Nhạc sĩ An Thuyên: Vị tướng tài của làng nhạc

05/07/2015 05:46 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - An Thuyên là nhạc sĩ được phong tướng đầu tiên của làng nhạc Việt Nam. Ông đã cống hiến cho xã hội với cái “tài”, “tâm” và cả sự dũng cảm, táo bạo như một vị tướng ngoài chiến trận…

Nói đến nhạc sĩ An Thuyên, ai cũng biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc mang âm hưởng của dân ca miền Trung. Những ca khúc như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Ca dao em và tôi, Huế thương… lan tỏa rộng rãi trong đời sống âm nhạc.

Bà đỡ cho dòng nhạc “dân gian đương đại”

Thật ra, sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân gian thì trước thời nhạc sĩ An Thuyên khá lâu, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác và thành công với nhiều ca khúc đi vào lòng công chúng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở nhạc sĩ An Thuyên là việc hình thành và tô đậm khái niệm “dân gian đương đại” khi ông là Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình Bài hát Việt từ năm 2005 đến 2010.

Dù trong Sao Mai - Điểm hẹn 2004 đã có các bài hát dân gian đương đại của Lê Minh Sơn, nhưng phải từ Bài hát Việt, trào lưu dân gian đương đại mới bùng phát. Những ca khúc từ chương trình Bài hát Việt như Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến), Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến)… như chính thức tuyên ngôn cho một dòng nhạc: dân gian đương đại.


Nhạc sĩ An Thuyên

Và cũng trong thời kỳ này, khán giả yêu âm nhạc được nghe một ca khúc rất “đương đại” của nhạc sĩ An Thuyên - ca khúc Phật bà nghìn mắt nghìn tay mà Hồ Quỳnh Hương thể hiện rất thành công.

Nhưng giai đoạn đầu, chương trình Bài hát Việt phải đối mặt với những “sóng gió” của dư luận khi các khái niệm “bài hát Việt”, “dân gian đương đại” được đưa ra mổ xẻ, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều. Nhạc sĩ An Thuyên, người đứng mũi chịu sào, cùng với các thành viên Hội đồng thẩm định, ông là chỗ dựa tinh thần và cả chuyên môn để “con thuyền” Bài hát Việt vượt qua sóng gió.

Trong một số những ca khúc mang âm hưởng dân gian, có thể nói tư tuy về lời ca của nhạc sĩ An Thuyên rất độc đáo, tiêu biểu là ca khúc Ca dao em và tôi: “Cắt nửa vầng trăng tôi làm còn đò nhỏ. Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng”… Ca từ rất dân gian, rất lãng mạn nhưng cũng rất hiện đại.

Táo bạo như tinh thần người lính

Ngoài gia sản là những ca khúc khúc nổi tiếng, trong đó khá nhiều ca khúc đoạt giải thưởng cấp quốc gia, ông còn viết khí nhạc và nhạc cho phim, múa, tuồng, chèo…

Tuy nhiên, công tác “xã hội âm nhạc” của nhạc sĩ An Thuyên cũng là những đóng góp to lớn không kém gì các tác phẩm âm nhạc của ông. Phải nói rằng Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội, từ bậc trung cấp phát triển lên cao đẳng và sau đó là đại học, trong quá trình này ghi dấu công lao miệt mài của nhạc sĩ An Thuyên.

Ông quan niệm xây dựng một trường đào tạo mang tính thiết thực phục vụ cho đời sống âm nhạc xã hội. Nếu trước đó ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội có dạy về nhạc nhẹ, nhưng sau đó không thể tiếp tục, thì Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội được xem là nơi đầu tiên trên cả nước có môn nhạc nhẹ.

Cũng chính vì vậy mà trong thời gian qua rất nhiều ca sĩ có tiếng tăm trên thị trường âm nhạc đã xuất phát hoặc có nhiều gắn bó với ngôi trường do ông làm hiệu trưởng. Có thể kể như: Hồ Quỳnh Hương, NSƯT Thanh Thúy, Hồ Ngọc Hà, Lưu Hương Giang, Thái Thùy Linh, Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Anh, Phương Anh, Kasim Hoàng Vũ, Xuân Hảo, Vũ Thắng Lợi…

Ông là người biết “chiêu hiền đãi sĩ”, táo bạo phá bỏ những luật lệ, giảng viên dù chưa đủ bằng cấp theo quy định nhưng có thực tài vẫn được ông mời về giảng dạy rồi sau đó học bổ sung bằng cấp.

Ông cũng là người có tư tưởng cấp tiến, rất chú ý đến những giáo trình mới mẻ để giảng dạy cho học sinh. Ông cũng là vị hiệu trưởng đầu tiên, táo bạo đặc cách cho rất nhiều thí sinh của các cuộc thi vào học trung cấp hoặc đại học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội như: Minh Chuyên, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Nguyễn Bá Phú Quý, Hương Tràm, Ya Suy, Nguyễn Hoàng Nghiệp…

Với thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ trẻ ông luôn luôn ủng hộ, nâng đỡ để họ phát triển tài năng. Kể cả những sự việc dư luận “nổi sóng” như Sơn Tùng ông cũng có thái độ rất bao dung…

Những ngày cuối đời ông lại vào một “trận địa” mới: giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhưng rất tiếc, công việc còn dang dở thì ông đã ra đi…

Một nhà quản lý cởi mở

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn viết trên Facebook của mình: “Nhạc sĩ An Thuyên không chỉ là một nhạc sĩ có những sáng tác mang âm hưởng dân ca để đời mà ông còn là một nhà quản lý rất cởi mở! Có lẽ với những suy nghĩ thật thoáng mà nhạc sĩ An Thuyên và ban lãnh đạo của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội đã mở cửa để cho những giáo viên trẻ như Vũ Quang Trung, Lương Bình, Vũ Hà và Trần Mạnh Tuấn giảng dạy theo giáo trình mới hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc thực tế của các em sinh viên.
 
Chính vì thế chúng ta mới có rất nhiều những giảng viên trẻ, nghệ sĩ tài năng đang làm việc và biểu diễn phục vụ khán giả. Cảm ơn anh đã mang lại những tác phẩm tuyệt vời và cả sự táo bạo có khoa học trong đào tạo đến với mọi người”.

Lễ tang nhạc sĩ An Thuyên sẽ diễn ra theo nghi thức sĩ quan cấp Tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Lễ viếng bắt đầu lúc 7h30 sáng ngày 9/7 tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5 – Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm