Nhạc sĩ Lê Trung Tín: Tiếng vĩ cầm giữa chợ nhớ về Hà Nội

06/10/2014 14:03 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - “Trong khu chợ Bàn Cờ (Q.3, TP.HCM) có một “dị nhân”, vừa bán tạp hóa vừa sáng tác nhạc và chơi vĩ cầm rất hay” - nhà thơ Trương Nam Hương giới thiệu về nhạc sĩ Lê Trung Tín như thế. Trương Nam Hương nổi danh từ thời Cỏ tuổi hai mươi, nên lời giới thiệu của anh khiến cánh viết báo như tôi tò mò.

Danh xưng nhạc sĩ Lê Trung Tín ít được người biết, có lẽ vì thời gian sáng tác của ông bị đứt quãng hàng chục năm ròng; và ông chọn góc chợ ồn ào để sống… ẩn dật.

Giã từ vũ khí về giữa chợ

Ở chợ Bàn Cờ náo nhiệt, Lê Trung Tín như một “dị nhân” thật sự. Trong căn nhà nhỏ chật kín hàng hóa, Lê Trung Tín mái tóc gần như bạc trắng xõa ngang vai, vừa chơi vĩ cầm du dương rồi dừng lại đột ngột vì có người hỏi mua vài món đồ lặt vặt. Vĩ cầm là nhạc cụ thuận tay nhất với ông chủ hàng tạp hóa này, dù ông biết chơi vài nhạc cụ khác nữa.

Tuổi thơ Lê Trung Tín gắn với những trò chơi trẻ con dưới hàng cây trên phố Bà Triệu (Hà Nội). Năm 5 tuổi, bố ông cho đi học nhạc. Bố dắt ông ra cửa hàng nhạc cụ, ông chọn cây vĩ cầm. Sau đó ông thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam môn đàn violin. Cho nên sau này, thay vì sáng tác trên guitar hay dương cầm, ông thường chọn vĩ cầm để cho ra các ca khúc.


Nhạc sĩ Lê Trung Tín ngẫu hứng trong hàng tạp hóa của ông

Học trường nhạc còn khoảng một năm nữa tốt nghiệp, Lê Trung Tín đeo ba lô trở thành lính lái xe tăng vượt Trường Sơn. Tiếng vĩ cầm theo ông vào đời lính, nhưng nhờ ngón đàn của mình, ông được điều về đoàn văn công của binh chủng thiết giáp. Lúc đó, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) làm trưởng đoàn văn công này. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh đã cử Lê Trung Tín đi học sáng tác nhạc do quân đội tổ chức, và ông tập tành viết ca khúc từ đây.

Sau 1975, Lê Trung Tín giã từ vũ khí vào Nam lập nghiệp. Những năm tháng bao cấp đói dài, ông đã gửi cây vĩ cầm, cả những thanh âm và kỷ niệm đẹp lại Hà Nội. Lê Trung Tín chấp nhận cuộc đời ông hàng xén sống ẩn dật trong khu chợ ồn ào để nuôi vợ con.

Viết về Hà Nội để nguôi nhớ

Mãi đến năm 2007, khi con cái đã lớn khôn, giấc mơ của một thời trai trẻ với những thanh âm trên tiếng vĩ cầm dội về khiến ông cầm đàn trở lại. Hà Nội của một thời gắn liền với ký ức của Lê Trung Tín đã bật thành giai điệu. Trong khoảng ba năm, ông đã sáng tác rất nhiều ca khúc về Hà Nội, đa phần là phổ nhạc những bài thơ mà ông ấn tượng. Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được bạn bè khuyến khích, ông ấn hành đĩa nhạc Góc nhớ Hà Nội với 14 ca khúc qua giọng ca Quang Minh, trong đó có nhiều bài phổ thơ của: Hữu Thỉnh, Trương Nam Hương, Cao Quảng Văn, Huệ Triệu…

Nhân dịp 60 năm giải phóng Thủ đô, Lê Trung Tín lại trình làng CD Hà Nội anh về với 9 ca khúc phổ thơ Trương Nam Hương qua giọng ca Diệu Hiền. Sở dĩ, Lê Trung Tín chọn thơ Trương Nam Hương cho CD này, vì ông và Trương Nam Hương đều có tuổi thơ gắn với Hà Nội nên đồng cảm. Và trong cuộc sống, Trương Nam Hương vẫn thường đến tiệm tạp hóa của để nghe “ông bạn già” chơi vĩ cầm những bài về Hà Nội.

Nhà thơ Trương Nam Hương, cho biết: “Thơ và nhạc đã kết nối tôi và nhạc sĩ Lê Trung Tín trở thành những người bạn thân thiết và trân trọng nhau suốt 10 năm qua. Mỗi ca khúc của anh sau khi hoàn thành, tôi luôn là người đầu tiên được anh chia sẻ. Tôi và anh đều có những năm tháng tuổi thơ gắn bó với Hà Nội rồi xa Hà Nội, có lẽ vì thế anh đã bắt gặp trong những bài thơ tôi viết về Hà Nội những kỷ niệm thời anh sống. Sự đồng cảm và đồng điệu đó đã giúp anh phổ rất thành công những bài thơ của tôi thành ca khúc. Nhạc Lê Trung Tín dào dạt những hoài niệm, thổn thức những tâm tình và dằng xé những nỗi niềm về cuộc đời và tình yêu với âm hưởng chung: đẹp, buồn, nồng ấm”.

Trong gần 40 năm xa Hà Nội, Lê Trung Tín chỉ về Hà Nội vài ba lần. Theo ông, do bận mưu sinh và muốn Hà Nội trong ký ức vẫn đẹp như thuở nào nên ít về Hà Nội. Tuy nhiên, sáng tác về Hà Nội của kỷ niệm trong ông là cách làm để ông nguôi nhớ.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm