10/08/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Trách nhiệm; Tiếp tục xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Đại hội nhiệm kỳ X (2020 - 2025) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã diễn ra từ 5 đến 7/8. PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử Chủ tịch Hội với 100% số phiếu đồng thuận.
Kể từ Đại hội 7 - 2005 cho đến nay, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã trải qua 3 nhiệm kỳ và trước mắt là nhiệm kỳ thứ 4 ở vai trò Chủ tịch Hội. Với ông, Hội Nhạc sĩ việt Nam luôn là môi trường âm nhạc chuyên nghiệp để bàn thân có sự rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Vì thế, tiếp tục ở vai trò cũ nhưng nhiệm vụ mới trong 5 năm tới (2020-2025) vừa là một thách thức vừa là một động lực để tân Chủ tịch tiếp tục cống hiến.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những chia sẻ cởi mở với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Trẻ hóa Ban chấp hành
* Mặc dù đại hội đã diễn ra thành công, tuy nhiên, việc tổ chức đại hội trong bối cảnh xã hội khá phức tạp với dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lo lắng. Ông có thể nói gì về điều này?
- Đúng là trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, tổ chức được một đại hội thành công là việc khó khăn đối với chúng tôi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Ban tuyên giáo Trung ương và sự quyết tâm của Hội, chúng tôi đã tổ chức an toàn, suôn sẻ cả về mặt xã hội cũng như toàn bộ các hoạt động diễn ra tại Đại hội.
Chỉ có một chút ảnh hưởng nhỏ đến số lượng tham dự đại hội vì một số đại biểu ở các đơn vị như Đà Nẵng, Quảng Nam không thể có mặt.
* Điều gì được gọi là thành công nhất tại đại hội lần này, thưa ông?
- Theo tôi, đó là sự đồng tâm, nhất trí đổi mới Ban chấp hành. Lần đầu tiên trong lịch sử của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trên 50% ủy viên Ban chấp hành cũ xin nhường lại vị trí này cho lớp trẻ.
Nhờ đó, Ban chấp hành mới đã được trẻ hóa, tập hợp được các đại biểu tiêu biểu ưu tú, uy tín nhất của hội - những người rất tâm huyết và đang ở độ tuổi còn nhiều thời gian để cống hiến trong tương lai. Đó cũng là cơ sở để Hội đưa ra nhiều phương hướng hoạt động mới, tích cực hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
* Vậy ông có thể nói khái quát đường hướng hoạt động của Hội sẽ diễn ra như thế nào trong 5 năm tới?
- Với một Ban chấp hành được “trẻ hóa, thì chắc chắn chúng tôi sẽ hoạt động năng động hơn, sẽ “di động” đi khắp các chi hội chứ không chỉ “đóng đô” tại những trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Chúng tôi có những việc làm thiết thực trong nhiệm kỳ X là: Chú trọng đến những lĩnh vực còn yếu và thiếu như hoạt động biểu diễn mang tính chất chuyên sâu, chất lượng nghệ thuật cao, đối trọng với mảng âm nhạc phổ thông; phối hợp với các cơ quan quản lý và truyền thông để đưa ra mô hình hoạt động xã hội âm nhạc tích cực, hiệu quả với mong muốn giảm thiểu, ngăn chặn những yếu tố nổi cộm mang tích tiêu cực của thị trường âm nhạc hiện nay; tăng cường sáng tác cho thế hệ thanh thiếu niên mới của đất nước, đặc biệt là lứa tuổi nhi đồng; tăng cường chủ động trong các mối quan hệ quốc tế để Việt Nam trở thành địa chỉ âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới. Cuối cùng là việc phát triển đội ngũ hội viên chất lượng chuyên nghiệp có đóng góp thiết thực cho xã hội.
SOS nhạc sĩ sáng tác
* Với gần 1.500 hội viên hiện có, làm thế nào để việc gia tăng các hội viên luôn tỉ lệ thuận với sự đóng góp của Hội với xã hội?
- Chỉ có một con đường là nâng cao từng bước tính chuyên nghiệp đối với các hội viên, ở từng chi hội. Vì thế, hội viên tăng, Hội cũng sẽ siết chặt tiêu chuẩn hội viên mới với điều lệ đưa ra: Nhạc sĩ có khả năng, có đóng góp cho địa phương, đất nước với tư cách nhạc sĩ chuyên nghiệp. Chúng tôi sẽ nâng cao từng bước tính chuyên nghiệp để từ đó, có sản phẩm chuyên nghiệp, loại trừ yếu tố theo xu hướng phổ thông.
* Là một hội nghề nghiệp chuyên sâu như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng nhiều năm qua, mảng khí nhạc vẫn đang ở thế yếu so với mảng sáng tác ca khúc về cả lực lượng sáng tác cũng như hoạt động tổ chức biểu diễn. Theo ông, cần phải quan tâm ở mức độ nào thì mới thay đổi được điều này?
- Đúng là lực lượng nhạc sĩ sáng tác hiện nay đang ở trong tình trạng SOS - rất đáng báo động. Chúng ta đang thiếu những nhạc sĩ đủ trình độ, khả năng và thiếu cả những điều kiện khách quan để thực hiện tác phẩm lớn, viết cho cả Việt Nam và quốc tế.
Cái thiếu nhìn từ khâu đào tạo đã bị bỏ quên hoặc đào tạo không phối hợp nhiều năm nay dẫn đến lỗ hổng về đội ngũ nhạc sĩ trẻ chuyên sâu.
Còn về tổ chức biểu diễn thì những tác phẩm lớn, dài hơi như nhạc kịch, giao hưởng luôn cần có sự hỗ trợ hay cơ chế đặc biệt như đặt hàng, bảo trợ cho hoạt động dàn dựng và công diễn. Nhà nước cần chủ động chỉ định, giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phối hợp tham gia.
* Với vai trò cũ nhưng nhiệm vụ mới, ông mong muốn Hội sẽ phát triển như thế nào trong nhiệm kỳ sắp tới?
- Trước hết, với sự đồng thuận của các hội viên về cách thức hoạt động của Chủ tịch Hội, tôi sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Từ những vấn đề được các đại biểu nhiệt tình phản ánh trong đại hội vừa qua, tôi hy vọng những đóng góp của Hội trong tương lai sẽ nâng cao tính tính chuyên nghiệp trong đời sống âm nhạc, thay đổi không khí âm nhạc với một tinh thần: Chuyên nghiệp, độc đáo nhưng vẫn đảm bảo tính nội lực để có một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, đại diện cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi mong muốn Hội sớm trở thành cơ quan tư vấn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc, là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn như liên hoan âm nhạc toàn quốc, quốc tế, các hội diễn ….
Với đội ngũ chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực, có đủ năng lực và trách nhiệm, chúng tôi tin rằng Hội sẽ là nơi sẽ có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa cho xã hội.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tại Hội nghị Ban chấp hành nhiệm kỳ X (2020 - 2025), Ban Thường vụ gồm 7 nhạc sĩ: PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; ThS, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh; NSND Phạm Ngọc Khôi; Nhà Lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu; NSƯT Trần Vương Thạch; nhạc sĩ Trần Nhật Dương; nhạc sĩ Lê Xuân Hoan. 4 Phó Chủ tịch Hội gồm: Th.S Nguyễn Đức Trịnh, NSND Phạm Ngọc Khôi, Nhà Lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, NSƯT Trần Vương Thạch. Trưởng Ban Kiểm tra: Nhạc sĩ Trần Nhật Dương. |
Lam Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất