04/11/2011 09:58 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Hôm 2/11, Alexis Jenni (48 tuổi), một giáo viên giảng dạy môn Sinh vật tại trường Trung học Saint-Marc ở Lyon (miền Đông nước Pháp) đã đoạt giải văn học hàng đầu của Pháp - giải Goncourt - với cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tựa đề L'art francais de la guerre.
Theo truyền thống, giải thưởng này được ban giám khảo thông báo tại nhà hàng Drouant thanh lịch ở Paris, nơi tháng nào hội đồng giải cũng gặp mặt để bàn thảo về việc lựa chọn tác phẩm đoạt giải.
"Nghệ thuật Pháp về chiến tranh"
L'art francais de la guerre (tạm dịch: "Nghệ thuật Pháp về chiến tranh") là một bức tranh lịch sử dày 600 trang về cuộc chiến mà nước Pháp tiến hành ở Đông Dương và Algeria. Từ đó, tác phẩm đặt ra những câu hỏi về hậu quả của chủ nghĩa thực dân và thái độ của nước Pháp tới vấn đề chủng tộc và tình trạng nhập cư hiện nay ở đất nước này.
Theo thành viên giám khảo Didier Decoin, tiểu thuyết L'art francais de la guerre đã nổi lên là tác phẩm được yêu thích ngay từ vòng đầu xét chọn. Ở vòng chung kết, Jenni đã chiến thắng 3 đối thủ khác là Sorj Chalandon, Carole Martinez và Lyonel Trouillot.
Đây không phải là lần đầu tiên giải thưởng Goncourt được trao cho tiểu thuyết đầu tay. Trước đó, năm 1990, nhà văn Jean Rouaud đã đoạt giải với tiểu thuyết đầu tay Les Champs d'honneur, phần lớn viết về Thế chiến I và năm 2006, Jonathan Littell đoạt giải với Les Bienveillantes (đã được xuất bản ở Việt Nam với tiêu đề Những kẻ thiện tâm), cuốn tự truyện hư cấu của một sĩ quan SS của Đức.
Như vậy, chiến thắng của Jenni đã làm tiêu tan những ý kiến cho rằng độc giả, giới phê bình và giám khảo các giải văn học của Pháp không quan tâm tới tiểu thuyết lịch sử.
Mặc dù nhiều người chỉ trích Jenni có lối viết quá cổ điển và sử dụng thủ pháp ngoa dụ, tuy nhiên ông Edmonde Charles-Roux, Chủ tịch ban giám khảo giải Goncourt lại ca ngợi đây là một “cuốn sách hiếm có, gây kinh ngạc”.
Tự nhận là nhà văn "nghiệp dư"
Trước khi đoạt giải, Jenni chưa từng được biết đến trong giới văn chương. Anh tìm thấy niềm vui khi viết văn và blog và mô tả mình là “nhà văn nghiệp dư”.
“Sau khi hoàn thành việc học hành từ cách đây 20 năm, tôi đã viết nhiều nhưng không ổn. Vì vậy, tôi vẫn luôn coi mình chỉ là nhà văn nghiệp dư. Tôi vô cùng tự hào và hạnh phúc khi tiểu thuyết đầu tay của mình đã đoạt giải thưởng thanh thế này. Đây là sự ghi nhận của 5 năm làm việc” – Jenni xúc động nói khi nhận giải và thừa nhận anh không bao giờ dám mơ mình đoạt giải.
Jenni chỉ gửi bản thảo tiểu thuyết dày 700 trang của mình tới 1 nhà xuất bản là Gallimard và họ đã nhanh chóng đồng ý xuất bản cuốn sách của anh. Cho đến nay, tiểu thuyết này đã tiêu thụ được hơn 56.000 cuốn.
Jenni nói rằng anh không có ý định từ bỏ nghề giáo và anh muốn được thấy các học trò của mình nói gì về giải thưởng.
Theo tờ Le Monde, Jenni đã viết 2 cuốn tiểu thuyết khác, trong đó 1 cuốn đã bị các nhà xuất bản từ chối và 1 cuốn thì anh chưa “công khai”.
Đẳng cấp Goncourt Prix Goncourt là giải thưởng thanh thế nhất của văn học Pháp và được trao thường niên từ năm 1903 cho “tác phẩm văn xuôi xuất sắc và giàu sức tưởng tượng nhất của năm”. Các nhà văn từng đoạt giải này có Marcel Proust (đoạt giải năm 1919), Andre Malraux (1933), Simone de Beauvoir (1954) và Marguerite Duras (1984). Theo truyền thống, giá trị giải thưởng chỉ có 10 euro (13 USD), song giải Goncourt đảm bảo sẽ thúc đẩy lượng sách bán ra của tác giả đoạt giải. Trung bình, mỗi cuốn sách đoạt giải Goncourt đều tiêu thụ được hơn 400.000 cuốn. Năm ngoái, giải Goncourt đã thuộc về nhà văn còn sống nổi tiếng nhất nước Pháp - Michel Houellebecq với tiểu thuyết La Carte et Le Territoire. Houellebecq bị coi là “đứa con ngỗ ngược của nước Pháp” khi từng gây tranh cãi với những bài viết và bình luận về phụ nữ và đạo Hồi. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất