08/11/2021 19:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đang trình Quốc hội khóa XV, nhạc sĩ và phát thanh viên không còn là đối tượng trong quy trình xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) như quy định hiện hành…
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa xung quanh câu chuyện này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: Phải hiểu rộng hơn, nhạc sĩ không chỉ là những người sáng tác nên các tác phẩm âm nhạc, mà họ còn làm nhiều việc khác nữa như chỉ huy dàn nhạc, chỉ đạo nghệ thuật, biểu diễn trên sân khấu…
Trong thực tế, có những nhạc sĩ được xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh vì đã cống hiến cho công chúng những tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng, nghệ thuật, và họ cũng được phong NSƯT, NSND nhờ đóng góp trong hoạt động biểu diễn…
* Đó là những trường hợp của các nhạc sĩ nào, thưa ông?
- Đó là trường hợp NSND Trọng Bằng. Là nhà chỉ huy âm nhạc lỗi lạc ở Việt Nam, ông trở thành NSND cách đây 30 - 40 năm. Sau đó, với cống hiến trong việc sáng tác nhiều tác phẩm không lời, giao hưởng, Đảng và Nhà Nước tiếp tục xét tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Hoặc trẻ hơn là NSND Trọng Đài, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, cũng có giải thưởng Nhà nước. Đó chỉ là 2 ví dụ, còn nhiều nhạc sĩ khác cùng hoạt động ở 2 lĩnh vực và được tôn vinh bằng các danh hiệu, giải thưởng.
Rõ ràng, phải hiểu đầy đủ công việc của nhạc sĩ. Nhạc sĩ lao động nghệ thuật ở nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ cho đất nước, cho công chúng. Là 2 trong 1! Không nên hiểu nhạc sĩ chỉ là người sáng tạo tác phẩm!
* Như vậy, quan điểm của ông như thế nào về việc loại nhạc sĩ ra khỏi hệ thống danh hiệu NSND, NSƯT?
- Cá nhân tôi không đồng tình, tất nhiên là không thể đồng tình! Vì như thế sẽ có sự hoang mang, so sánh không cần thiết. Chẳng hạn, có người đặt câu hỏi, bỏ nhạc sĩ thì tại sao không bỏ họa sĩ ra!? Nếu xét ở góc độ đây là danh hiệu cho các cá nhân có hoạt động mang tính chất biểu diễn trên sân khấu, cụ thể như ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, thì trong các đối tượng của dự thảo, có cả những người hỗ trợ cho những người biểu diễn trên sân khấu. Ví dụ, họa sĩ phục trang, họa sĩ thiết kế mỹ thuật… Như vậy, đối tượng được xét phong tặng tương đối rộng, không chỉ là những người trên sân khấu biểu diễn. So sánh họa sĩ là người thiết kế mỹ thuật cho sân khấu, thì nhạc sĩ cũng sáng tác vở diễn, bản nhạc cho sân khấu…
* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đã có hệ thống Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh để ghi nhận cống hiến của các nhạc sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Như tôi nói ở trên, nhạc sĩ còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có đóng góp trực tiếp cho công việc của nghệ thuật biểu diễn như chỉ đạo nghệ thuật. Mà hoạt động đó nằm trong đối tượng được xét danh hiệu NSƯT, NSND của dự thảo. Vì vậy, ý kiến của chúng tôi là trong khi chưa rà soát một cách tổng thể được các đối tượng thì nên giữ nguyên như trước, nghĩa là vẫn có 2 hệ thống giải thưởng, danh hiệu khi xét tặng cho nhạc sĩ.
Và thậm chí bổ sung thêm một số loại hình chẳng hạn như nhiếp ảnh gia, những người cho ra đời các tác phẩm nhiếp ảnh, họ có quá trình lao động hiến thân như các nghệ sĩ. Đặc biệt, phát thanh viên không chỉ là nghề nói đơn thuần mà là một nghệ thuật đặc biệt dùng tiếng nói, tâm hồn của mình để chuyển tải từ các tác phẩm văn học nghệ thuật, các văn bản chính thức của Nhà nước… Nghề này đòi hỏi người phát thanh viên phải có trình độ, tài năng, giọng nói trời cho và phải có cả quá trình rèn luyện nữa…, thế thì không nên bỏ khỏi danh sách xét tặng danh hiệu.
Một đề nghị nữa, nếu chúng ta muốn tách bạch riêng giải thưởng cho những người biểu diễn trực tiếp được phong NSƯT, NSND, thì Quốc hội nên tạo ra danh hiệu danh dự, như kiểu nhà hoạt động có công với sự nghiệp văn hóa văn nghệ chẳng hạn, cho những đóng góp khác của hoạt động biểu diễn. Cái này có thể tham khảo kinh nghiệm các nước. Theo tôi như vậy sẽ thỏa đáng và tôi tin sẽ nhận được đồng thuận của giới văn học nghệ thuật.
* Ông có thể nói rõ hơn về giải thưởng danh dự theo kinh nghiệm nước ngoài?
- Thời tôi học tập, công tác tại Liên Xô cũ, nay là Liên bang Nga, tôi thấy ở nước bạn bên cạnh hệ thống Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Lê-nin và hệ thống các danh hiệu Nghệ sĩ công huân, Nghệ sĩ nhân dân cho nghệ sĩ biểu diễn, những người không biểu diễn trên sân khấu nhưng có hoạt động, có đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật thì được phong tặng một danh hiệu danh dự, nguyên văn dịch từ tiếng Nga là “giải thưởng cho người có công trong lĩnh vực nghệ thuật”. Đó là giải thưởng rất danh giá ở bên đó.
* Xung quanh câu chuyện này, phía Hội Nhạc sĩ có kiến nghị gì không, thưa ông?
- Tôi tôn trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Là tổ chức nghề nghiệp, chúng tôi chỉ có những đóng góp, chứ không can thiệp vào việc làm luật. Tuy nhiên, trước khi biểu quyết, quyết định một vấn đề quan trọng như thế, chúng ta nên có cân nhắc và có tiếng nói đồng lòng. Tôi nghĩ trong hội nghề nghiệp, nhiều người cũng có ý kiến, không chỉ riêng tôi. Thậm chí, những đại biểu quốc hội là văn nghệ sĩ họ cũng đã lên tiếng. Tôi mong chúng ta có thái độ nhìn nhận khoa học, chính xác để xã hội tôn vinh đúng đắn nghề nghiệp của người làm công tác văn học nghệ thuật.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Tại Điều 64 trong Mục 3 chương III quy định về Hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng (danh hiệu vinh dự Nhà nước) của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định: “Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, họa sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”. |
Ngân Lượng (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất