01/04/2020 11:28 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến
(lienminhbng.org) - Trong cuộc bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020 vừa qua, ở hạng mục Chuỗi chương trình của năm với những đề cử “gạo cội” như Giai điệu tự hào, Monsoon Music Festival 2019… Chuỗi chương trình mới “ra lò” Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2019 đã xuất sắc giành chiến thắng…
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Huy Tuấn - Tổng đạo diễn của chuỗi chương trình này.
* Anh nghĩ gì khi ngay mùa đầu tiên thì Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2019 đã được giải Âm nhạc Cống hiến?
- Thay mặt BTC của lễ hội này, tôi lấy làm vinh dự và cũng bất ngờ khi được giải Âm nhạc Cống hiến ghi nhận. Điều này chứng tỏ định hướng về âm nhạc đại chúng của lễ hội đang đúng, nó cũng chứng tỏ sự nhanh nhạy, sâu sát và công tâm của quý anh chị nhà báo đang theo dõi mảng âm nhạc trên toàn quốc.
Nhưng với tôi, đây không phải là giải thưởng của riêng Ban tổ chức Lễ hội, mà là của cả một tập thể, với hàng trăm con người đến từ nhiều vùng miền, nhiều quốc gia, những người đứng trước sân khấu và sau hậu đài. Nhân đây, tôi muốn thay mặt hàng trăm con người đó gởi lời cảm ơn đến UBND TP.HCM, Sở VH,TT TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM… đã đứng ra tổ chức lễ hội này với tư duy cởi mở, với các chỉ đạo kịp thời để cùng nỗ lực tạo ra một thương hiệu văn hóa giải trí cho TP.HCM.
Ngay năm đầu tiên mà chúng tôi đã vượt qua được mấy thương hiệu lớn như Giai điệu tự hào, Monsoon Music Festival 2019, Music Home… nhưng thực sự thì chúng tôi còn nhiều vấn đề phải khắc phục, phải làm tốt hơn thì mới xứng đáng với một lễ hội cộng đồng nhận được sự tin yêu của mọi người. Chính vì vậy, chúng tôi xem giải thưởng lớn này như là một sự động viên, một nấc thang để rút kinh nghiệm, để bước lên cao hơn, hay hơn nữa.
* Như vậy là lễ hội này đang rục rịch cho mùa thứ hai?
- Nếu không có gì thay đổi và đại dịch chấm dứt sớm, Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM 2020 sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Chúng tôi đang hy vọng với nhân sự và kinh nghiệm của mùa đầu tiên sẽ giúp làm tốt hơn, hay hơn trong mùa này.
Mục tiêu của TP.HCM là muốn có được một lễ hội âm nhạc hướng trọn vẹn đến cộng đồng, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, làm sao thành một điểm nhấn được ghi nhớ, được trông đợi. Trên thế giới có nhiều lễ hội âm nhạc cộng đồng thu hút đông đảo khách du lịch, biến đó thành một trong những lý do chính để mua vé máy bay, còn hơi sớm để khẳng định là chúng tôi có làm được hay không, nhưng mục tiêu của TP.HCM là như vậy.
* Theo anh, những thuận lợi và khó khăn khi làm lễ hội này là gì?
- Như bất kỳ sự kiện cộng đồng nào, khó khăn sẽ rất nhiều, nên tốt nhất là không nhắc đến nữa, để có thêm động lực làm việc. Nhưng chúng tôi đang có nhiều thuận lợi, đó là định hướng và tầm nhìn cởi mở của TP.HCM, cũng như sự đồng hành của nhiều tổ chức chuyên môn và tài chính. Tôi chỉ hy vọng không khí cởi mở và tầm nhìn này sẽ được nhân rộng hơn, để không chỉ Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM, mà còn nhiều sự kiện khác sẽ hình thành, phát triển. Tiềm lực và nhu cầu của văn hóa, nghệ thuật, giải trí của TP.HCM là rất lớn.
* Anh có thể tiết lộ vài nét cụ thể về kế hoạch tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2020?
- Đây là một lễ hội rất lớn, với nhiều nước tham gia, nên cần sự đồng bộ và đồng hành của nhiều cấp chính quyền, vì vậy công tác tổ chức không thể ngày một ngày hai, mà là kế hoạch của cả năm. Đến nay thì tôi đã từng bước định hình về mùa thứ hai, thông qua các nguyên tắc và nguyên lý thực hiện, nhưng để nói cụ thể thì còn quá sớm. Có điều chắc chắn, nếu lễ hội diễn ra thì sẽ lớn hơn, hấp dẫn hơn. Năm 2019 có hơn 200 nghệ sĩ từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự, năm nay dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 30-40%.
* Cảm ơn an về cuộc trò chuyện này.
TP.HCM mong muốn tạo được sự khác biệt “Chủ trương của TP.HCM là làm sao tạo được sự khác biệt trong việc tiếp cận các chương trình nghệ thuật, văn hóa đỉnh cao, với mong muốn nâng cao thẩm mỹ chung, hòa nhập được với quốc tế. Mục tiêu của Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô là tạo một sân chơi gần gũi, cởi mở, để khán giả trong nước dễ dàng tiếp cận với các loại hình âm nhạc mà quốc tế đang là xu hướng. Chính trong cuộc giao lưu này, âm nhạc và các xu hướng trong nước mới có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi, đổi mới để tạo ra sự khác biệt cho mình. Định hướng chung của TP.HCM là muốn xây dựng Lễ hội Hò dô thật sự đạt đẳng cấp quốc tế, thu hút được nhiều nghệ sĩ và khán giả quốc tế tham dự” - (Phát biểu của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM) |
Việt Hằng - Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất