnh, những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, xã hội miền Nam nhanh chóng du nhập lối sống Mỹ, lối sống thực dụng… Điều nguy hiểm nhất là người dân, đặc biệt giới văn nghệ có xu hướng vọng ngoại, lai căng, bỏ quên, thờ ơ với nền văn hóa dân tộc, thậm chí có tâm lý mặc cảm... 

Để dùng văn học làm vũ khí đấu tranh, nhà văn Vũ Hạnh nhận chỉ thị của cách mạng, mà trực tiếp từ nhà chính trị, nhà văn Trần Bạch Đằng. Không nêu viết đề tài gì cụ thể, ông Trần Bạch Đằng gợi ý viết cái gì có lợi cho kháng chiến, cho cách mạng, nhất là phải đề cao văn hóa dân tộc, con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình. Nhận lệnh cấp trên, nhà văn Vũ Hạnh viết Người Việt cao quý chỉ hơn 1 tuần và sau đó được xuất bản ngay:

“Xin giới thiệu bạn đọc nội dung cuốn sách này để các bạn cùng tôi tự nhủ rằng: Đây không phải là một dân tộc tầm thường và sau tôi phải kết luận: Người Việt là một dân tộc ưu hạng, có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này... Ngày nay công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam đòi hỏi chống lại tất cả các hiện tượng suy đồi, thoái hóa cũng như mọi thứ ràng buộc, áp bức, bất công.

Tôi đến Việt Nam với một thái độ hết sức e dè. Nhưng trong cái nắng chói chang của ngày đầu tiên hôm ấy, tôi đã có dịp thấy người Việt Nam, không phải qua các tranh ảnh, qua các sách báo, mà thấy hiển nhiên ở trước mắt mình. Có thể nói rằng ý nghĩ đầu tiên đến trong trí óc của tôi Người Việt Nam thật đẹp… Ở Á Đông này, người Tàu cũng có những nét khả ái riêng biệt của họ như là người Nhật, nhưng cả người Tàu, người Nhật đều không có cái linh hoạt đặc biệt của người Việt Nam. Đôi mắt, cái miệng của người Việt Nam có một sức sống kỳ lạ, cái duyên kỳ lạ…”.

Giọng văn tôn vinh người Việt: “Phải nói rằng người Việt Nam có cái tiềm thức cộng đồng khá lớn, khá sâu”; “Người Việt dung hòa được sự hướng nội và sự hướng ngoại khi cười, nên đã tạo được một sự quân bình đặc biệt”; “chúng ta thấy người Việt Nam có được một sự quân bình đặc biệt suốt trong mọi ngành sinh hoạt khiến họ chấp nhận hợp lý được mọi quan niệm, dung hòa được mọi ý kiến dị đồng. Đời sống của dân tộc họ dù có chiến thắng vẫn không có những hân hoan tột độ, và dù chiến bại vẫn không có những bi đát tột cùng”. 

Nụ cười của người Việt đã được ông ngợi ca: “Nụ cười của người Việt Nam, nếu không phải đem lại niềm tự tin thì cũng bày tỏ một ý khoan dung rõ rệt”. 

Ông xen vào phê phán nhẹ nhàng mà sâu cay: “Những người Việt Nam mất gốc, quá chịu ảnh hưởng Tây Phương không thể nào hiểu những nét độc đáo của dân tộc học”…

Nhiều người sau khi đọc cuốn sách Người Việt cao quý đều muốn biết tác giả để nói lời cảm ơn. Sau năm 1975, nhà thơ Viễn Phương và nhà văn Vũ Hạnh ghé qua Đà Nẵng gặp nhà văn Phan Tứ (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng). Nhà văn Phan Tứ hỏi: “Ở miền Nam, có biết A. Pazzi là ai không? Đi họp Hội nghị quốc tế, tôi có nhờ đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Italy tìm giúp A. Pazzi. Mới đây tôi được trả lời là tìm không ra”. Nhà thơ Viễn Phương cười cười: “Tôi biết là anh tìm không ra, nên hôm nay mới dẫn ông A. Pazzi đến gặp anh đây…”. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đọc cuốn sách Người Việt cao quý trong niềm cảm phục. Cuốn sách đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh viên ở Huế: “Năm 1965, Mỹ đổ bộ lên bến Tòa Khâm trước Đại học Sư phạm Huế làm cho bọn sinh viên chúng tôi hết sức bức xúc. Vào cuối năm 1965, trong một cuộc gặp mặt ở chùa Từ Đàm, một người nào đó đi Sài Gòn mang về cuốn Người Việt cao quý của A. Pazzi. Cuốn sách khơi dậy niềm tự hào dân tộc làm cho nhiều người trong chúng tôi phải khóc. Cuốn sách của một người ngoại quốc nào đó đã thức tỉnh tinh thần dân tộc trong chúng tôi. Tờ báo tranh đấu của chúng tôi sau đó lấy tên là Dân tộc. Năm 1966, đi kháng chiến, tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường cứ thắc mắc mãi không biết cái ông A. Pazzi nào đó ở đâu để cám ơn ông ta”.

Sau năm 1975, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vô cùng cảm phục, vỡ lẽ một sự thật ông A. Pazzi chính là nhà văn Vũ Hạnh: “Nghe thế tôi phục ông quá trời. Cán bộ văn hóa nằm vùng như ông khó tìm được người thứ hai”.

Tác phẩm Người Việt cao quý được dịch ra tiếng Nga; còn Bút máu được dịch sang tiếng Anh và được giới thiệu trên báo Southeast Chronicle tại Mỹ(số 70-71).

Nhà văn Vũ Hạnh là một hiện tượng độc đáo trong dòng văn học miền Nam chống Mỹ cứu nước. Bằng bút pháp tinh tế điêu luyện, văn phong trong sáng, giàu hình ảnh và mang tính ẩn dụ, nhà văn luôn thể hiện một bản lĩnh và lập trường kiên định của một nhà văn chiến sĩ.

Chú thích ảnh
Tuyển tập truyện ngắn “Chất ngọc” của Vũ Hạnh

Vũ Hạnh - nhà Kiều học     

Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhà văn Vũ Hạnh khiêm tốn nói rằng chỉ là sự phát hiện ý kiến nhỏ và chỉ là cách tiếp cận khoảng trống theo quan điểm cá nhân. 

Khi viết Đọc lại Truyện Kiều, ông đã phát hiện những ý kiến nhỏ và đề cao giá trị của tác phẩm thiên tài bằng cách khai thác những sự kiện mà chưa ai đề cập đến.

Nhà văn Vũ Hạnh tâm sự: “Thời chống Mỹ, tôi được giao nhiệm vụ hoạt động đơn tuyến chống văn hóa địch giữa lòng Sài Gòn, bấy giờ là thủ đô ngụy quyền. Ngoài việc phê phán các biểu hiện suy đồi trong văn hóa - văn nghệ, tôi luôn tìm cách đề cao các giá trị của văn hóa dân tộc. Năm 1965, được biết miền Bắc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tôi đã hưởng ứng ngày lễ lớn ấy bằng cách gom lại các bài đã viết để in thành tập Đọc lại Truyện Kiều. Nhưng tác phẩm chưa đến vài trăm trang giấy đem in từ 1965 cho đến 1966 mới xong vì bấy giờ Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam, đa số những thợ in trẻ đều bị bắt lính để bổ sung cho quân đội Sài Gòn. Do vậy, sách được bày bán ở trên thị trường với một vòng băng bọc ngoài, in đậm dòng chữ: “Kỷ niệm 201 năm sinh thi hào Nguyễn Du”.

Khi viết Đọc lại Truyện Kiều, ông có cách nhìn riêng khá độc đáo: “Mấy trăm năm trước, thi hào Nguyễn Du - ở trong Truyện Kiều đã làm mất mặt một thầy tướng số. Ông này bảo Kiều “Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa” mà Kiều nào có bạc mệnh? Trái lại, nàng còn “duyên sau đầy đặn, phúc sau dồi dào”. Và Nguyễn Du đã khẳng định: Có Trời mà cũng tại ta. Trời có thể hiểu là hoàn cảnh, là những tình huống áp đặt con người vào đấy, nhưng với ý chí kiên bền của một sức sống không ngừng vươn lên tìm sự hoàn thiện, thì như Nguyễn Du đã nói: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. 

Chú thích ảnh
Nhà văn Vũ Hạnh phát biểu tại Hội thảo khoa học "Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước" ngày 22/6/2020 tại TP.HCM. Ảnh: TG

“Tôi luôn tin tưởng ở dân tộc mình...”

Nhớ hồi ra mắt Tuyển tập Vũ Hạnh, nhà văn đã khẳng định: "Tôi luôn tin tưởng ở dân tộc mình. Từ thuở xa xưa, còn rất nhỏ bé, bị một nước lớn đô hộ ngàn năm vẫn không bị sự đồng hóa, cuối cùng chúng ta vẫn đánh bại mọi kẻ thù, kể cả những kẻ xâm lược có sức mạnh quân sự mạnh nhất thời bấy giờ. Đó là kết quả trên cả mức phi thường của cả dân tộc. Nhiều nhà sử học thế giới hiện nay đã xác minh rằng dân tộc chúng ta vốn có một nền văn minh cao cấp. Tôi đã may mắn được dùng ngòi bút là vũ khí sở trường của bản thân để góp phần phục vụ đất nước trong những giai đoạn hiểm nghèo mà dân tộc phải vượt qua”. 

Tôi có nhiều dịp gặp và nghe ông phát biểu trong các hội thảo, tọa đàm, hội nghị... Lần cuối cùng gặp ông tại Hội thảo khoa học "Văn học nghệ thuật Việt Nam - 45 năm thống nhất đất nước" ngày 22/6/2020 tại TP.HCM. Vẫn phong thái lịch lãm, chậm chãi, chất giọng trầm ấm, ông phát biểu khúc chiết, rõ ràng, sâu sắc về nền văn nghệ nước nhà sau 45 năm thống nhất. Cả hội trường lắng nghe ông nói ngắn gọn mà sâu sắc, tường minh… 

Cống hiến cho nền văn chương khá đồ sộ, nhưng ông vẫn trăn trở “Tôi chỉ tiếc mình không đủ tài năng để phục vụ đắc lực hơn".

Ông như một người hiền, lặng thầm tỏa chất ngọc vô giá…

Tác phẩm của Vũ Hạnh

Tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa Xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971, tái bản 2007), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)...

Tiểu thuyết: Lửa rừng (1972), Người nhà Trời (2020).

Tác giả 10 kịch bản: Người chủ tiệm, Một giấc chiêm bao, Thưa biết rồi…

Hồi ký: Cái Tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000).

Tiểu luận: Người Việt cao quý (1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966, tái bản lần thứ tư, 2015), Tìm hiểu văn nghệ (1970)...

Tuyển tập Vũ Hạnh (2 tập, NXB Tồng hợp TP.HCM, 2015).

Và cuốn hồi ký kể chuyện đời mình còn chưa kịp xuất bản.

Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật với cụm tác phẩm: Đọc lại Truyện Kiều, Bút máu và Lửa rừng.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm