Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời: Người 'giải phóng quân' ra đi, chỉ còn tình yêu ở lại

30/06/2015 05:38 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Năm 1945 chàng trai 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu đã cho ra đời bài hát Đoàn giải phóng quân với hoài ước ghi trọn lời thề với non sông “ra đi theo hồn sông núi”. Giờ đây núi sông đã ôm ông vào lòng.

Chàng giải phóng quân năm nào đã ra đi, chỉ còn âm nhạc và tình yêu là ở lại...

Không có cách mạng, không trở thành nhạc sĩ   

Tuổi 20 của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đến vào đúng mùa Thu cách mạng năm 1945 mà như ông kể lại “đó là mùa thay lá, đơm hoa cho cả một non sông Tổ quốc. Mùa đổi đời cho hàng chục triệu con người”.

Nếu không có mùa Thu ấy chắc sẽ không có một nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sau này mà “có thể là một anh thư ký quèn cho một hãng buôn nào đó. Hoặc là một anh thợ chữa máy không tên tuổi” như ông đã từng tự bạch. “Chắc chắn một điều, không thể nào tôi là một nhạc sĩ được, nếu ngày ấy, không có Đảng kịp thời lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.


Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (giữa) nhận lời chúc mừng từ những người bạn, người thân trong ngày ông thượng thọ 90 tuổi, hôm 11/11/2014

Điều này sẽ lý giải vì sao mà sau này nhiều người đã ví ông là một trong những nhạc sĩ sáng tác nhạc đỏ, hành khúc tuyệt vời đến vậy. Mỗi bài hát như một sự thôi thúc, sự tiến lên, sự quên mình, như một ngọn lửa được đốt lên từ trong tim. Những ca khúc như Đoàn giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ, Ra tiền tuyến, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm… đều thấm đẫm tinh thần ra đi vì nước, xả thân vì nước cho dù ông từng có đợt bị chỉnh lý vào năm 1952 rằng câu “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi, nào có sá chi đâu ngày trở về” là bi quan và tiêu cực, “ra đi không hẹn ngày về là không lành mạnh”.

Nhưng những ca từ của bài hát vẫn găm vào những người lính ra trận “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/ra đi, ra đi thà chết chớ lui”. Đó là lời thề của giải phóng quân và cũng là lời thề đầu tiên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi bước theo cách mạng.

Chính ca khúc Đoàn giải phóng quân đã mang đến cho ông những danh hiệu dù lúc đó ông luôn tự ti mình chưa học qua trường lớp âm nhạc nào. Chính bài hát này đã giúp ông có được tiền bản quyền xuất bản đầu tiên trị giá 800 bạc Cụ Hồ, “hơn 5 năm ăn cơm tháng bình dân lúc đó chỉ 12 đồng một tháng” và mua được cây guitar đầu tiên vốn là của vua Bảo Đại.

Chính với cây guitar này sau đó ông đã sáng tác nên những bài ca bất hủ khác: Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong…

Đôi cánh nhạc bay bằng những vần thơ

Một trong những tuyến đề tài sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn đọng lại trong lòng người mộ điệu chính là những ca khúc được phổ thơ.  Ông được xem là ông hoàng phổ thơ cho ca khúc và rất nhiều sáng tác đó bây giờ vẫn được yêu thích.

Cách mạng đưa ông trở thành nhạc sĩ và những vần thơ đã giúp âm nhạc của ông bay cao. Ông nói rằng “Thơ và nhạc là hai chị em song sinh. Tôi yêu quý những tập thơ ngang bằng những tập bài hát”.

Ngay trước bàn làm việc của ông là một kệ hàng trăm quyển thơ. Thơ luôn xếp hàng ngăn nắp để phục vụ ông. Từ những tập thơ của những tác giả hàng thế kỷ trước như Mayakovsky hay Pablo Neruda, Tagor cho đến Xuân Quỳnh, Ngọc Anh…

Những bài hát để lại sâu đậm tên tuổi của ông như Bóng cây Kơnia, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Anh ở đầu sông, em cuối sông, Thuyền và biển, Sợi nhớ sợi thương, Hành khúc ngày và đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ… đều là những ca khúc phổ thơ.

Năm 1946 ông cho ra mắt ca khúc phổ thơ đầu tiên, Những người đã chết (thơ Tế Hanh) nhưng không thành công. Bài thứ hai, Mưa (1949, phổ thơ Huy Cận) được chú ý hơn nhưng vẫn chưa lớn. Phải đến năm 1971, sau sáu năm thai nghén, ca khúc Bóng cây Kơnia của ông ra đời (phổ thơ Ngọc Anh) mới thật sự gây tiếng vang. Một năm sau, 1972, ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly) ra đời và và được nhiều nhạc sĩ tên tuổi “công nhận đạt điểm cao”. Chính hai ca khúc này đã trở thành đòn bẩy tạo nên bước chuyển mới trong sáng tác của ông, nâng một loạt sáng tác của ông sau này lên một tầm cao mới.

Đến bây giờ những giai điệu trong bài thơ Thơ tình cuối mùa thu vẫn còn đầy ắp trong lòng người yêu nhạc: Tuổi theo mùa đi mãi/Chỉ còn anh và em/Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại.

Người giải phóng quân năm xưa đã ra đi nhưng những lời thề của ông vẫn ở lại; người thợ xây của ông vẫn ở lại, xây cho nhà cao cao mãi; “Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào” và những mùa thu vẫn đi cùng lá, chỉ còn tình yêu là ở lại…

Di nguyện rải tro cốt ở sông Hàn

Sau khi từ trần vào lúc 10h15 ngày 29/6/2015 tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), thi hài nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được đưa về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Theo nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, vào 8h30 sáng 30/6 sẽ làm lễ tẩm liệm và 10h cùng ngày sẽ di quan đến Nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3). 12h ngày 30/6 sẽ bắt đầu lễ viếng.

5h sáng ngày 3/7/2015 (nhằm ngày 18 tháng 5 Âm lịch) sẽ làm lễ truy điệu và 5h30 là lễ động quan. Linh cữu được hỏa táng tại Nghĩa trang Phúc An Viên (phường Long Thạnh Mỹ, Q.9). Theo di nguyện của nhạc sĩ, tro của ông sẽ được rải tại sông Hàn (Đà Nẵng), quê hương ông.

Được biết tang lễ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ do Thành ủy và UBND TP.HCM phối hợp cùng gia đình  tổ chức.

P.V

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có thể là “giám khảo cao tuổi nhất Việt Nam” vì gắn bó với chương trình Tiếng hát mãi xanh suốt 5 mùa giải. Ông được khán giả yêu mến gọi là “Ông già Tiếng hát mãi xanh”. Đến đêm chung kết 2 của mùa giải 2015, nhạc sĩ vẫn giữ nguyên nét đáng yêu, dí dỏm trên “ghế nóng” với những phát biểu “để đời” như: “Tôi không tin bão tố đàn ông, tôi chỉ sợ bão tố đàn bà thôi” hoặc phong danh hiệu “Chiếc lá còn xanh” cho “bóng hồng” U40 khi cô thể hiện ca khúc Chiếc lá cuối cùng. Vị giám khảo U100 cũng khiến khán giả phải bật cười khi ví von việc chọn ca khúc khó của thí sinh như hành động “dám leo lên lưng cọp” hay vui mừng tìm ra “chàng thanh niên 71 tuổi nhưng lại sở hữu giọng hát 35 tuổi” Dương Hữu Hùng…

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm