28/01/2013 07:10 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Sau sự ra đi của ca sĩ/nhạc sĩ Duy Quang, nền tân nhạc Việt lại vừa mất đi một cây đại thụ, người để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ và những ảnh hưởng lớn với nhiều người, đó chính là nhạc sĩ Phạm Duy, ông vừa mất vào chiều hôm qua, 27/1/2013, ở tuổi 93.
1. Hơn một tháng sau sự ra đi của người con trai mà ông rất yêu thương - Duy Quang, hôm qua nhạc sĩ Phạm Duy đã qua đời tại Bệnh viện 115 (TP.HCM) sau 3 ngày nằm viện. Người nhà nhạc sĩ cho biết ông đã ốm suốt một thời gian dài, đặc biệt là từ khi nhạc sĩ Duy Quang phải về Mỹ chữa bệnh và qua đời sau đó. Trong một tuần gần đây ông đã phải nhập viện liên tục vì bệnh tim tái phát.
Lần gần nhất mà TT&VH được trò chuyện với ông là khi ông hay tin ca sỹ Khánh Ly được cấp phép về hát tại Việt Nam và ông thật sự vui mừng Khánh Ly trở về và nhận xét thêm rằng một người như Khánh Ly lẽ ra đã phải nên về từ lâu. Lúc ấy ông còn rất khỏe mạnh và tự tin rằng sẽ còn cho ra thêm nhiều dự án âm nhạc mới cũng như làm thêm những đêm nhạc Phạm Duy cùng Công ty VH Phương Nam.
Nhạc sĩ Phạm Duy được xem là một cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam với hơn bảy thập niên hoạt động âm nhạc, để lại một khối lượng đồ sộ với gần một nghìn tác phẩm âm nhạc, trong đó có rất nhiều ca khúc có giá trị rất lớn với sự phát triển của tân nhạc Việt Nam.
2. Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội. Tác phẩm đầu tay của ông là bài hát nổi tiếng - Cô hái mơ - được sáng tác vào và phổ biến vào năm 1942. Hai năm sau đó, ông gia nhập gánh hát cải lương Đức Huy - cải lương Đức Huy - Charlot Miều và rong ruổi khắp mọi miền đất nước, đến tận mũi Cà Mau. Chính trong gánh hát rong ấy mà nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định cuộc đời mình sẽ đi theo âm nhạc, khởi nguồn là người hát rong và sau đó là sáng tác và âm nhạc của ông, cũng như chính tác giả, sau này có một sự nghiệp cả một đời rong ca.
Nhạc sĩ Phạm Duy từ trần lúc 14h30 ngày 27/1/2013 tại bệnh viện 115 TP.HCM. Tang lễ được tổ chức tại tư gia 349/126 Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 9h ngày 28/1. Lễ động quan lúc 6h ngày 3/2, mai táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương (tỉnh Bình Dương). |
Năm 1949 nhạc sĩ Phạm Duy lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng và có với bà 8 người con. Sau đó cả gia đình nhạc sĩ chuyển vào Nam sinh sống và nhạc sĩ Phạm Duy tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc của mình. Năm 1953, ông sang Pháp học về âm nhạc và tìm hiểu về âm nhạc cổ điển, sau đó, khi trở về Việt Nam ông thành lập ban hợp ca Thăng Long mà đến giờ vẫn còn nhiều người nhớ đến cùng các giọng ca “huyền thoại” của Thái Hằng, Thái Thanh… Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng ông sáng tác đủ mọi thể loại âm nhạc, từ trữ tình, cách mạng, quê hương cho đến du ca, dân ca, đồng dao… Có thể nói trong những cột mốc của tân nhạc Việt, nhạc sĩ Phạm Duy đều có những đóng góp không thể phủ nhận. Ông để lại những trường ca như: Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam hay những ca khúc không có tuổi như Bên cầu biên giới, Tình ca, Bà mẹ Gio Linh hay Đưa em tìm động hoa vàng... Nhạc trẻ miền Nam một thời cũng cũng ghi nhận những đóng góp của Phạm Duy qua những nhạc phẩm của nhóm Dreamers (những người con của Phạm Duy thành lập) cũng như rất nhiều ca khúc quốc tế được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển soạn lời Việt.
Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy chính thức trở về Việt Nam sinh sống sau một thời gian dài sống tại hải ngoại. Về nước ông được công chúng nồng nhiệt đón nhận và những tác phẩm của ông tiếp tục được ra mắt tại quê nhà thông qua công ty Phương Nam. Năm 2005, trong lần trả lời phỏng vấn báo Người Viễn Xứ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nhận xét rằng "Trong gia tài của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười"… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ".
Năm 2006, nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức đêm nhạc mang tên Ngày trở về tại Nhà hát TP.HCM được công chúng đón nhận nhiệt liệt, rất nhiều người đã không thể tìm được vé vào xem. Sau đó nhiều đêm nhạc khác của ông với quy mô lớn tiếp tục diễn ra: Con đường tình ta đi, Ngày trở về tại nhiều tỉnh miền Trung, những đêm giới thiệu minh họa Kiều tại miền Bắc... Tính đến nay, những ca khúc được cấp phép của nhạc sĩ Phạm Duy tại Việt Nam là gần 60 bài, chưa kể những sáng tác mới của ông như 10 bài Hương ca, 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê đang trong quá trình xin giấy phép. Mới nhất là 8 bài trong chùm 10 bài Đạo ca của ông vừa được cấp phép biểu diễn.
3. Sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy, cho dù là tuổi già sức yếu, vẫn làm nhiều người xúc động. Bởi cả sự nghiệp của mình ông đã dùng âm nhạc để viết về thời cuộc, thân phận và để lại cho đời rất nhiều ca khúc đi vào lòng người. Trong hồi ký của mình ông chỉ mong có một đời được rong ca với âm nhạc và giờ đây, ông lại tiếp tục rong ca trên một nẻo đường mới và âm nhạc của ông sẽ vẫn tiếp tục ở lại với công chúng, những người vẫn luôn tìm thấy ở tác phẩm của ông những sự an ủi và chia sẻ.
Rải thảm hoa bằng ngũ cung “Ở ngoài đời, tôi chỉ trò chuyện với ông đúng 3 lần: khi ông về nước lần đầu, ở Hotel Continental; khi làm đĩa Những bài tình Duy Quang (2005) và khi làm concert Đêm Hiền cho chị Thái Hiền (2006). Nhưng Phạm Duy (1921 - 2013) là nguồn cảm hứng và ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của tôi (giai đoạn Vàng Son) vì bằng tài năng của ông, ông đã "bắt" tiếng Việt và ngũ cung Việt phải vang lên một cách đẹp đẽ nhất, thiết tha nhất, giàu âm hưởng nhất. Gần như một mình một cách không lẫn vào đâu, bằng những sáng tạo về lai ghép điệu thức, ông đã rải thảm hoa với màu sắc chỉ riêng ông có, cho khu vườn ca khúc Việt” - Phát biểu của nhạc sĩ Quốc Bảo |
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất