Với 'Đêm hè sau cuối', mộng ước nhạc kịch không còn xa vời

26/10/2016 19:58 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nếu xem nền kịch nghệ của Việt Nam bây giờ là một rừng cây bạt ngàn, thì có lẽ ngọn cây cao nhất sẽ duyên dáng ẩn mình dưới cái tên của đạo diễn trẻ tài ba sinh năm 1991 - Nguyễn Phi Phi Anh. Đó là suy nghĩ của tôi, một người đam mê nhạc kịch, sau khi xem Đêm hè sau cuối (công diễn 10 đêm liên tục, từ 4 - 13/10).

Hai giờ rưỡi đồng hồ ngồi trong khán phòng của Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace (24- Tràng Tiền, Hà Nội) - lâu, nhưng không có một khán giả nào bỏ về trước.

Kịch bản trọn vẹn

Nói về kịch bản, thì ở đây chắc hẳn các khán giả cũng nhận ra một sự đầu tư và trăn trở nhất định của Nguyễn Phi Phi Anh. Phần mở đầu rất tự nhiên, hiển hiện là một xã hội đầy nhức nhối với các tầng lớp người hỗn độn. Cho đến thắt nút và mở nút cũng vậy. Tất cả đều được Phi Anh tính toán kĩ lưỡng trong từng hành động nhỏ nhất của nhân vật.

Để rồi ở 30 phút cuối cùng của kịch, khi mợ Vân độc chiếm sân khấu và giải thích cho khán giả, thì gần 300 người trong khán phòng mới “Ồ!” lên vỡ lẽ, kèm theo đó là chút kinh ngạc.


Hứa Thanh Tú trong vai Vân

Kinh ngạc vì không hiểu sao Phi Anh có thể khéo léo đến vậy, trau chuốt từ những chi tiết nhỏ nhất của kịch bản. Kinh ngạc nữa vì không tin vào mắt mình rằng đây là một kịch bản do Phi Anh tự dựng từ đầu đến cuối, trong cái thân hình nhỏ nhắn, mộc mạc ấy. Và kinh ngạc cuối cùng có lẽ là vì sân khấu kịch Việt Nam từ đây sẽ có dấu hiệu khởi sắc. Một kịch bản có đầy đủ những cú ngoặt đặc trưng của thể loại trinh thám, và cũng không hề thiếu đi tính hài hước.

Kịch bản dù có được trau chuốt đến mấy, nhưng nếu không được đưa vào thực hành thì cũng chỉ là những ý tưởng nằm trên bàn giấy. Vì thế Phi Anh nên có lời cảm ơn tới dàn diễn viên của mình.

Vì theo tôi, các diễn viên của vở Đêm hè sau cuối thực sự là những điểm sáng. Biểu cảm tốt và ứng biến tốt có lẽ chính là những điểm mạnh của họ. Và không chỉ những diên viên chính mới là những người nổi bật nhất, những diễn viên phụ (các cô hầu gái) cũng gây được ấn tượng trong lòng khán giả. Đối với riêng tôi, nhân vật bà Tị là người diễn tròn vai nhất. Không có bà Tị, thì “Đêm hè” này sẽ buồn biết mấy.

Mạnh và yếu ở vũ đạo, âm nhạc

Một điều làm nên điểm khác biệt giữa kịch nói và nhạc kịch đó chính là âm nhạc và vũ đạo. Âm nhạc của Đêm hè sau cuối được dàn nhạc phối lại rất bắt tai và ấn tượng.

Điểm mạnh trong âm nhạc là Phi Anh đã sử dụng phong phú những thể loại nhạc, từ cổ điển cho tới pop/ballad và cả rock. Còn nhược điểm của Phi Anh là khi “xào nấu” lại các bài hát nổi tiếng trên thế giới, phần lời được viết lại khá thô và cứng. Hầu như lời các bài hát đều được viết theo lối “word by word” nên có đôi lúc cảm xúc mà các diễn viên lột tả qua các ca khúc khá gượng ép.


Cảnh nhà bà Thìn trong "Đêm hè sau cuối"

Và cũng bởi vì chọn một số bài hát có tiết tấu nhanh nên lúc ghép với lời Việt, hầu như khán giả không thể nghe rõ từng câu từ trong lời bài hát để mà cảm nhận tinh thần của giọng hát một cách trọn vẹn nhất.

Nhưng bù lại, vũ đạo do các vũ công của vở nhạc kịch lại được thể hiện rất sạch sẽ, dứt khoát và nồng nhiệt. Tuy phải thể hiện những bước chảy trên một địa hình không bằng phẳng, có nhiều bậc thang gây cản trở cho việc di chuyển nhưng các vũ công vẫn làm tròn bổn phận của mình, mang đến cho khán giả những động tác mãnh liệt nhất.

Để chấm điểm cho vở nhạc kịch mở màn cho dự án HOPE (hy vọng) này của đạo diễn Phi Anh, tôi sẽ cho 8/10. Chưa hoàn hảo như những vở kịch Broadway xứ cờ hoa tráng lệ để được điểm tuyệt đối, nhưng những gì mà Phi Anh cùng các nghệ sĩ trẻ của mình mang lại cho khán giả thật khó để mà phủ nhận. Còn nhiều hơn là một đêm Hè và nhà bà Thìn.

Đó còn là câu chuyện của những số phận, những cái tôi bị áp buộc trong một xã hội thích phán xét, cười chê cùng những bi kịch và thủ đoạn luôn ẩn giấu đằng sau những câu hát và nhịp nhảy.

Và đêm Hè nồng nhiệt ấy cũng là câu chuyện của những người trẻ, dám đứng về phía lửa đam mê của nghệ thuật chân chính. Họ sống hết mình với “mộng ước” tưởng chừng như “xa vời” nhưng cũng đủ gần gụi để thấy “danh vọng” đang chạm đến bên họ ngày một nhanh hơn.

Sau vở Đêm hè sau cuối (tháng 10), dự án HOPE (Hy vọng) sẽ tiếp tục trở lại với vở Góc phố Danh Vọng (tháng 11) và Mộng ước không xa vời (tháng 1/2017) do đạo diễn 9X Nguyễn Phi Phi Anh viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất.

Sơn Đỗ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm