Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Âm nhạc truyền thống và chuyện 'há miệng chờ sung'

27/05/2021 19:04 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Muốn nhạc truyền thống dân tộc được tiếp tục phát huy, được phổ biến và có nhiều đột phá, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào từng cá nhân. Điều đó cũng tựa như việc nằm ở dưới gốc cây sung há miệng chờ” – nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long 'Trách ông Nguyệt Lão' bằng xẩm

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long 'Trách ông Nguyệt Lão' bằng xẩm

Chiều 12/12, tại Nhà hát Chèo Kim Mã (Hà Nội), nghệ sĩ Nguyễn Quang Long đã cho ra mắt album xẩm Vol.1 Trách ông Nguyệt Lão.

Vừa ra mắt Ngâm Kiều toàn truyện, Long lại bắt tay vào một dự án khác: đưa xẩm truyền thống kết hợp với nhạc điện tử EDM. Bởi như lời anh, con đường đưa các loại hình âm nhạc dân gian đến gần với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ không còn quá xa vời.

“Tôi để ý, khán giả của dự án này rất nhiều đối tượng ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Thú vị nhất, lượng khán giả đông đảo nhất là từ 25 đến 34 tuổi (51%), đứng thứ 2 là nhóm lứa tuổi từ 35 - 44 (gần 22%), thứ 3 là nhóm lứa tuổi từ 18 - 24 (18%). Khán giả chủ yếu là ở Việt Nam, ngoài ra còn các khu vực như Mỹ, Australia, Hungary” – anh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long (ngoài cùng bên phải) với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ảnh: Tư liệu

Nghe Ngâm Kiều: người già thì ít, người trẻ lại nhiều

* Việc dự án đã và đang được đón nhận từ nhiều đối tượng khán giả khác nhau cho anh cảm nhận như thế nào?

- Những thông số về các đối tượng khán giả quan tâm đến Ngâm Kiều làm tôi cảm thấy vui. Rõ ràng là khán giả không thờ ơ với những giá trị truyền thống. Lâu nay, chúng ta vẫn tưởng nhóm người cao tuổi là khán giả tiềm năng của nghệ thuật truyền thống, nhưng theo kết quả khảo sát thì nhóm lứa tuổi này chiếm số lượng rất ít, chỉ một vài phần trăm, còn lại chủ yếu là nhóm những người trưởng thành và khán giả trẻ.

Tôi cũng rất lắng nghe các ý kiến của mọi người. Có những bình luận khen sự trình bày của các nghệ sĩ, cũng có những khán giả cho rằng cần phải ngâm theo giọng Huế, hoặc ngâm theo giọng Nam bộ... Tôi sẽ chọn lọc các ý kiến để dành cho những dự án tiếp theo.

* Được biết trong năm nay, anh còn thực hiện một chương trình 8 bài dân ca + EDM để hướng nhóm xẩm tới giới trẻ...?

- Tôi thực hiện những bài dân ca, xẩm quen thuộc như Cây trúc xinh, xẩm chân quê, hát trống quân... trên nền nhạc EDM. Những dự án dân ca kết hợp với nhạc điện tử khác, thường do các ca sĩ nhạc trẻ hát dân ca. Còn ở dự án này, người đảm nhiệm sẽ chính là những nghệ sĩ dân gian đảm nhiệm. Tác phẩm chúng tôi cũng giữ hầu như nguyên, chỉ thay đổi một vài nét hoặc cắt bớt đi để phù hợp với khuôn khổ một bài nhạc điện tử hiện nay.

* Vậy sau Kiều và xẩm, anh còn nghĩ đến những loại hình dân gian nào để làm “sống lại” trong thời đại hiện nay?

- Hiện tại, tôi chưa hướng tới một nghệ thuật đã thất truyền nào. Nhưng tôi mong giới thiệu được nhiều bài dân ca mà cá nhân tôi thấy độc đáo, thú vị nhưng chưa nhiều người biết đến. Tuy nhiên, đó là mong muốn xa xôi, vì để thực hiện được cần có thời gian, đồng thời cũng phải có kinh phí nhất định.

Trong khi đó, phần nhiều tâm huyết của tôi vẫn còn đang dành cho xẩm. Xẩm sau những nỗ lực của tôi cùng những người thầy, đồng nghiệp trong gần 2 chục năm qua đã có chỗ đứng nhất định nhưng vẫn rất cần được tiếp sức.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long (giữa) trong buổi ra mắt album Xẩm đầu tay năm 2019

Bế tắc bảo tồn là quy luật tự nhiên

* Câu chuyện về làm mới âm nhạc dân tộc không còn mới nhưng cơ bản, vẫn gặp phải hiện trạng: một là vắng người xem hoặc nghe, hai là bản thân những cuộc “cách tân” đôi khi bị đánh giá là quá mức cần thiết, khiến cho việc tiếp cận đến công chúng vẫn trở nên lạ lẫm. Anh nghĩ gì về điều này?

- Chúng ta cần nhìn nhận rõ 2 hướng hoàn toàn khác nhau cho việc làm mới nhạc dân tộc. Tôi tạm đặt tên hai hướng đó một là phát huy, hai là phát triển. Cả hai điều này đều có giá trị và cần thiết. Đồng thời việc làm mới, cách tân, nhất là theo hướng phát triển, có thể sẽ gặp nhiều ý kiến đồng thuận, không đồng thuận. Nhưng điều đó là cần thiết, miễn sao không mang tính vùi dập, mà phải luôn hàm chứa sự tích cực hướng tới cái chung.

* Nhiều người nói rằng, khoảng cách giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống là hai đường thẳng song song, nhưng âm nhạc truyền thống sẽ là một đường thẳng ngày càng ngắn đi. Là một người nghiên cứu âm nhạc, anh có muốn “cứu vãn” điều này?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ tới điều đó. Mỗi thời đại lại có những dấu ấn riêng, nhưng cái gì đã tồn tại cùng thời gian có nghĩa nó đã khẳng định giá trị của mình và không dễ bị triệt tiêu.

Tuy nhiên, giả thiết rằng “âm nhạc truyền thống sẽ là một đường thẳng ngày càng ngắn đi” có thể sẽ trở thành sự thật, nếu đường lối phát triển văn hóa, chính sác giáo dục của chúng ta quá nghiêng về một hướng, hoặc không quan tâm một cách đúng đắn tới giá trị truyền thống.

* Tôi thấy nhiều nghệ sĩ quốc tế không chỉ yêu thích âm nhạc dân tộc Việt Nam mà còn say mê nghiên cứu và thực hiện các dự án khá ấn tượng. Trong khi các nghệ sĩ ở mình, được sinh ra và lớn lên trong chính môi trường thuần dân tộc như vậy thì đôi khi chỉ biết rơi vào lối mòn của sự xưa cũ, không có sự đột phá hay để không tìm ra con đường mới cho âm nhạc truyền thống. Anh có đồng ý không?

- Tôi cho rằng mỗi người tiếp cận âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam với một mục đích khác nhau và ta không thể cho đó là số đông , để rồi nhìn vào chính mình lại thấy những điều không tích cực.

Đối với nghệ sĩ Việt, mỗi người có một con đường riêng, cách đi riêng khi gắn bó với âm nhạc. Số ít trong đó sẽ chú ý đến âm nhạc truyền thống dân tộc và họ sẽ có cách tiếp cận, khai thác riêng của mình. Ví dụ như Nhóm Xẩm Hà Thành là sự tiếp nối truyền thống với những sáng tạo mang tính thời đại, trong khi ta sẽ thấy nghệ sĩ Ngô Hồng Quang muốn khai thác đậm chất liệu âm nhạc dân tộc trong các sáng tác mới của mình…

Sự đột phá ở đây là có, chứ không phải không. Nhưng đột phá của một hoặc một vài cá nhân không đủ cho cả một giai đoạn mà họ đang hiện hữu. Muốn nhạc truyền thống dân tộc được tiếp tục phát huy, được phổ biến và có nhiều đột phá không thể dựa vào từng cá nhân. Điều đó cũng tựa như việc nằm ở dưới gốc cây sung há miệng chờ.

* Một trong những cảnh bế tắc của việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc hiện nay là việc thiếu đi môi trường diễn xướng. Với xẩm, tôi thấy anh cũng đã tạo được môi trường ấy từ việc đưa lên YouTube, diễn tại sân khấu phố đi bộ Hồ Gươm. Nhưng như thế, hẳn vẫn chưa đủ?

- Việc thiếu đi môi trường diễn xướng là có thật. Tuy nhiên, nó đã là quy luật tự nhiên, khi cánh cửa này khép lại ắt sẽ có cánh cửa khác hé lộ. Cái chính là những người trong cuộc có nhìn thấy cánh cửa đó không để mà mở ra. Và nếu mở ra được rồi thì có đủ dũng khí để là đi hay không.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm