Bài 1: Mổ xẻ bài 'mổ xẻ' của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

29/08/2013 13:22 GMT+7 | Âm nhạc

>>> Chuyên đề: Mổ xẻ & Khai thông phê bình âm nhạc

(lienminhbng.org) - LTS: Trước hết, chúng tôi rất mong nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cảm thông vì đã “mổ xẻ” bài của ông, dù rằng ông không muốn nói đến chuyện cũ. Lý do vì bài nhận định của nhạc sĩ về các sao Việt rất nhiều người đã đọc, đã hiểu nó. Chúng tôi chỉ muốn lấy làm một ví dụ chứ không hề có ý đem chuyện cũ ra để bình phẩm.

Bao giờ thì showbiz Việt có một không khí phê bình đúng nghĩa với sự thẳng thắn của người phê bình và sự cởi mở thoải mái của người được phê bình? Nó cần những điều kiện nào?

Xin thông qua việc mổ xẻ bài “Nguyễn Ánh 9 mổ xẻ Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ” để phần nào nói lên điều này.



Một buổi tọa đàm về Lý luận phê bình âm nhạc của 3 Hội Âm nhạc: Hà Nội, TP.HCM và Huế

Những nhận định dũng cảm, chính xác, vô tư

Trong bối cảnh mà người được phê bình thường nhảy dựng lên phản kháng, có khi có những lời lẽ thóa mạ người phê bình, việc làm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là vô cùng có ý nghĩa. Và những lời nhận định của ông như một quả bom nổ trên bầu trời showbiz cũng là điều dễ hiểu.

Trước hết phải nói rằng, là người từng theo dõi khá nhiều năm trong đời sống âm nhạc và cũng từng viết bài phê bình, nhận định, người viết bài này cho rằng những nhận xét của NS Nguyễn Ánh 9 về cách hát của các ca sĩ mà nhạc sĩ đề cập trong bài “Nguyễn Ánh 9 mổ xẻ Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ” đăng trên VTC News là chính xác.

Rất nhiều ý kiến phản hồi trên các trang web cũng đồng tình với nhận xét của ông.

Ca sĩ Ánh Tuyết khi được hỏi cũng cho rằng: “Nguyễn Ánh 9 là người có thâm niên nghề nghiệp, có uy tín và là một nhạc sĩ nổi tiếng, những lời nhận xét của ông theo tôi là hoàn toàn chính xác”.

Còn nhận định của ông về “đặc điểm” của ca sĩ hiện nay, nhạc sĩ Cát Vận (Hội Nhạc sĩ VN) cho rằng: “Có một điều nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói đúng rằng, các ca sĩ bây giờ viện tới sự giúp đỡ của những màn múa phụ họa, rồi chú ý tới thời trang nhiều hơn chú ý tới nghệ thuật, kể cả ca sĩ xịn mà nổi tiếng đi nữa, nên hình thức bên ngoài so với nội dung thể hiện cũng mất cân đối” (Theo VTC News). 

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, hiện nay một số nhạc sĩ, ca sĩ khác cũng nhìn thấy điều đó, nhưng không ai dám nói ra. Cái đáng quý của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là dũng cảm nói ra sự thật với mong muốn các ca sĩ được hoàn hảo hơn. Một sự chia sẻ thẳng thắn, vô tư. Đó cũng là yếu tố quan trọng trong phê bình âm nhạc, nhất là ở thời điểm như hiện nay.

Trong bối cảnh mà người được phê bình thường nhảy dựng lên phản kháng, có khi có những lời lẽ thóa mạ người phê bình, việc làm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là vô cùng có ý nghĩa. Và những lời nhận định của ông như một quả bom nổ trên bầu trời showbiz cũng là điều dễ hiểu.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN cho rằng: “Những nhận xét của người nhạc sĩ lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm như Nguyễn Ánh 9 là chân thành, nghiêm túc, có nhiều trăn trở với đời sống âm nhạc đất nước, và bất cứ nghệ sĩ nào, nhất là với thế hệ đi sau, thì những lời nhận xét ấy là đóng góp đáng ghi nhận” (Theo VTC News).

Cần lắng nghe

“Ở Việt Nam chưa có một không khí phê bình chuyên nghiệp thật sự. Nghệ sĩ quen với những lời tâng bốc, nên khi có người “chê” là giãy nảy lên phản ứng. Phê bình có khi cũng sai đó là chuyện bình thường, thiên tài Mozart, Liszt cũng từng bị các nhà phê bình hiểu lầm. Người phê bình cần sự thẳng thẳn, người được phê bình cũng cần có thái độ chân thành. Chúng ta cần bình tĩnh và tập lắng nghe những ý kiến trái chiều, có như thế mới thể hiện một không khí phê bình dân chủ, văn minh” (Nhạc sĩ Thế Bảo - nguyên Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Nhạc sĩ VN)

Vì sao người tiếp nhận phê bình “xù lông nhím”?

Thật ra khi có người “chê”, đa số ai cũng có cảm giác không vui, sự phản ứng có người tức thời, nóng nảy, dẫn đến thiếu kiềm chế, cũng có người bình tâm và cám ơn những lời “chê” đó, có người im lặng.

Tuy nhiên ở góc độ người phê bình, cần sự công bằng, khách quan. Cần nêu những cái hay và những cái chưa hay và quan trọng là phải chính xác. Nếu làm được điều đó, người tiếp nhận phê bình dù không thích nhưng vẫn phải chấp nhận, không thể phản kháng.

Xét ở góc độ này thì bài “mổ xẻ” của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, trong một số trường hợp còn thiếu vế nêu những cái hay của từng ca sĩ. Bởi thế mà sau đó ông nói thêm khi phát biểu trên báo Tuổi trẻ: “Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… hay bất kỳ ca sĩ thành danh nào khác đều có khả năng thực lực riêng, có một hướng đi và chỗ đứng riêng. Quan trọng nữa là mỗi ca sĩ sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công chúng mến mộ mình. Chính nét riêng của từng ca sĩ mới hình thành được một nền ca nhạc phong phú, đa dạng, phục vụ đông đảo đối tượng công chúng”.

Nếu trong bài nhận định của ông, bên cạnh nhược điểm của ca sĩ có thêm phần ưu điểm, thành quả của họ, có lẽ bài nhận định sẽ tuyệt vời hơn.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn thông cảm cho nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, vì đây là một bài trả lời phỏng vấn, trong đó đề cập đến khá nhiều chuyện, nhiều nhân vật.

Việc lấy lời người trả lời phỏng vấn để đặt title cho bài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phản kháng của người tiếp nhận. Xu hướng chung của các báo mạng là gây sốc nên những cái title như: Nguyễn Ánh 9: Đàm Vĩnh Hưng chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót, hoặc Thanh Lam hát “Cô đơn” còn thua ca sĩ nghiệp dư… Điều này gần như phủ nhận những thành tựu của nghệ sĩ, nhấn mạnh vào khuyết điểm của họ và dễ gây cho nghệ sĩ tâm lý cho rằng đây là sự moi móc, hạ bệ… hệ quả là đã làm những cái đầu dễ “bốc hỏa” dẫn đến thiếu kiềm chế.

Nói như thế để thấy rằng, những người làm công tác truyền thông điệp từ người phê bình đến người tiếp nhận cũng vô cùng quan trọng. Cả 2 lực lượng: phê bình và tiếp nhận phê bình (có trường hợp có cả lực lượng truyền thông) cần có sự “nhường nhịn, tiết chế” nếu chúng ta thật sự muốn xây dựng một không khí phê bình âm nhạc cởi mở, thoải mái.

Mấy ngày qua việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có những nhận xét thẳng thắn về rất nhiều ngôi sao ca nhạc hàng đầu Việt Nam hiện nay, khiến  báo giấy, báo mạng cho đến các trang thông tin điện tử đều “dậy sóng”. Có thể nói đây là một sự kiện đáng quan tâm của báo chí, tuy mỗi đơn vị quan tâm một khía cạnh khác nhau.

Cũng qua sự kiện này, đã cho thấy đối tượng được nhận xét phê bình là một trong các lực cản lớn làm cho những tiếng nói phê bình âm nhạc chùn chân. Sự phản ứng được số đông xem là thiếu văn hóa của Đàm Vĩnh Hưng chỉ là đỉnh điểm của bề nổi, còn những tảng băng chìm khác, tuy không công khai trên công luận báo chí, nhưng những cuộc điện thoại trách móc, chống chế thậm chí là chửi bới, hoặc sự “chấm dứt mối quan hệ” cũng đã từng diễn ra. Những điều này làm cho người phê bình e ngại, không muốn làm công việc chẳng lợi ích gì mà chỉ rước họa vào thân.

Chúng ta chưa thật sự có một không khí văn hóa trong phê bình và tiếp nhận phê bình. Phải nhìn nhận một sự thật rằng, lỗi của người tiếp nhận phê bình cũng có mà lỗi của người phê bình cũng có. Cả 2 lực lượng này cùng khắc phục thì mới khai thông được con đường phê bình âm nhạc hiện nay.

Muốn thế, chúng ta phải dũng cảm mổ xẻ, nhìn nhận những sự thật còn tồn tại ở cả 2 phía. Chuyên đề “Mổ xẻ & Khai thông phê bình âm nhạc” không mong muốn gì hơn là động viên mọi người bắt đầu làm lại một con đường.

Với chuyên đề này, chúng tôi mong muốn được sự tham gia ý kiến và bài vở từ những người làm công tác lý luận phê bình âm nhạc, các ca sĩ, nhạc sĩ và người yêu âm nhạc để nó có thể trở thành một diễn đàn mang lại bổ ích cho mọi người và cho đời sống âm nhạc.

Mọi ý kiến, bài vở có thể gửi về E-mail: [email protected].

Thể thao & Văn hóa

Bài 2: Sự “phản kháng” của người được phê bình

Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm